'Dựa vào dân để sớm phát hiện những kẻ cơ hội chính trị'

Biện pháp dựa vào quần chúng nhân dân là một biện pháp rất hữu hiệu để có thể sớm phát hiện ra những kẻ cơ hội chính trị.

T

ại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, có quan điểm lêch lạc, gây mất đoàn kết nội bộ, tham nhũng tiêu cực, đặc biệt những kẻ cơ hội chính trị.

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn GS Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam về nội dung này.

Không để những phần tử cơ hội chính trị chui vào bộ máy

PV: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những kẻ cơ hội chính trị. Vậy, cơ hội chính trị ở đây được hiểu như thế nào, thưa ông?

GS Vũ Minh Giang: Trước hết cần hiểu về hai từ “chính trị”. Chính trị tức là quyền lực, là dạng thức hoạt động của con người xoay quanh hai chữ “quyền lực”.

Phần tử cơ hội chính trị là họ tìm mọi cách để xâm nhập vào bộ máy quyền lực, tìm mọi cách để có quyền. Từ vị trí đó, họ dùng quyền lực để thực hiện mục đích cá nhân của họ.

Tổng Bí thư nói những kẻ cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch” là rất đúng. Khi chui luồn vào đội ngũ lãnh đạo, họ luôn giả dạng bằng lời nói, biểu hiện, đôi khi còn thể hiện bản thân rất vững vàng về lập trường, thông hiểu lý luận... nhưng động cơ sâu thẳm của họ là không vì những lý tưởng đó mà họ chỉ giành lấy quyền lực mà thôi. Sau khi có vị trí, có quyền lực thì họ thực thi mục tiêu rất cá nhân của họ.

Do đó, cần sớm phát hiện những kẻ cơ hội chính trị. Vì để những kẻ như thế chui vào hàng ngũ lãnh đạo, nắm quyền lực thì cái hại sẽ thể hiện trên rất nhiều mặt. Trước hết là sẽ không có cán bộ theo đúng nghĩa của nó phục vụ sự nghiệp chung, nhưng điều tệ hại hơn là làm mất uy tín của tổ chức, bị nhân dân nhìn nhận với con mắt khác cũng như làm giảm uy tín của Đảng.

Vì vậy, cần phải ngăn ngừa, không cho những phần tử cơ hội chính trị chui vào bộ máy của Đảng, chính quyền hay nói cách khác là không giành quyền lực bằng những thủ đoạn chính trị có tính cơ hội đó.

Dựa vào nhân dân để nhận diện phần tử cơ hội

PV: Làm thế nào để nhận diện được các đối tượng cơ hội chính trị trong hàng trăm, hàng vạn cán bộ bình thường khác, thưa ông?

GS Vũ Minh Giang: Có rất nhiều cách để phát hiện những phần tử như vậy như dựa vào các biện pháp có tính tổ chức của các cơ quan chuyên trách, theo dõi cả một quá trình, dựa vào nhiều thông tin liên quan đến cá nhân họ... Trong đó có một biện pháp mà từ khi Đảng ra đời cho đến nay đã làm rất hiệu quả đó là dựa vào nhân dân.

Đảng là đội tiên phong nhưng đồng thời cũng là người đại diện cho dân tộc, vì vậy, muốn có sự tin yêu của nhân dân thì những nhân vật trở thành lãnh đạo phải được tín nhiệm trong nhân dân. Cá nhân nào lên tới vị trí cao thì không thể nào ngụy trang được suốt cả cuộc đời. Họ giấu được nhưng vợ, con họ không giấu được. Hành xử trong công sở họ có thể che đậy được nhưng ngoài đời họ cũng không thể nào ẩn giấu được.

“Dựa vào quần chúng nhân dân là một biện pháp rất hữu hiệu để có thể sớm phát hiện ra những kẻ cơ hội.”

GS Vũ Minh Giang

Nếu chỉ dựa vào các bộ máy tổ chức thì có thể chỉ biết những phần cơ bản nhưng những thông tin mà nhân dân thu thập, phản ánh được thì lại có tính chất phong phú, đa dạng và đôi khi có cách nhìn chính xác hơn. Vì vậy, biện pháp dựa vào quần chúng nhân dân là một biện pháp rất hữu hiệu để có thể sớm phát hiện ra những kẻ cơ hội.

Khi dựa vào quần chúng để phát hiện những kẻ cơ hội thì phải dựa một cách thực chất chứ không phải bằng những quy trình mang tính hình thức. Bên cạnh đó phải mở rộng ra để người dân góp ý một cách không sợ bị trù dập mà lấy được nhiều ý kiến. Ví dụ như có hòm phiếu để khi quy hoạch hay giới thiệu nhân sự nào đó để cho người dân nhận xét đồng thời phải giữ bí mật cho những người góp ý. Đừng sợ cán bộ thuộc diện quy hoạch bị người xấu lợi dụng bởi người xấu không bao giờ là đa số. Khi thu được nhiều phiếu đánh giá không tích cực về cán bộ sẽ là một kênh khuyến cáo rất quan trọng, lúc đó trách nhiệm của các bộ phận, cơ quan tổ chức là phải đi xác minh.

Đôi khi người cơ hội lại rất dễ nhầm lẫn với những người có tác phong quần chúng. Để đối phó với việc phải hỏi ý kiến quần chúng thì họ đi đâu cũng “thăm già hỏi trẻ” nhưng thực chất là bằng con đường hiền hiền, giả nai để vào được vị trí. Do đó, phải có một yêu cầu khác nữa đó là để lên được vị trí cao thì anh phải có chiến công, làm được gì đó cho cơ quan để chứng minh anh có năng lực, có cống hiến.

Khi đặt vấn đề lấy ý kiến quần chúng thì không chỉ đặt vấn đề cán bộ tốt hay không tốt mà trong đó phải có những ô đánh giá về phẩm chất chính trị. Ví dụ như trung thực, người không trung thực thì dân biết ngay, hứa nhưng không làm, thì người đó cũng có tiềm năng trở thành người cơ hội; hay nếu quần chúng đánh dấu nhiều vào ô “cá nhân ích kỷ” thì cũng nên lưu ý những con người này.

PV: Những kẻ cơ hội còn dễ nảy sinh lợi ích nhóm để luồn lách, tìm mọi cách để có quyền lực, thậm chí chạy chức, chạy quyền, thưa ông?

GS Vũ Minh Giang: Lợi ích tức là trục lợi, từ đó liên kết thành nhóm lợi ích. Khi đặt vấn đề ngăn lợi ích nhóm thì phải ngăn chặn được cái gốc của nó. Họ bỏ tiền ra để chạy vào chức vụ vì họ coi chức vụ, quyền lực không phải chỉ là nơi cống hiến, phục vụ, phấn đấu mà là một vị trí, một công cụ để trục lợi. Do đó, cần làm sao để vô hiệu hóa việc bỏ tiền ra mua vị trí.

Việc “chạy chức”, “chạy quyền” không dễ bắt được quả tang nhưng trong các văn bản đều nhấn mạnh phải ngăn chặn nó từ gốc. Ngăn chặn để dù họ có bỏ tiền nhưng cũng không mua được chức. Muốn làm được như vậy thì phải có chế tài.

Còn nếu bỏ tiền ra để mua được chức thì chắc chắn sau khi có chức thì họ sẽ hoàn vốn. Thậm chí “thông đồng bén giọt” rồi, họ sẽ còn phải chạy nữa để mua được chức cao hơn. Cho nên việc chặn không cho chạy chức, chạy quyền là một biện pháp cần phải được chú trọng để lợi ích nhóm không hình thành.

PV: Có ý kiến cho rằng, để ngăn chặn được chạy chức, chạy quyền rất khó?

GS Vũ Minh Giang: Mặc dù là khó nhưng không thể không làm. Vì họ đã “chạy” thì phải “chạy” những con người cụ thể, nên làm sao để ngăn chặn việc dù họ có “chạy” nhưng vẫn không có chức thì họ sẽ không chạy nữa.

Cái ta muốn chặn đến cùng đó là chức vụ không nằm trong tay ở một hay một số người, mà phải nằm ở nhiều bộ phận khác nhau, phân tán quyền lực ra.

Việc dùng tiền để chạy vào vị trí nhưng không hiệu quả thì sẽ giảm được “chạy chức”, “chạy quyền”. Còn khi họ chồng tiền mà chạy được thì khả năng chống được lợi ích nhóm là rất khó.

Lợi ích nhóm suy cho cùng vẫn là phần tử cơ hội, dùng quyền lực để trục lợi, và khi đó chúng ta không thể trông chờ những con người đó đem lại ích quốc, lợi dân hay uy tín gì cho Đảng mà sẽ làm hại tới uy tín, thậm chí dẫn tới những nguy cơ khác của Đảng.

Biết sắp xếp, bố trí người tài

PV: Theo ông, nhân sự được quy hoạch vào cấp chiến lược cần những điều kiện, tiêu chuẩn như thế nào?

GS Vũ Minh Giang: Đã là cán bộ cấp chiến lược thì một phẩm chất rất quan trọng đó là có tầm nhìn xa, biết tư duy chiến lược. Muốn đánh giá người nào đó có tầm nhìn xa hay không thì cần xem xét quá trình họ làm trước đó cũng như trong hành xử, quyết định hay thành công của họ.

Thứ hai, cán bộ cấp chiến lược phải có tài dùng người tài. Có thể trước kia họ đã làm cấp này, cấp kia nhưng bị dư luận nhận xét là đố kỵ, hay hãm hại người tài, không nâng đỡ, khuyến khích người tài thì chớ đưa họ vào cấp chiến lược vì có thể làm hại Đảng ngay. Chính vì vậy, cần phải xem người đó có tấm lòng tôn trọng những người có năng lực hay không.

Việc này quần chúng biết rất rõ. Tôi thấy ở cơ quan nào, nhân viên nào cũng biết rõ lãnh đạo của họ biết dùng người, biết sử dụng nhân tài hay không. Đôi khi chúng ta khen người này, người kia giải quyết tốt công việc nhưng chưa hẳn đó là cán bộ cấp chiến lược, mà phải biết sắp xếp, biết bố trí, điều hành người tài vào từng vị trí công việc.

Thứ ba đó là khả năng liên kết giữa các bộ phận, lĩnh vực khác nhau. Tức là cán bộ cấp chiến lược có thể lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực nào đó nhưng liên kết ngang, dọc rất quan trọng. Theo đó, cán bộ phải có năng lực phi thường thì mới có khả năng liên kết mở rộng ra lĩnh vực của mình, phối hợp với nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thứ tư, về phẩm chất, bất cứ người cán bộ nào cũng cần những phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Tuy nhiên, với cán bộ cấp chiến lược thì những phẩm chất trên chưa đủ mà cần có thêm phẩm chất dám hy sinh, dám chịu trách nhiệm.

Phẩm chất này hiện nay rất hiếm, mà đa số là tranh công đẩy tội, tức là thấy công thì vơ vào, có khi người khác làm nhưng mình lại “dây máu ăn phần”, tội của mình rành rành nhưng lại đổ cho cấp dưới. Những người như vậy thì không thể nào là cán bộ cấp chiến lược được.

Thứ năm, trong bối cảnh hiện nay, cán bộ cấp chiến lược còn có khả năng hội nhập quốc tế, có khả năng nắm bắt công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, khả năng giao tiếp quốc tế cũng nên đặt ra đối với cán bộ cấp chiến lược.

Sau hết, phẩm chất rất cần đối với cán bộ cấp chiến lược là “biết lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”.

Nói như vậy không có nghĩa là cán bộ cấp chiến lược thì phải khổ hạnh nhưng nếu cán bộ ở cương vị cao, quá chú trọng vào việc hưởng thụ mà không quan tâm tới việc của dân thì lúc đó sẽ không toàn tâm, toàn ý cùng với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đưa đất nước vượt qua những thử thách, khó khăn. Họ cũng không có nhiều thì giờ để nghĩ ra các giải pháp hay các quyết sách có giá trị do đã bị các giá trị hưởng thụ khác chi phối.

PV: Một vị lãnh đạo từng nói rằng, trong công tác quy hoạch cán bộ cho giai đoạn tới, tinh thần là phải “đốt đuốc đi tìm người có tài, có tâm, có tầm”. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

GS Vũ Minh Giang: Người tài không bao giờ thiếu. Nếu có chính sách đúng thì người tài sẽ lũ lượt ra giúp nước. Còn khi nói phải “đốt đuốc đi tìm nhân tài” là ở đâu đó chúng ta chưa có cách tìm đúng, chưa có những chính sách động viên người tài.

Tôi đã từng có kiến nghị là cái quan trọng bậc nhất trong tất cả chiến lược là chiến lược con người. Nếu xây dựng chiến lược mà chỉ dựa vào khai thác tài nguyên thì sự phát triển đó sẽ không bền vững vì tài nguyên thiên nhiên là phi tái tạo, khai thác đến một ngày nào đó sẽ hết. Nếu chỉ dựa vào, ỷ lại tài nguyên thiên nhiên thì đất nước sẽ lụi tàn. Con người mới là tài nguyên quý giá nhất của một quốc gia. Chính vì vậy, chiến lược nhân tài mới quan trọng bậc nhất chứ không phải là chiến lược khai thác thiên nhiên.

Tôi hy vọng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cùng với việc thực thi Nghị quyết Trung ương 7 chúng ta sẽ có chiến lược nhân tài. Làm sao phát huy đến mức cao nhất nguồn lực từ nhân tài thì đất nước mới có thể sánh vai với các cường quốc năm châu.

Quan điểm của tôi, cán bộ cấp chiến lược không phải chỉ là những người làm chính trị mà còn có những người có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, trong đó phải tính đến đội ngũ cán bộ làm khoa học đầu đàn. Tôi nhớ ý tưởng này đã thấp thoáng có trong Nghị quyết Trung ương 7. Đây là một nhận thức rất mới, vì xưa nay chúng ta chỉ xem cán bộ cấp chiến lược là những người làm chính trị, hoạch định chính sách. Tuy nhiên, dẫn dắt đất nước không chỉ là đội ngũ làm chính trị mà còn là các nhà khoa học trên tất cả các lĩnh vực khác nhau, thậm chí là những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa thì mới tạo ra sự phát triển của xã hội.

Chính vì vậy, làm thế nào để có được những chính sách bồi dưỡng, phát triển để có đội ngũ các nhà khoa học đầu đàn. Nếu khoa học mà không có các nhà khoa học đầu đàn thì cũng sẽ không có đội ngũ làm khoa học đúng tầm của nó.

“Cán bộ cấp chiến lược không phải chỉ là những người làm chính trị mà cần tính đến đội ngũ cán bộ làm khoa học đầu đàn.”

GS Vũ Minh Giang

PV: Nghị quyết Trung ương 7 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và gần đây nhất là Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, sẽ cho chúng ta thêm nhiều hy vọng vào vào đội ngũ cán bộ sắp tới, thưa ông?

GS Vũ Minh Giang: Hy vọng là trông chờ, nhưng ở đây là một sự thôi thúc, bắt buộc phải có. Bởi vì đất nước ta đang bước vào thời kỳ biến đổi toàn cầu mạnh mẽ, phức tạp khôn lường...một sự kiện nhỏ ở đâu đó có thể liên quan đến chúng ta ngay lập tức. Điều đó không cho phép đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của bất cứ nước nào thờ ơ và kém năng lực. Do đó bắt buộc hệ thống chính trị phải tìm mọi cách chọn được nhân tài vào hệ thống chính trị, làm sao để khai thác được nguồn lực thì đất nước mới trụ được, nếu không thì sẽ chao đảo.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước phát triển trong điều kiện hòa bình và chúng ta cũng có điều kiện giao tiếp, tham gia nhiều vị trí quan trọng trên trường quốc tế, nên chúng ta càng có điều kiện để tìm người tài.

Sự nghiệp của Đảng được tạo dựng từ sự ủng hộ của nhân dân. Sức mạnh của Đảng dựa trên lòng tin của nhân dân. Vì vậy, việc chọn cán bộ như thế nào, sử dụng người tài ra sao sẽ là giải pháp vừa làm mạnh cho Đảng, vừa lấy lại lòng tin của nhân dân với Đảng./.

Theo kế hoạch, trong tháng 11/2018, các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị sẽ tiến hành quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đây là khâu tiền đề hết sức quan trọng để thực hiện các bước tiếp theo trong quy hoạch cán bộ để trình Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII sẽ diễn ra vào cuối tháng 12/2018./.

Thực hiện: Kim Anh| Ảnh: Vũ Toàn |

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/dua-vao-dan-de-som-phat-hien-nhung-ke-co-hoi-chinh-tri-839058.vov