Dựa vào ý thức thôi, chưa đủ!

Nhắc đến câu chuyện phơi, đốt rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp vùng ngoại thành hẳn không ít người sẽ nghĩ ngay đến câu cửa miệng 'biết rồi, khổ lắm, nói mãi'. Thực tế, chuyện này cũng đã khiến dư luận xôn xao suốt một thời gian dài với mức độ ô nhiễm không khí gia tăng, tuy nhiên để dứt điểm dường như vẫn chưa có hồi kết.

Khi nào nhận thức rõ giá trị của rơm rạ, có cách tái sử dụng, xử lý rơm rạ hiệu quả, khi đó mới không còn tình trạng đốt bỏ. Ảnh: Giang Nam

Khi nào nhận thức rõ giá trị của rơm rạ, có cách tái sử dụng, xử lý rơm rạ hiệu quả, khi đó mới không còn tình trạng đốt bỏ. Ảnh: Giang Nam

Bàn về nguyên nhân thì có nhiều, đơn cử như nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; thiếu chế tài xử lý đối với người đốt rơm, còn ít mô hình sử dụng rơm rạ vào các việc có ích; việc hỗ trợ các hộ sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ thành phân bón chưa phổ biến... Song chung quy lại, ở góc độ tổng thể, hiện nay đối tượng đốt rơm rạ chủ yếu là những người nông dân – những người có thu nhập còn hạn chế. Vì vậy, việc đưa ra các chính sách nghiêm cấm hay xử phạt dễ gây tác dụng ngược.

Ở quanh câu chuyện này, Hà Nội cũng nhận thức rõ và có nhiều giải pháp vào cuộc. Minh chứng dễ thấy, những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng này. Nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền để người dân ký cam kết không đốt rơm rạ, sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Mới đây, thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo Chỉ thị trên, trước ngày 30/9/2020, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của thành phố trong việc thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác theo quy định; đồng thời đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân đốt và giải pháp nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý rác thải và rơm rạ, phụ phẩm cây trồng trên địa bàn quản lý.

Trước ngày 31/12/2020, thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng, nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng.

Thành phố đặt mục tiêu, từ ngày 1/1/2021, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố.

Dẫn như vậy để thấy rằng, Hà Nội đang rất quyết tâm về vấn đề nêu trên. Có chăng yếu tố làm nên thành công nằm ở lộ trình thực hiện bài bản và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Thực tế, đã có nhiều mô hình không đốt rơm rạ đã và đang phát huy hiệu quả. Mô hình “biến” rơm rạ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn là ví dụ.

Tại đây, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã mời các chuyên gia sinh học nông nghiệp về tận nơi hướng dẫn các hội viên xử lý rơm rạ sau khi thu hoạch thành phân hữu cơ, bón cho cây trồng. Việc triển khai mô hình này nhằm thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các hội viên, người dân trên địa bàn về tác hại của việc đốt rơm rạ đối với môi trường sống, giao thông, sức khỏe con người.

Phải khẳng định, hạn chế đốt rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp sau mỗi vụ thu hoạch có rất nhiều lợi ích. Điều này đại bộ phận người dân đều nhận ra được. Và đại bộ phận đều mong mỏi thành phố Hà Nội đưa ra các giải pháp hỗ trợ về kinh tế, kỹ thuật để giúp sử dụng hiệu quả nguồn rơm rạ sau thu hoạch cũng như việc chuyển đổi thân thiện với môi trường./.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dua-vao-y-thuc-thoi-chua-du-113985.html