Đua trụ hạng V-League: Chuyện của 3 người?

Số vòng rút xuống 20 nhưng V-League mùa giải mới quay lại thể thức 1,5 suất xuống hạng giống như các mùa từ 2019 trở về trước.

 Quảng Nam (trái) là đội xuống hạng mùa 2020. Ảnh: VPF.

Quảng Nam (trái) là đội xuống hạng mùa 2020. Ảnh: VPF.

Thay vì 6 đội đứng cuối giai đoạn một và xếp trong nhóm B, tránh một suất xuống hạng như mùa 2020, Ban tổ chức V-League đã tăng sức hấp dẫn cho cuộc đua trụ hạng bằng cách tăng số đội nhóm B lên 8, và quay lại thể thức 1,5 suất về hạng Nhất. Cụ thể, đội xếp thứ 14 sẽ xuống hạng trực tiếp. Còn đội đứng thứ 13 sẽ đá play-off với đội thứ nhì hạng Nhất.

So với mùa 2020, xác suất trụ hạng của một đội nếu rơi vào nhóm B trong giai đoạn hai sẽ cao hơn, 18,75% so với 16,67%, nhưng thực tế có thể ngược lại. Do có nhiều cơ hội lật ngược tình thế hơn ở giai đoạn hai (7 trận so với 5 trận), những đội cầm đèn đỏ hoàn toàn có thể trông chờ vào những phép màu.

Lấy mùa trước làm ví dụ, đội xuống hạng Quảng Nam lại giành được nhiều điểm nhất ở nhóm B (9 điểm), thậm chí hơn cả một nửa số đội ở nhóm A, dù những đội này đá 7 trận.

Để tránh rơi vào viễn cảnh căng sức trụ hạng, nhiều CLB đã phải chạy từ bây giờ. Họ hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng. Đơn cử như Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Ngay từ khi thị trường chuyển nhượng vừa mở cửa, họ đã chốt ngay những mục tiêu cần mua sắm như Trần Phi Sơn, Giang Trần Quách Tân hay Claudecir. Ở chiều bán, họ cũng nhanh chóng chia tay Bruno Henrique, Mansaray, Janclesio. Động thái này giúp HLV Phạm Minh Đức sớm ổn định lực lượng để tính bài đường dài.

Hà Tĩnh là tân binh mùa 2020, và ở góc độ nào đó, họ là phát hiện thú vị cả mùa giải. Lối chơi theo kiểu "phá lối chơi" mà đội bóng Bắc Trung bộ áp dụng khiến những đội thủ sừng sỏ như Hà Nội cũng phải gặp khó.

Thành công ngoài mong đợi của Hà Tĩnh là sớm trụ hạng, điều mà rất ít tân binh V-League làm được suốt 20 năm lịch sử, nhưng dấu ấn ấy có được một phần nhờ dịch Covid-19. Các đội giàu truyền thống như SHB Đà Nẵng, SLNA, Thanh Hóa đột ngột suy yếu khiến cờ đến tay Hà Tĩnh. Một yếu tố nữa, họ chỉ đứng thứ 8/14 mùa trước. Và nếu chiểu theo thể thức mùa này, chừng ấy vẫn phải đá trụ hạng.

Hà Tĩnh chỉ là một trong nhiều CLB sớm lo xa. Ngoài đội bóng này còn Đà Nẵng, Thanh Hóa. Vì nhiều vấn đề, hai CLB này phải xuống nhóm B mùa trước - vị thế vốn không tương xứng với kỳ vọng cũng như chất lượng nội binh của họ. Kỳ chuyển nhượng năm nay, họ nhanh chóng "chốt đơn". Lê Quốc Phương, Chevaughn Walsh, Ze Paulo sớm đến xứ Thanh, còn Rafaelson, Huy Hùng, Gustavo, Ahn Byung-keon, Rimario cũng đã yên ổn đất Đà thành.

Những chuyển động của nhóm này cho thấy, ngay cả khi chẳng may rơi vào nhóm B, cửa xuống hạng của họ cũng không nhiều. Nỗi lo lớn nhất bây giờ có lẽ thuộc về ba đội Quảng Ninh, Nam Định và Hải Phòng. Hai cái tên đầu vốn không mấy xa lạ với cuộc đua này. Nam Định luôn ngấp nghé vị trí trở lại hạng Nhất từ khi thăng hạng năm 2018, còn Hải Phòng chưa bao giờ ổn định. Mùa trước, họ cũng chỉ ở lại V-League vào vòng áp chót.

Quảng Ninh có lẽ là cái tên bất ngờ khi ở nhóm này. Họ từng là một tượng đài của bóng đá miền Bắc, cả về lực lượng, cơ sở vật chất lẫn cách xây dựng mô hình bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng sau sự ra đi của HLV Phan Thanh Hùng cũng những rắc rối nơi thượng tầng, đội bóng đất Mỏ có nhiều việc phải làm sau khi chia tay những trụ cột như Huỳnh Tuấn Linh, Quách Tân, cùng ngoại binh Jeremie Lynch.

HỒNG PHÚC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dua-tru-hang-v-league-chuyen-cua-3-nguoi-d280913.html