Dubai - hình mẫu lý tưởng của mô hình phát triển kinh tế sáng tạo

Việc sở hữu nhiều tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới, quần đảo nhân tạo lớn nhất thế giới, khu trượt tuyết trong trung tâm mua sắm, và hãng hàng không bận rộn nhất thế giới, đã cho thấy cú chuyển mình đầy ngoạn mục của Dubai từ một cảng trung chuyển trong khu vực thành một trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới.

Việc sở hữu nhiều tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới, quần đảo nhân tạo lớn nhất thế giới, khu trượt tuyết trong trung tâm mua sắm, và hãng hàng không bận rộn nhất thế giới, đã cho thấy cú chuyển mình đầy ngoạn mục của Dubai từ một cảng trung chuyển trong khu vực thành một trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới.

Dubai là tiểu vương quốc có dân số đông bậc nhất Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Giống như các tiểu vương quốc còn lại, Dubai giàu có nhờ dầu mỏ và bắt đầu xuất khẩu dầu vào năm 1969. Thế nhưng nền kinh tế của Dubai đang ngày càng được đa dạng hóa. Vậy, tiểu vương quốc này đã xoay xở như thế nào để không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh khi không phải phụ thuộc quá nhiều đến "vàng đen"?

 Dubai trở thành nơi thử nghiệm công nghệ vận tải trong tương lai. Trong ảnh: Một chiếc taxi bay đang bay qua thành phố. Ảnh: CNN

Dubai trở thành nơi thử nghiệm công nghệ vận tải trong tương lai. Trong ảnh: Một chiếc taxi bay đang bay qua thành phố. Ảnh: CNN

Vị trí địa lý đắc địa

Nằm trên bờ biển vịnh Ba Tư của UAE, Dubai được xem là chiếc cầu nối giữa phương Đông với phương Tây nên rất thuận lợi cho việc giao thương từ Đông sang Tây và ngược lại. Từ đó, Dubai trở thành cửa ngõ của thế giới Arab giao lưu với tất cả thế giới bên ngoài cho dù có sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của vị trí địa lý quốc gia cũng như sự không bền vững khi phát triển bằng dầu mỏ, cố Vương Dubai Sheikh Rashid bin Saeed Al Maktoum đã dành hơn hai thập kỷ trị vì của mình để biến thành phố này thành điểm đến đẳng cấp thế giới, nơi có thể tồn tại mà không cần đến dầu mỏ.

Kế hoạch "thoát dầu"

Sheikh Rashid, và con trai của ông là Sheikh Mohammed bin Rashid al Maktoum - tiểu vương hiện tại của Dubai và Thủ tướng của UAE, đã tận dụng vị trí địa lý thuận lợi tập trung phát triển thương mại, giao thông và du lịch.

Cụ thể, Dubai tiến hành nạo vét lạch nước mặn tự nhiên Dubai Creek năm 1960 để tạo đủ độ sâu cho tàu lớn đi qua, xây dựng cảng Jebel Ali năm 1979 và xây dựng Vùng tự do Jebel Ali (JAFZA) xung quanh cảng năm 1985 để các Cty nước ngoài được tự do nhập khẩu lao động và vốn. Cũng trong năm 1985, Dubai đã thành lập hãng hàng không của riêng mình, Emirates Airlines.

Ngoài ra, Dubai cũng chú trọng đổi mới hình ảnh của mình thông qua cảnh quan thành phố. Kiến trúc vĩ đại của các nhà chọc trời đã tạo cho Dubai một phong thái mới lạ, tạo cho du khách một cảm giác lạ lùng khi dạo quanh thành phố. Các bãi biển Dubai đã được bồi đắp thêm, biến vùng đất biển sa mạc thành khách sạn sang trọng và nguy nga tráng lệ có một không hai trên thế giới như Quần đảo Cây Cọ được hình thành bởi 3 hòn đảo nhân tạo Palm Jumeirah, Palm Jebel Ali và Palm Deira, khách sạn Burj Al Arab tráng lệ, và tòa tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới. Dựa vào đó, mô hình du lịch "Luxury" (cao cấp) dành cho những du khách giàu có cũng được phát triển ở Dubai.

Với luật cải cách đất đai năm 2002, Dubai trở thành quốc gia đầu tiên ở vùng Vịnh cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản. Nhờ vậy, thị trường bất động sản ở Dubai lúc nào cũng sôi động. Gần đây, Dubai đã được bầu làm nước chủ nhà Hội chợ triển lãm thế giới năm 2020 (World Expo 2020). Sự kiện lần này là cơ hội vàng cho Dubai củng cố thêm hình ảnh của mình, thu hút đầu tư để phát triển kinh doanh và du lịch.

Hình mẫu lý tưởng

Dubai là một câu chuyện thành công đáng chú ý nhờ mô hình phát triển sáng tạo. Vì vậy, một số các tiểu vương quốc bán đảo Arab có vị trí địa lý tương tự, điển hình là Aden, Muscat và Doha, đang noi gương Dubai đa dạng hóa nền kinh tế để bớt "dựa dẫm" vào nguồn lực tự nhiên.

Cụ thể, Oman có thể tiếp cận Ấn Độ Dương và Biển Arab từ cảng Salalah ở phía Nam. Tiểu vương quốc này đang lên kế hoạch xây dựng một khu công nghiệp lớn dọc theo bờ biển phía Đông của biển Arab. Saudi Arabia đặt ra mục tiêu trở thành một "trung tâm kết nối ba châu lục" với tầm nhìn đến năm 2030.

Trong khi đó, Dubai vẫn đang trên đà phát triển theo hướng đi lên của thế giới khoa học công nghệ hiện đại với mục tiêu mới là trở thành một trung tâm khởi nghiệp công nghệ trong tương lai. Chính sự năng động và tự tin đón đầu thời cơ cũng như xu thế phát triển, Dubai không hổ danh là thành phố toàn cầu và là một trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới.

TUỆ KHANH (Theo CNN)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_190593_dubai-hinh-mau-ly-tuong-cua-mo-hinh-phat-trien-kinh-te-sang-tao.aspx