Đưa yếu tố tâm linh vào MV ca nhạc: Cuộc chơi mạo hiểm

Chỉ sau vài ngày ra mắt, MV 'Tứ phủ' của ca sĩ Hoàng Thùy Linh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả. Tuy nhiên, bên cạnh sự yêu thích, ủng hộ, MV cũng nhận được không ít ý kiến trái chiều. Việc đưa yếu tố tâm linh, tôn giáo vào các sản phẩm âm nhạc vẫn là thử nghiệm khá mạo hiểm với các nghệ sĩ trẻ.

Hoàng Thùy Linh đang chứng tỏ là ca sĩ có nhiều ý tưởng sáng tạo trong giai đoạn hiện nay. Sau sự thành công của MV "Để Mị nói cho mà nghe", làm mưa làm gió trên các sân khấu ca nhạc cũng như các trang nghe nhạc trực tuyến, cô vừa trình làng sản phẩm âm nhạc tiếp theo - MV "Tứ phủ". Ngay lập tức, MV cũng gây được sự chú ý của cộng đồng nghe nhạc.

Chỉ sau 5 ngày công bố, MV đã đứng vào hàng những MV triệu view. "Tứ phủ" là ca khúc được nhạc sĩ Hồ Hoài Anh sáng tác dựa trên phần lời của nhà thơ Ngân Vi. Ca sĩ Hoàng Thùy Linh cùng ê kip thực hiện MV này với sự kết hợp giữa nhạc điện tử và âm nhạc dân gian. Trong đó, cô hóa thân vào nhân vật cô Bơ - một trong những vị thánh nổi tiếng thuộc hàng Tứ phủ.

Hình ảnh ca sĩ Hoàng Thùy Linh trong MV “Tứ phủ”.

Hình ảnh ca sĩ Hoàng Thùy Linh trong MV “Tứ phủ”.

Chia sẻ với báo chí, Hoàng Thùy Linh cho biết, cô đã dành cả năm trời để chuẩn bị cho sự ra đời của MV này từ âm nhạc đến hình ảnh. Nhà thiết kế Công Trí đã đảm nhiệm thực hiện phần trang phục cho MV. Xuất hiện trong MV, Hoàng Thùy Linh diện một bộ trang phục màu trắng, đầu đội chiếc mấn cách điệu có tấm trùm bên ngoài, kèm theo bông tai, tất cả đều màu trắng.

Về mặt hình ảnh, cô khiến khán giả liên tưởng tới những cô gái trong lễ hầu đồng với hình tượng linh thiêng Mẫu Thoải (dân gian còn gọi là Thủy cung Thánh mẫu). Theo chia sẻ của stylist Hoàng Ku trên báo chí: "Trang phục của Hoàng Thùy Linh lấy cảm hứng từ văn hóa hầu đồng".

Bối cảnh chủ yếu được thực hiện trên sân khấu cộng hưởng cùng âm thanh và ánh sáng, kỹ xảo hình ảnh để tạo nên hiệu ứng thị giác về không gian huyền ảo, ma mị. Xuyên suốt từ đầu đến cuối MV, Hoàng Thùy Linh không quá cầu kỳ về vũ đạo, cô chỉ thực hiện một vài động tác múa, chủ yếu biểu cảm cảm qua ánh mắt.

Cuối MV, cô mới thể hiện một số vũ đạo nhảy mang màu sắc đương đại. Phát biểu trên báo chí, Hoàng Thùy Linh chia sẻ: "Tôi là người tin vào tâm linh và tôi muốn tạo ra những sản phẩm trẻ trung nhưng vẫn đậm tính văn hóa. Chính vì thế tôi quyết định đưa một nét văn hóa, tín ngưỡng vốn chỉ được thờ trong đền đài để mang vào MV một cách nghệ thuật". Cô cũng cho rằng, mình chỉ đem những hình ảnh tinh túy nhất, đẹp nhất cùng một phần cảm hứng từ hình tượng cô Bơ để tạo nên sản phẩm âm nhạc này.

Tuy nhiên, khán giả có cảm nhận được những gửi gắm của ca sĩ Hoàng Thùy Linh vào MV này hay không lại là chuyện khác. Chỉ sau 5 ngày ra mắt, MV đã có được 5 triệu lượt view, đứng ngay vào hàng MV triệu view. Không thể phủ nhận, MV cho thấy sự kỹ lưỡng, công phu của Hoàng Thùy Linh trong các khâu sản xuất để mang đến cho khán giả một sản phẩm âm nhạc khá cuốn hút.

Không ít người bày tỏ sự thích thú và ủng hộ cách Hoàng Thùy Linh đưa tín ngưỡng dân gian vào âm nhạc này. Những ý kiến ủng hộ Hoàng Thùy Linh cho rằng, sự sáng tạo của Hoàng Thùy Linh đáng được khen ngợi. Cô đã không chỉ đem đến sự phá cách mới trong âm nhạc truyền thống mà còn góp phần đưa tín ngưỡng văn hóa đạo Mẫu đến gần với giới trẻ hơn, thông qua âm nhạc.

Dù vậy, những ý kiến trái chiều dành cho MV cũng không ít. Về mặt nội dung ca khúc, theo như nhiều ý kiến chia sẻ trên mạng xã hội cũng như trên báo chí cho biết. Có tên là "Tứ phủ" tức là 4 phủ nhưng ca khúc chỉ nói lên được một phủ là phủ Thoải. Trong khi đó, "Tứ phủ" phải đầy đủ 4 cung với Thiên (trời), Địa (đất) Thoải (nước), Nhạc (rừng).

Ngoài ra, theo sự tích thì Cô Bơ đứng hàng thứ 3 trong tứ phủ. Trong truyền thuyết đây là người con gái xinh đẹp nết na, tài giỏi đã đánh đổi cả tuổi trẻ của mình để chung thủy chờ một bóng hình chứ không phải bị phụ tình và mang lòng oán hận ai oán. Tuy nhiên, trong phần lời của ca khúc với những ca từ như "Người phụ người bạc tình chua cay/ Trách phận vô duyên" lại mang ý trách móc, hờn giận.

Không chỉ có vậy, việc xen giữa những câu hát về tình yêu là những cụm từ như "A di đà Phật", "Cửu trùng thiên"... có cảm giác tác giả cố nhồi nhét, khiên cưỡng và ôm đồm. Không chỉ có vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Hoàng Thùy Linh và ê kip chưa hiểu đúng về đạo Mẫu. Đạo Mẫu vốn gắn với không gian linh thiêng trong khi những vũ đạo trong MV cũng không phù hợp tới bản chất của nghi lễ hầu đồng. Điều đáng nói là dường như ê kíp sản xuất chưa rạch ròi giữa nghi lễ tâm linh và biểu diễn giải trí.

Vì thế, mọi yếu tố tín ngưỡng xuất hiện trong MV đều nửa vời, làm chưa tới hoặc chưa phù hợp ngoài phần trang phục chỉn chu của ca sĩ. Những chuyên gia ở lĩnh vực âm nhạc đều đồng ý rằng việc này có thể gây ảnh hưởng đến nhận thức của khán giả trẻ, họ sẽ hiểu nhầm hoặc ngộ nhận bản chất của nghi lễ.

MV “Chiều phủ Tây Hồ” của ca sĩ Hoa Trần.

Âm nhạc là sản phẩm của đời sống tâm hồn con người. Yếu tố tín ngưỡng, tâm linh có trong các sản phẩm âm nhạc không phải là chuyện lạ. Thậm chí, nó trở thành một trong những nét đặc trưng của âm nhạc dân tộc. Những ca khúc đi cùng năm tháng, được đông đảo khán giả nhiều thế hệ yêu mến đều là những ca khúc thấm đẫm hồn dân tộc.

Không ít nhạc sĩ Việt Nam đưa yếu tố tâm linh, tín ngưỡng vào ca khúc một cách tinh tế, nhuần nhị như Phó Đức Phương, Trần Tiến, Phú Quang, Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến... Ca khúc "Mưa bay tháp cổ" của nhạc sĩ Trần Tiến là một ví dụ. Dù không có một từ nào trực tiếp nói về đạo Phật nhưng giai điệu, ca từ tạo nên một không gian tín ngưỡng tôn nghiêm, huyền bí. Hay "Trên đỉnh Phù Vân" của nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng vậy.

Người nghe cảm nhận ngay được tinh thần Phật giáo an nhiên tự tại dựa trên những đúc kết, triết lý, qua lăng kính người nhạc sĩ đi vào tác phẩm. Gần đây ca sĩ Hoa Trần ra mắt MV "Chiều phủ Tây Hồ" của nhạc sĩ Phú Quang thêm một bằng chứng cho việc đưa yếu tố tâm linh vào MV rất phù hợp. Một không gian thiền tự bảng lảng khói sương hiện lên qua những lời ca, giai điệu của nhạc sĩ Phú Quang.

Và cũng trên nền ca khúc ấy, Hoa Trần đã xây dựng một MV độc đáo về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Điều đáng nói là cách đưa tâm linh, tín ngưỡng vào MV của Hoa Trần khá khéo léo khiến cho khán giả hài lòng. Bên cảnh hình ảnh thì giọng hát nhẹ nhàng phiêu linh của cô rất hợp với thông điệp của ca khúc. Điều đó cho thấy, tín ngưỡng đã đi vào ca khúc một cách tự nhiên nhất, từ những cảm nhận tinh tế nhất từ chính người nhạc sĩ.

Có thể nói, thời gian gần đây không ít nghệ sĩ trẻ chú ý tới việc khai thác yếu tố dân gian, dân tộc để đưa vào tác phẩm. Đây là một hướng đi tích cực, không chỉ góp phần tạo nên đời sống âm nhạc phong phú, đa dạng mà còn góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.

Đặc biệt, việc kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại sẽ tan tỏa được tình yêu văn hóa dân tộc tới thế hệ trẻ, làm mới kho tàng văn hóa truyền thống của cha ông. Ai cũng hiểu rằng, việc đưa yếu tố tôn giáo, tâm linh vào ca khúc là một việc làm khó. Với "Tứ Phủ", Hoàng Thùy Linh cũng đang khai thác một đề tài khó cho riêng mình.

Sáng tạo là điều cần thiết trong nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng nhưng mọi sự sáng tạo đều phải dựa trên tinh thần sự thấu hiểu. Một số ý kiến cho rằng ca sĩ có thể không hiểu hết nhưng phải có cố vấn về văn hóa để tránh bớt những tranh cãi không đáng có. Bởi nói đến tâm linh, tín ngưỡng là chạm tới một cộng đồng người. Cộng đồng ấy sẽ phản ứng, không chấp nhận nếu sản phẩm âm nhạc ấy sử dụng chất liệu tín ngưỡng nhưng trái với bản chất của tín ngưỡng hay quan niệm lâu nay.

Khánh Thảo

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/dua-yeu-to-tam-linh-vao-mv-ca-nhac-cuoc-choi-mao-hiem-559594/