Đưa Việt Nam trở thành 'cứ điểm' đầu tư

Nỗi lo Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội từ sự dịch chuyển của dòng đầu tư toàn cầu ngày càng được giải tỏa, khi ngày càng nhiều tập đoàn lớn muốn đầu tư và mở rộng đầu tư, để biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất của mình.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan. Ảnh: Đoàn Bắc

Kỷ lục 38,85 tỷ USD có lặp lại?

Đã giữa tháng 12/2022, có nghĩa là chỉ còn ít ngày nữa sẽ “chốt sổ” tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2022. Bởi thế, câu hỏi lúc này là Việt Nam thu hút được bao nhiêu vốn đầu tư nước ngoài trong năm nay? Liệu kỷ lục 38,85 tỷ USD của năm ngoái có lặp lại?

Câu trả lời có vẻ không đơn giản. Bởi thực tế, 11 tháng, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mới có hơn 25,1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (bao gồm cả vốn đăng ký mới, vốn điều chỉnh và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần), bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi báo cáo Chính phủ mới đây đã cho biết, tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 và biến động địa - chính trị toàn cầu, nhưng cũng đang dần được cải thiện, vốn điều chỉnh tiếp tục tăng 18,9%, song rõ ràng, khoảng cách giữa 25,1 tỷ USD và 38,85 tỷ USD là không hề nhỏ và không dễ “san phẳng”, để kỳ tích của năm cũ lặp lại trong năm nay.

Khó khăn là dễ hiểu. Bởi chính ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) luôn nhấn mạnh về những vấn đề của dịch Covid-19, về những biến động khôn lường của địa - chính trị toàn cầu, khiến dòng đầu tư toàn cầu đang chậm lại. Số liệu của FDI Markets cho thấy, trong nửa đầu năm 2022, các dự án cấp mới trên toàn cầu đã giảm 3,8% so với cùng kỳ.

Nhưng tình hình ở Việt Nam đang được cải thiện. Dù chưa chính thức “chốt sổ”, nhưng chắc chắn, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong tháng cuối cùng của năm sẽ khá tích cực. Một bằng chứng dễ thấy nhất là tại Hội nghị triển khai Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Vùng Đông Nam bộ và Xúc tiến đầu tư Vùng, tổ chức vào cuối tháng 11/2022, hàng loạt cam kết đầu tư trị giá hàng tỷ USD đã được trao. Không ít trong số đó là giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Chẳng hạn, Dự án đầu tư Nhà máy Sản xuất polypropylene (PP) và kho ngâm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Bà Rịa - Vũng Tàu, vốn đầu tư là 250 triệu USD; Dự án Chế tạo trang sức và nữ trang, tổng vốn đầu tư 163 triệu USD tại Bình Dương, của Pandora Production Holding A/S; Dự án Nhà máy Sản xuất máng polyster tại Tây Ninh, vốn đầu tư 1 tỷ USD của Công ty TNHH Billion Industrial Việt Nam…

Thêm dự án tỷ USD, vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể. Dù có thể khó đạt mức kỷ lục 38,85 tỷ USD của năm ngoái, song Covid-19 không thể “làm khó” Việt Nam.

Dù chưa chính thức “chốt sổ”, nhưng với cam kết của các đối tác, tập đoàn lớn, chắc chắn, số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong tháng cuối cùng của năm sẽ khá tích cực. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Dù chưa chính thức “chốt sổ”, nhưng với cam kết của các đối tác, tập đoàn lớn, chắc chắn, số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong tháng cuối cùng của năm sẽ khá tích cực. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

“Phía trước là bầu trời”

Sự sụt giảm trong dòng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong năm nay đã khiến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng không khỏi lo lắng. Nhiều lần, ông thẳng thắn nói về câu chuyện Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội của dòng vốn đầu tư dịch chuyển.

Việt Nam là một trong 10 địa bàn đầu tư chiến lược của Tập đoàn.

Ông Patric Bergamini, Phó chủ tịch Phát triển kinh doanh và quan hệ chính phủ của Tập đoàn CMA-CGM

Tuy nhiên, câu chuyện dường như đang chuyển biến theo hướng khác, khi các động thái gần đây cho thấy, rất nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài sẽ đầu tư và tiếp tục đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Trong các chuyến công du tới châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mới đây, rất nhiều cam kết được đưa ra.

Chẳng hạn, Tập đoàn CMA-CGM của Bỉ, muốn mở rộng Dự án Cảng Gemalink giai đoạn II tại Cái Mép và bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Không chỉ CMA-CGM, hàng loạt tên tuổi lớn khác cũng đang lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. De Heus là một ví dụ. Hiện đã đầu tư 1 tỷ USD tại Việt Nam, song De Heus vẫn tiếp tục lên kế hoạch hợp tác với tác đối tác trong nước để phát triển chuỗi giá trị dinh dưỡng, thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

Các tập đoàn như Nedspice, Harvest Waste, Heineken, Climate Fund Managers, B-Medical Systems, SMS/Paul Wurth… cũng tương tự. Phát biểu tại cuộc gặp với lãnh đạo các tập đoàn này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ Việt Nam cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi, tích cực hỗ trợ để các doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng, đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của hai bên theo hướng hiệu quả, hai bên cùng có lợi.

Trong khi đó, trong chuyến công du tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, 24 văn kiện hợp tác đã được ký kết, 15 tỷ USD đề xuất đầu tư đã được đưa ra. Dễ hiểu con số tỷ USD được cam kết, bởi Hàn Quốc luôn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Tại cuộc gặp với Chủ tịch nước, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Samsung Electronics Han Jong-hee cho biết, Tập đoàn có kế hoạch nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỷ USD. Trong khi đó, theo chia sẻ của Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Cho Hyun Joon, sau khi đã đầu tư 3,5 tỷ USD vào Việt Nam, Hyosung sẽ nâng tổng mức đầu tư tại Việt Nam lên 5 tỷ USD trong thời gian tới đây, thay vì 2 tỷ USD như dự kiến ban đầu.

Một tên tuổi lớn khác là LG sẽ đầu tư thêm 4 tỷ USD vào Việt Nam trong tương lai, sau khi đã đầu tư hơn 5 tỷ USD vào thị trường này. “LG mong muốn đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất máy ảnh cho điện thoại trong tương lai”, ông Kwon Bong-seok, Phó chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn LG cho biết.

Các cam kết tương tự cũng đã được CJ, Hyundai, Daewoo E&C, Lotte… đưa ra. Thậm chí, các khẳng định về việc đưa Việt Nam trở thành “cứ điểm” sản xuất toàn cầu của tập đoàn đã được khẳng định.

Thực tế, không chỉ trong các chuyến công du nước ngoài của các nhà lãnh đạo đất nước, mà ngay tại Hội nghị triển khai Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Vùng Đông Nam bộ, rất nhiều cam kết tỷ USD cũng đã được các tập đoàn lớn đưa ra.

Chẳng hạn, The Siam Cement Public Co.Ltd muốn mở rộng giai đoạn II, Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, với tổng mức đầu tư 5,5 tỷ USD; hay Earth Vision muốn đầu tư Dự án Sản xuất gỗ công nghiệp cho ngành xây dựng lắp ghép theo công nghệ CLT và đóng tàu giải trí, vốn đầu tư 1,3 tỷ USD…

Một khi các kế hoạch này được hiện thực hóa, thì “phía trước là bầu trời”. 2023 và các năm sắp tới hứa hẹn vốn nước ngoài sẽ tiếp tục “chảy mạnh” vào Việt Nam.

Nguyên Đức

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dua-viet-nam-tro-thanh-cu-diem-dau-tu-d180239.html