Đức, Áo chấp nhận 'đốt nhiều than đá hơn' vì thiếu khí đốt Nga

Cả Đức và Áo đều phải tăng cường vận hành các nhà máy nhiệt điện than để sản xuất điện năng nhằm ứng phó với tình trạng nguồn cung khí đốt từ Nga đang bị cắt giảm.

 Cả Đức và Áo đều phải tăng cường vận hành các nhà máy nhiệt điện than trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga đang sụt giảm.

Cả Đức và Áo đều phải tăng cường vận hành các nhà máy nhiệt điện than trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga đang sụt giảm.

Trong thông báo đưa ra mới đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thừa nhận sai lầm trong chính sách kinh tế của Đức là đã lệ thuộc quá nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Nga trong thời gian dài mà không xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để có thể ứng phó kịp thời trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Berlin thời gian gần đây đã vạch kế hoạch mở rộng sản xuất năng lượng tái tạo và cải thiện các biện pháp lưu trữ khí đốt. Tuy nhiên, phải cần một thời gian dài để các nguồn năng lượng sạch như điện gió và điện mặt trời đảm bảo đủ nguồn cung.

Trong tài liệu dài 5 trang được công bố ngày 19/6, Bộ Kinh tế Đức cho biết để tích trữ năng lượng dùng trong mùa đông, nước này cần giảm tiêu thụ khí đốt và tích trữ nhiều khí đốt hơn nữa.

Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck cho biết Đức đã phải đưa ra “quyết định cay đắng” đó là huy động các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá.

"Tình thế hiện nay buộc chúng tôi phải quyết định đốt nhiều than đá hơn nữa khi mùa Đông tới. Dĩ nhiên tôi hiểu than thải ra lượng khí carbon cao gấp đôi khí đốt, nhưng đây là thời kỳ đặc biệt, đó là phương án hiệu quả nhất để giảm tải khí đốt", ông Habeck nhấn mạnh.

Cùng ngày, chính phủ Áo cho biết sẽ làm việc với tập đoàn Verbund, doanh nghiệp cung cấp điện chính của nước này, để vận hành trở lại nhà máy nhiệt điện than Mellach, cơ sở sản xuất điện từ than đá cuối cùng của Áo.

Nhà máy Mellach được đóng cửa vào đầu năm 2020 khi chính phủ nước này loại bỏ dần nguồn cung năng lượng gây ô nhiễm, chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Theo lý giải của Thủ tướng Áo Karl Nehammer, 80% nguồn cung khí đốt của Áo là đến từ Nga và nước này đang "thay thế lượng khí đốt Nga bị thiếu bằng các nguồn cung cấp khác để dự trữ".

Trước đó, Gazprom ngày 15/6 đã tuyên bố cắt giảm lượng khí đốt chuyển tới Đức qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) lên đến mức 60%, cao hơn mức 40% mà Gazprom đưa ra một ngày trước đó. Nguồn cung khí đốt qua đường ống này giảm từ 167 triệu m3/ngày xuống chỉ còn 67 triệu m3.

Theo hãng tin AP, Moscow trước đó ngắt toàn bộ dòng khí đốt đến Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch, cũng như giảm nguồn cung đến Áo và một số nước Đông Âu.

Hãng nghiên cứu và tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie dự báo, nếu dự án Dòng chảy phương Bắc bị đóng cửa hoàn toàn, Liên minh châu Âu (EU) không thể đạt mục tiêu tích lũy khí đốt; khí đốt dự trữ của châu Âu có thể cạn kiệt vào tháng 1/2023.

Minh Đăng

Theo Reuters

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/duc-ao-chap-nhan-dot-nhieu-than-da-hon-vi-thieu-khi-dot-nga-20180504224269985.htm