Đưa văn hóa, lịch sử vào tác phẩm gốm

Xuất phát từ mong muốn tạo nên dòng sản phẩm gốm đặc biệt, nhiều nghệ nhân, họa sĩ trên địa bàn tỉnh đã tái hiện sinh động lịch sử, văn hóa trên các tác phẩm gốm Biên Hòa.

Họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng bên tác phẩm tranh ghép gốm Chiến khu Đ. Ảnh: M.Ny

Họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng bên tác phẩm tranh ghép gốm Chiến khu Đ. Ảnh: M.Ny

Bằng trí tuệ và đôi bàn tay khéo léo, những tác phẩm gốm in hình địa danh văn hóa, câu chuyện lịch sử đã góp phần làm mới và gìn giữ giá trị truyền thống của dân tộc.

* Sinh động những câu chuyện

Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến (chủ Xưởng Gốm Hiến Nam, P.Hóa An, TP.Biên Hòa) là một trong số những họa sĩ của Đồng Nai tiên phong trong việc đưa câu chuyện lịch sử, văn hóa vào gốm Biên Hòa. Không chỉ đưa hình ảnh nhân vật văn hóa Việt Nam vào sản phẩm gốm, Hoàng Ngọc Hiến còn kể lại các trận đánh nổi tiếng trong lịch sử dân tộc qua những chiếc bình gốm. Tiêu biểu là cặp bình gốm kể trận đánh Rạch Gầm - Xoài Mút.

“Đó là cặp bình gốm tái hiện sự kiện lịch sử trận đánh Rạch Gầm - Xoài Mút diễn ra vào đêm 19 rạng sáng 20-1-1785 giữa liên quân Xiêm - Nguyễn và quân Tây Sơn. Hình ảnh trung tâm trên bình là Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đang lãnh đạo quân thủy và quân bộ để tấn công giặc Xiêm. Cùng với Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, các tầng lớp nhân dân đã tham gia vào trận đánh lịch sử, đóng góp lương thực, thực phẩm và các vật dụng để nghĩa quân chiến đấu, giành thắng lợi cuối cùng” - nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến nói.

Cũng theo nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến, để đưa trận đánh lịch sử nổi tiếng lên bình gốm lớn không hề đơn giản. Khó nhất là việc chạm, khắc thần thái các nhân vật, nhất là hình ảnh Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Bởi kích thước của mỗi chiếc bình khá lớn (cao hơn 1m, thể tích hơn 200 lít) cho nên việc trang trí và vẽ màu men mất nhiều thời gian, phải hơn 2 tháng mới hoàn thành. Sau khi hoàn thành, anh đã đưa tác phẩm tham gia một số triển lãm ở Đồng Nai và TP.HCM.

“Cặp bình gốm tái hiện sự kiện lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút mới đây đã có người hỏi mua và tôi đã bán được một chiếc. Tôi hy vọng, qua các sản phẩm gốm mình thực hiện, nhiều người sẽ hiểu hơn về lịch sử, văn hóa của vùng đất Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung” - anh Hiến chia sẻ.

Họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng (hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai) cũng thực hiện nhiều tác phẩm dựa trên ý tưởng đưa văn hóa, lịch sử Biên Hòa - Đồng Nai vào gốm. Họa sĩ Quang Hoàng cho biết, đưa văn hóa, lịch sử của địa phương vào gốm là một đề tài khó, đòi hỏi bản thân mỗi họa sĩ phải bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu thực tế, tìm tòi cái độc đáo trong lối kiến trúc, phong tục tập quán… để thể hiện. Các tác phẩm của ông tập trung khai thác đề tài về Văn miếu Trấn Biên, Chiến khu Đ, di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn.

“Tôi chủ yếu thực hiện các bức tranh gốm đề tài di tích. Trước khi làm tranh gốm tôi thường phác thảo tranh bột màu để nắm hồn cốt của tác phẩm, sau đó chỉnh theo đúng ý tưởng rồi mới bắt tay thực hiện. Tôi dùng chất liệu gốm để phóng tác tác phẩm và chạm trực tiếp trên thân gốm. Tôi xem công đoạn quan trọng nhất là chấm men gốm bởi việc chấm men đòi hỏi người thợ phải rất am hiểu để phối màu sao cho phù hợp nhất. Khi chấm men trên tranh, bàn tay phải linh hoạt, khéo léo, dứt điểm trên mỗi đường nét” - họa sĩ Quang Hoàng bộc bạch.

Không chỉ họa sĩ Quang Hoàng, nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến mà ở Đồng Nai có nhiều họa sĩ đưa văn hóa, lịch sử lên tác phẩm gốm như: Đào Tấn Hưng, Mai Văn Nhơn, Đinh Công Việt Khôi, Lê Vân, Trần Đình Thắng… Với các họa sĩ, nghệ nhân, việc truyền tải văn hóa, lịch sử lên gốm không chỉ lưu giữ vẻ đẹp của quê hương, đất nước mà còn “đánh thức” những câu chuyện, đưa chúng gần hơn với cộng đồng, nhất là đối với học sinh, sinh viên.

* Đưa văn hóa, lịch sử đến với cộng đồng

Họa sĩ Đào Tấn Hưng cho biết, hiện nay nghề gốm truyền thống ở Biên Hòa đang được các nghệ nhân, họa sĩ gìn giữ và phát huy. Đối với bản thân ông, thực hiện tranh gốm đề tài danh nhân văn hóa, lịch sử là niềm vui, niềm hạnh phúc mỗi ngày.

“Sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa, lịch sử và mỹ thuật đang đưa gốm truyền thống đi theo một hướng đi mới, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Riêng tôi, trong điều kiện sức khỏe cho phép, tôi sẽ tích cực thực hiện thêm nhiều tác phẩm tranh ghép gốm về Biên Hòa - Đồng Nai để giới thiệu đến bạn bè, du khách gần xa” - họa sĩ Đào Tấn Hưng nói.

Đưa văn hóa, lịch sử vào gốm đang được Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai chú trọng, nhất là tổ chức các lớp thực hành trên gốm cho học sinh, sinh viên. Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhà trường đã tổ chức vẽ tranh chủ đề Biên Hòa - Đồng Nai, danh lam thắng cảnh trên bình gốm trưng bày tại Đường hoa Nguyễn Văn Trị. Những câu chuyện văn hóa sống động trên gốm được giáo viên, sinh viên cẩn thận chạm khắc tạo những đường nét có hồn. Điều này góp phần tạo nên sự khác biệt, hấp dẫn cho sản phẩm gốm Biên Hòa.

Trên cơ sở kế thừa và phát huy giá trị văn hóa, nhiều cá nhân, đơn vị và trường học trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực đưa gốm truyền thống đến gần công chúng. Lựa chọn đưa văn hóa, lịch sử lên gốm truyền thống là cách góp phần làm hồi sinh và phong phú thêm kho tàng nghệ thuật của dân tộc.

My Ny

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202104/dua-van-hoa-lich-su-vao-tac-pham-gom-3052703/