Đức - Áo: Gạt bỏ bất đồng, nỗ lực giải quyết 'chuyện' người nhập cư

Ngày 16/9, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và người đồng cấp Đức Angela Merkel đã hội ngộ tại Berlin và thảo luận về nhiều vấn đề của Liên minh châu Âu (EU).

Trước cuộc gặp, giới quan sát đã cho rằng, đây sẽ là một cuộc “đụng độ”, khi Thủ tướng trẻ nhất châu Âu có quan điểm khác biệt so với chính trị gia lão làng của nước Đức trong vấn đề người nhập cư.

Ông Kurz từng có nhiều hành động và phát ngôn gây tranh cãi khi cho rằng Vienna, Berlin cùng Rome nên thành lập một “trục” để chống lại làn sóng nhập cư bất hợp pháp. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Áo đang từng bước thúc đẩy việc củng cố đường biên giới EU.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel lại nghĩ khác khi có nhiều chính sách chào đón người nhập cư tới nước Đức, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Đảng cầm quyền hay nội các Chính phủ. Tuy nhiên, gần đây nhất, bà đã ít nhiều “nhượng bộ” trước áp lực đến từ Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer và buộc phải cam kết thành lập các trại tị nạn ở biên giới để kiểm soát người nhập cư, nhằm cứu vãn chính phủ “chia năm sẻ bảy” ở thời điểm đó.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và người đồng cấp Áo Sebastian Kurz trong cuộc họp báo chung ngày 16/9 tại Berlin. (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên, cuộc gặp đã diễn ra suôn sẻ hơn so với dự đoán. Gạt bỏ những bất đồng, hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ nỗ lực để giải quyết tình trạng người nhập cư bất hợp pháp tại châu Âu. Theo đó, Đức và Áo sẽ hợp tác với một số quốc gia châu Phi để kiểm soát dòng người nhập cư, đồng thời hoan nghênh kế hoạch củng cố Lực lượng Bảo vệ Biên giới EU (Frontex) được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong Thông điệp Liên minh thường niên hồi tuần trước.

Thủ tướng Sebastian Kurz nhấn mạnh: “Mở cửa biên giới trong châu Âu sẽ không thể thành hiện thực nếu như chúng ta không bảo vệ biên giới của cả châu Âu.” Ông cũng công bố kế hoạch tổ chức thượng đỉnh với các nước châu Phi tại Vienna với sự góp mặt của Tổng thống Rwanda Paul Kagame vào tháng 12 tới. Cuộc gặp sẽ tập trung thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai châu lục, nhằm giải quyết một nguyên nhân cốt lõi của khủng hoảng nhập cư.

Ngày 17/9, ông Kurz sẽ tới Paris, hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về chủ đề tương tự.

Về phần mình, Thủ tướng Merkel cũng khẳng định tầm quan trọng trong mở rộng hợp tác với các nước châu Phi, trong bối cảnh “không quốc gia nào có thể giải quyết tất cả mọi việc.” Ngay sau cuộc gặp với ông Kurz, bà Merkel đã lên đường tới thăm Algeria, nhằm cải thiện quan hệ kinh tế và tìm kiếm sự đồng thuận của quốc gia này trong vấn đề nhập cư. Đây là quốc gia lớn nhất trong khu vực, tiếp giáp với Mali và Niger ở phía Nam, những nước trung gian người nhập cư thường đi qua để đến Địa Trung Hải, “xâm nhập” vào châu Âu.

Cũng trong cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đồng thuận sẽ làm tất cả những gì có thể để tránh “Brexit cứng”, bất chấp tình trạng đàm phán đình trệ hiện nay giữa Anh và EU. Châu Âu mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Anh hậu Brexit, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng. Đây cũng là chủ đề trọng tâm tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu ngày 19/9 tới tại Salzburg (Áo).

Có thể thấy, các nước châu Âu nói chung và Đức, Áo nói riêng đang có nhiều động thái giải quyết tình trạng người nhập cư bất hợp pháp tại EU. Một mặt, họ cố gắng hạn chế ảnh hưởng tức thời của làn sóng này thông qua tăng cường kiểm soát biên giới và cung cấp quyền tị nạn “chọn lọc”.

Mặt khác, Brussels mở rộng hợp tác với các nước châu Phi, đặc biệt là những quốc gia “gốc” của người nhập cư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, duy trì ổn định chính trị, qua đó giải quyết nguyên nhân của cuộc khủng hoảng. Dường như các nước châu Âu đang muốn chứng tỏ rằng, một khi họ đồng lòng thì dù là khủng hoảng nhập cư hay Brexit cũng không thể làm khó được khối thống nhất này.

Minh Quân

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/duc-ao-gat-bo-bat-dong-no-luc-giai-quyet-chuyen-nguoi-nhap-cu-78009.html