Đua xe máy tại Việt Nam và những chuyện 'thâm cung, bí sử'

Ngày mai (25/5), một cuộc đua xe mô tô chính thống, chuyên nghiệp lần đầu tiên sẽ được diễn ra tại Hà Nội. Với người dân khu vực phía Bắc, không phải ai cũng biết đến giải đua này.

Tôi có may mắn biết đến giải đua mô tô, xe máy ở Việt Nam cách đây độ chục năm. Đó là năm 2009, khi tôi là một trong số ít phóng viên ô tô xe máy miền Bắc vào tận Cần Thơ xem đua xe. Lúc đó, thậm chí nhiều đồng nghiệp của tôi còn chưa từng nghe hoặc chưa từng tưởng tượng xem cái giải đua xe máy ở Việt Nam nó diễn ra như thế nào.

Đua xe mô tô tại sân Cần Thơ

Đua xe mô tô tại sân Cần Thơ

Nếu bạn tò mò, hãy ra sân Mỹ Đình vào ngày mai. Còn nếu bạn muốn hiểu một chút về giải đua này, hãy nghe tôi kể. Phía sau đường đua, sau những tiếng nổ đanh đanh từ những chiếc xe là cả một câu chuyện dài.

Trong Nam, người ta đua xe máy từ lâu rồi

Cuộc đua mô tô lần đầu tiên ở Hà Nội, và cũng là lần đầu tiên được tổ chức ở miền Bắc diễn ra vào chiều mai thực ra có lịch sử từ lâu rồi.

Với nhiều người, năm 1989 được xem là cái mốc đáng nhớ nhất của môn đua xe thể thao khi lần đầu tiên Sở TDTT TP.HCM cho phép tổ chức Giải vô địch đua xe Honda 67 tại trường đua Phú Thọ. Như lời kể của tay đua “huyền thoại” Mã Kim So, đây chính là giải vô địch đua xe gắn máy hợp pháp đầu tiên ở Việt Nam.

Giải vô địch đua xe gắn máy hợp pháp đầu tiên ở Việt Nam bắt đầu năm 1989

Tuy nhiên, với những bậc tiền bối của So Gà - tên các “tay nài” hay dùng để gọi tay đua Mã Kim So, thì giải đua xe máy đầu tiên của Việt Nam bắt đầu từ năm 1968. Tay đua nổi tiếng một thời Sáu Lắm - thân sinh của cặp tay đua Trần Văn Lứ và Trần Văn Liên, nhớ như in vào mùa hè năm 1968, chính quyền Sài Gòn cũ cho phép tổ chức đua với thể thức xe... Honda 67 tại trường đua Phú Thọ. Các tay đua hừng hừng khí thế vào sân để tranh tài một cách đường đường chính chính chứ không còn đọ thí kiểu chui gầm xe ben hay cây hai thập thò ngoài xa lộ Đại Hàn. Đáng tiếc, giải đua này chỉ diễn ra duy nhất một lần rồi ngưng, mãi đến năm 1989 mới được tổ chức lại.

Năm 1989, thời điểm đó nếu so với thế giới, chúng ta đã chậm hơn khoảng... 7 thập kỷ và dù mới chỉ ở đẳng cấp sơ khai, cơ sở vật chất chưa phát triển, chưa được phép đua ở các chủng loại xe phân khối lớn nhưng trình độ của các tay đua Việt Nam cũng tiến bộ rất nhiều khiến nhiều tay đua nước ngoài phải nể phục như Mã Kim So, Vũ Trọng Bằng, Châu Lam Sơn...

Và đến năm 2006, khi Liên đoàn xe đạp - mô tô thể thao Việt Nam đồng ý và ban hành điều lệ giải vô địch cúp các CLB cho phép đua xe 125cc - loại xe “hạng ruồi” trong phân khúc thế giới, các tỉnh miền Tây đã nhanh chóng phát triển môn thể thao này với tốc độ chóng mặt.

Đua xe máy trở thành bộ môn thể thao quen thuộc của nhiều tỉnh thành phía Nam

Trong một năm, hệ thống giải đua xe môtô 125cc được tổ chức luân phiên ở nhiều tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ hay một số tỉnh miền Trung. Những người dân ở các tỉnh Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long, An Giang, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Tháp, Bà Rịa… không ai là không biết đã tồn tại một hệ thống giải đua xe như thế.

Trường đua xe chính là các sân vận động cấp huyện, cấp tỉnh. Nó được thiết kế với các đường chạy xung quanh sân, có nơi là đường nhựa, có nơi là đường đất. Không khí ở mỗi trường đua đều khá giống nhau, nhưng đường đua thì khác nhiều.

Sân Bình Phước có đường đua với đoạn chạy thẳng ngắn, mặt đường đua nhiều sỏi trơn trượt. Sân Vĩnh Long cũng không mịn màng. Sân Cần Thơ tốt hơn cả, chuyên nghiệp hơn vì đã có kinh nghiệm tổ chức thi đấu đua xe khá lâu. Không khí trên trường đua Cần Thơ cũng khác hẳn, với thường xuyên có khoảng 40 ngàn người đến xem.

Thời gian sau này, giải đua đã được nhiều hãng xe “nhảy” vào tài trợ như Yamaha, Suzuki mấy năm trước, Honda dạo gần đây. Việc này mở đầu cho cách thức tổ chức chuyên nghiệp cũng như nâng tầm cho môn thể thao tốc độ này.

Thể thức đua như thế nào?

Thông thường một giải đua thường được diễn ra ở hai hệ: chuyên nghiệp và phong trào. Các tay nài ở hệ phong trào (tay đua trẻ, dùng xe nguyên bản, dung tích xi-lanh thấp) đua trước, đan xen và tiếp sau đó là màn cạnh tranh của các tay nài chuyên nghiệp (các tay đua kỳ cựu, dùng xe độ, nâng công suất).

Thông thường một giải đua thường được diễn ra ở hai hệ: chuyên nghiệp và phong trào

Đường đua quanh các sân vận động được chia làm 4 làn, tương ứng với mỗi lượt đua gồm tối đa 4 tay đua. Dân trong nghề gọi vui là “đường đua, cua trái” vì tay đua chỉ có ôm cua trái chạy vòng tròn. Sau này có thêm các đường đua ở Long An, Bình Dương, trước đó là trường đua Phú Thọ (Tp. HCM) và ngày mai là đường đua quanh sân Mỹ Đình được vẽ track, nghĩa là có đoạn thẳng để tăng tốc, có cua trái, phải, có cua gấp…

Trước mỗi lượt đua chính, các tay nài được chạy khởi động trước vài vòng. Ngay cả khi chạy thử, trên khán đài đã không ngớt tiếng reo hò khi chứng kiến những màn bốc đầu, vỉa cua...

Ở giải đua mô tô 125cc, việc xuất phát tốt góp phần rất quan trọng vào thành tích của mỗi tay nài. Ai đề-pa tốt để vươn lên dẫn đầu cùng việc duy trì tay lái ổn định trong mỗi lượt đua sẽ có cơ hội chiến thắng cao.

Luôn có sự bất ngờ, kịch tính trong từng vòng đua

Càng vào sâu ở các lượt đua tứ kết, bán kết rồi chung kết thuộc cả hai hệ, tính canh tranh ngày càng quyết liệt. Các tay nài giành giật nhau khoảng cách từng bánh xe, từng khoảnh khắc, từng cơ hội để vượt lên phía trước.

Nếu như đoạn đường thẳng cần đến tốc độ và sức mạnh của động cơ thì những khúc cua lại cần đến bản lĩnh, kinh nghiệm, trình độ điều khiển của các tay lái. Việc thường xuyên duy trì ở tốc độ từ 100 - 150km/h (đường thẳng), khoảng 60-70km/h (khi ôm cua) đòi hỏi các tay nài phải có tâm lí vững vàng, phán đoán và xử lí một cách nhanh nhạy. Mọi quyết định được đưa ra chỉ trong tích tắc.

Khán giả theo dõi cuộc đua có lúc reo vang sau cú vượt ngoạn mục, có lúc ồ lên, trầm xuống sau những pha té ngã. Cũng đã có những tai nạn trên đường đua.

Cuộc đua luôn cần đến bản lĩnh, kinh nghiệm, trình độ điều khiển của các tay lái

Cũng đã có tay nài phải vào thẳng bệnh viện nhưng sức nóng trên đường đua không lúc nào giảm nhiệt. Vì niềm đam mê, vì danh dự của lò đua, các tay nài cứ lao ra đường đua là tiến về phía trước.

Đâu đó cũng có những toan tính chiến thuật, những pha xấu chơi, nhưng hơn cả, người ta thấy được tính lành mạnh, thấy được khát vọng chiến thắng ở môn thể thao tốc độ này.

Có những huyền thoại

Ở trong những cuộc đua như thế, người ta dần thấy những “tay đua vàng” như Lê Huy Hòa, Phạm Chí Trọng, Châu Lam Sơn, Trần Văn Liên, Lưu Thanh Tuấn, Nguyễn Viết Linh…

Người ta thấy một huyền thoại Mã Kim So, một “ông vua đường đất” Vũ Trọng Bằng, “ông hoàng đường nhựa” Trần Ngọc Sang hay là cả một tập thể mạnh của những tay đua cừ khôi đến từ Thành Đạt Racing Boy.

Có rất nhiều huyền thoại trên đường đua

Cũng như trong bóng đá, khi các “huyền thoại” về hưu là lúc các tay đua trẻ nổi lên. Những năm gần đây, nếu ai theo dõi giải đua sẽ khó mà quên được sự xuất sắc của các tay đua trẻ như Tô Hà Đông Nghi, Nguyễn Ngọc Hồ, Đoàn Trường Lợi…

Để theo đuổi đam mê, các tay đua đã phải đánh đổi, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Để đạt được thành tích đã không thiếu những cú ngã chí tử, những tháng dài nằm viện… nhưng hơn hết là họ biết họ làm gì, họ biết là họ đang cống hiến cho một môn thể thao đích thực.

Và hơn hết, khi có sân chơi, tệ nạn đua xe trái phép chắc chắn sẽ không còn. Chính cựu tay đua Vũ Trọng Bằng đã phát biểu với báo chí trong một lần vô địch giải đua: “Hãy thực hiện và sống với đam mê của mình dưới sự cho phép của các Tổ chức, liên đoàn. Đừng để đam mê của bạn lại là mối đe dọa cho sự an nguy của người khác”.

Chuyện phía sau đường đua

Chứng kiến những phút tranh tài gay cấn trên đường đua, ít ai biết rằng, phía sau đó là nỗ lực tập luyện của các tay nài, là cố gắng của cả đội đua. Ở khu vực phía Nam, mỗi đội đua thường được gọi là một lò đua.

Một lò đua muốn tham gia thi đấu tại các giải đua phải đăng kí với BTC và được sự cho phép của Liên đoàn xe đạp – môtô thể thao Việt Nam.

Phía sau đường đua là những câu chuyện dài

Mỗi lò đua, ngoài việc tuyển trạch được những tay nài xuất sắc còn phải được trang bị những “chiến mã” tốt. Xe đua đóng vai trò rất quan trọng trong mỗi cuộc đua. Chiếc Suzuki RGV 125, Yamaha Z125, sau này là Wave 110 được “chế”, “độ” sao cho đạt được tốc độ cao nhất, ôm cua không bị văng, động cơ đề-pa tốt…

Để chiếc xe vận hành vượt trội thì phần quyết định lại phụ thuộc vào các thợ máy. Người thợ máy giỏi đồng nghĩa với việc chế được những chiếc xe đua hay. Trang bị quần áo đua, mũ bảo hiểm của các đội đua cũng khác nhau.

Đội nào có kinh phí mạnh thì có thể “sắm” cho các tay nài những bộ trang phục lên tới cả nghìn USD, đội ít có điều kiện hơn thì cũng phải bỏ hàng chục triệu đồng để mua mũ, áo.

Các lò đua, cá nhân tham gia đều có mục đích của mình

Các lò đua hoạt động được nhờ kinh phí tài trợ của các cá nhân – những người cũng rất đam mê với môn đua xe mô tô. Các cá nhân “nuôi” tay đua cũng có mục đích. Thường thì họ không quá quan tâm đến giải thưởng nhận được từ BTC vì số đó quá thấp. Họ đua, đoạt giải để lấy tiếng cho lò đua, rồi quay lại độ xe, bán đồ độ, phụ tùng cho dân mê xe. Mỗi lò đua, thậm chí là các tay đua tự do đa số đều có một lò độ xe hay tiệm độ, chế xe. Họ kiếm tiền là từ đó.

Ngày mai, những vòng đua gay cấn, những tiếng pô nổ giòn tan sẽ lần đầu tiên vang lên ngay giữa thủ đô Hà Nội. Với tôi, một người từng là khán giả, từng tham gia tổ chức, từng làm truyền thông cho giải đua thì đó là một cảm xúc khó tả. Trước đó, nhiều người đã từng nỗ lực, nhưng chưa ai mang được giải đua hấp dẫn này ra Bắc như Honda Việt Nam.

Bởi Thế Đạt, 12:00, 24/05/2019

Nguồn Cartimes: http://cartimes.vn/bai-viet/dua-xe-may-tai-viet-nam-va-nhung-chuyen-tham-cung-bi-su-2847.htm