Đưa văn học Việt Nam ra thế giới: Chiến lược văn hóa lâu dài

Vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV. Trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đã thảo luận các biện pháp nhằm thay đổi diện mạo của văn học Việt Nam trên trường quốc tế.

Cần “xông xáo” hơn trên văn đàn quốc tế

Tại hội nghị, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, với tinh thần mở cửa đón nhận các giá trị văn học của nhân loại, tại Việt Nam công việc giới thiệu tác phẩm văn học của thế giới chưa bao giờ diễn ra nhộn nhịp, cập nhật và thông thoáng như hiện nay. Sách dịch được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt và chiếm một thị phần cao trên thị trường sách cả nước. Văn học dịch cùng với các sản phẩm điện ảnh, âm nhạc, đã đặt văn học Việt Nam vào tình trạng nhập siêu văn hóa kéo dài khiến chúng ta phải nghĩ đến việc lấy lại sự hài hòa trong phát triển văn hóa dân tộc.

Tại hội nghị, các đại biểu trong nước và quốc tế đã tập trung thảo luận về việc biên dịch văn học Việt Nam ra các thứ tiếng; tính khả thi trong việc giao lưu thơ ca quốc tế; giao lưu văn hóa, văn học…Các nhà văn quốc tế cho rằng, văn học và thơ ca có thể góp phần thay đổi thế giới, vì vậy cần tìm cách làm phát triển hơn trong lĩnh vực văn học và giao lưu văn hóa. Đặc biệt, các nhà văn, nhà thơ đều đồng tình khi cho rằng giao lưu văn học là cơ hội, cầu nối gắn kết mọi lương tâm, đẩy lùi mọi hiểm họa, bắt đầu từ con người, vì con người, cho con người…

 Tác phẩm văn học Việt Nam dịch ra tiếng nước ngoài còn ít.

Tác phẩm văn học Việt Nam dịch ra tiếng nước ngoài còn ít.

Mặc dù Hội nhà văn Việt Nam đã có những nỗ lực nhằm quảng bá văn học Việt Nam trong thời gian qua, nhưng cho đến nay, các tác giả và tác phẩm văn học của Việt Nam vẫn chưa được biết đến nhiều ở nước ngoài do công tác quảng bá chưa được thực hiện một cách bài bản.

Theo các đại biểu, các nhà xuất bản Việt Nam cần tăng cường việc đưa các tác giả và tác phẩm ra nước ngoài. Các nhà văn Việt Nam cũng cần xông xáo hơn trên văn đàn thế giới. Hiện nay, trên thế giới ngày càng có nhiều nhà văn tự sáng tác bằng những ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh, tiếng Pháp… để tác phẩm có thể đến trực tiếp độc giả thế giới, mà không cần phải thông qua dịch thuật. Việc quảng bá thơ ca Việt Nam ra quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế vì một yếu tố cố hữu là ngôn ngữ.

Ngôn ngữ là rào cản

Sáng 18/2, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tiếp Đoàn đại biểu dự Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III. Phó Chủ tịch nước khẳng định, dân tộc Việt Nam đã phải chiến đấu cho độc lập, tự do với bao mất mát, hy sinh. Trong những cuộc chiến tranh chính nghĩa ấy, thơ ca đã vang lên với tình yêu đất nước, khát vọng hòa bình, ý chí bất diệt cho tình yêu và khát vọng đó.

Trong những năm tháng hòa bình dựng xây đất nước, thơ ca lại tiếp tục vang lên như một sứ mệnh thiêng liêng – đó là bảo vệ, xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa trong mỗi tâm hồn con người Việt Nam. “Trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã luôn nhận được sự ủng hộ quý báu của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, đặc biệt là các nhà thơ, nhà văn. Tôi mong muốn, các nhà văn, nhà thơ tiếp tục đến với Việt Nam, bởi đây thực sự là một trong những xứ sở của sự ổn định, hòa bình, của thơ ca và tình hữu nghị”, Phó Chủ tịch nước nói.

Trong những năm qua, văn học Việt Nam đã có những bước tiến dài với hàng loạt giải thưởng quốc tế. Năm 2018, nhà văn Bảo Ninh vinh dự được nhận Giải thưởng Văn học châu Á ở Hàn Quốc khi ông tiếp tục được vinh danh với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” từng được dịch sang tiếng Hàn (Giải thưởng Văn học châu Á - Asian Literature Award) trong khuôn khổ Liên hoan Văn học châu Á lần thứ hai, được tổ chức ở Gwangju, Hàn Quốc. Tháng 9/2018, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được trao giải thưởng văn học Changwon KC International Literary, Hàn Quốc nhằm ghi nhận những đóng góp của tác giả với văn chương quốc tế.

Bên cạnh đó, tác phẩm “Cánh đồng bất tận” (được dịch sang tiếng Đức: Endlose Felder) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được trao giải thưởng Literaturpreis 2018 do Litprom, Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt (Đức) bình chọn. Bước vào năm 2019, nhà xuất bản Riveneuve của Pháp xuất bản tiểu thuyết “Trí nhớ suy tàn” của nhà văn Nguyễn Bình Phương, bản dịch do Emmanuel Poisson, một nhà nghiên cứu người Pháp thực hiện. Đây là tiểu thuyết thứ hai của Nguyễn Bình Phương được dịch và in tại Pháp sau tiểu thuyết “Thoạt kỳ thủy”, dịch và in năm 2014, bản dịch của dịch giả Đỗ Danh Thành…

Không chỉ dừng lại ở các giải thưởng, trong những năm qua, danh mục các tác phẩm văn học Việt Nam xuất khẩu cũng đang có nhiều tín hiệu khởi sắc. Ngoài tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” đã được dịch và xuất bản ở 20 quốc gia, thì những “Mắt biếc”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”,.. đã cho thấy ngày càng rõ con đường hội nhập nền văn chương thế giới của văn chương tiếng Việt.

“Với những tác giả chúng tôi đã dịch và xuất bản thành sách, chúng tôi đã tổ chức các tour đi đến nhiều thành phố của nước Đức tổ chức gặp gỡ bạn đọc. Theo đó hàng trăm bạn đọc ham mê văn học Việt Nam đã có dịp tiếp xúc với các tác giả Việt Nam, thêm yêu đất nước và nền văn học Việt Nam” - GS.TS Gunter Giesenfeld - Chủ tịch Hội Hữu nghị Đức - Việt chia sẻ.

GS.TS Ahn Kyong Hwan - Đại học Chosun (Hàn Quốc) cho biết, tác phẩm văn học của Việt Nam đã được giới thiệu tại Hàn Quốc hiện nay vẫn còn ít cũng như văn học của Hàn Quốc vẫn chưa được giới thiệu nhiều tại Việt Nam. Điều đó nói lên sự thiếu quan tâm của người dân của hai quốc gia. GS. Ahn cho rằng, cần thành lập những cơ quan như Viện biên dịch văn học Việt Nam để triển khai hoạt động chi viện cho việc dịch và xuất bản các tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng nước ngoài. Với phương pháp đó, Việt Nam có thể giới thiệu rộng rãi tác phẩm thơ văn ưu tú của Việt Nam ra nước ngoài, thông qua các tác phẩm thơ văn để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến người nước ngoài là một phương pháp hiệu quả nhất.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ngày nay, văn học Việt Nam từng ngày đổi mới để phản ánh sâu sắc hiện thực đất nước và khám phá chiều sâu của con người Việt Nam hiện đại đang đồng hành với nhân loại trong một thế giới phẳng. Đồng thời vẫn gắn bó bền chặt với những giá trị nguồn cội của dân tộc, làm nên tính đặc thù, những giá trị bổ sung làm giàu cho thơ ca thế giới. Tuy nhiên, để thơ ca Việt Nam được quảng bá rộng rãi hơn ra thế giới vẫn là điều rất khó, nhất là rào cản về ngôn ngữ.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII vừa diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một bằng chứng. Hàng chục bài thơ được tác giả đọc trực tiếp tại sân khấu nhưng chỉ có một tác phẩm đọc bằng tiếng Anh. Theo các chuyên gia, thơ ca Việt Nam đã được nhiều bạn bè quốc tế biết đến hơn nhưng việc quảng bá còn hạn chế, số lượng tác phẩm thơ Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài còn ít.

Theo nhiều nhà thơ, nhà văn, dịch giả tham gia Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17, để quảng bá thơ ca Việt ra thế giới, có thể loại bỏ được rào cản ngôn ngữ bằng cách dịch từ tiếng Việt sang các ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, để làm được việc này cần có sự đào tạo công phu, lâu dài. Tiếp theo đó là huy động các nguồn lực cùng trí tuệ, tài năng của các chuyên gia. Cuối cùng, phải tính đến thị hiếu bạn đọc ở các quốc gia. Tất cả liên quan đến một chiến lược văn hóa lâu dài.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dua-van-hoc-viet-nam-ra-the-gioi-chien-luoc-van-hoa-lau-dai-87493.html