Đưa triết lý giáo dục Việt Nam vào Luật Giáo dục: Hoàn toàn bất khả thi

Trải qua nhiều năm luận bàn, mỗi người một ý kiến, quan điểm riêng, triết lý giáo dục vẫn chưa được triển khai cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, muốn 'định hình' rõ nét triết lý giáo dục, cũng không thể biến thành một phần trong Luật Giáo dục mới.

Trong buổi tọa đàm “Triết lý giáo dục và triết lý giáo dục trong Luật Giáo dục (sửa đổi)” được tổ chức vào ngày 5/1, GS. Trần Ngọc Thêm cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần phải có tuyên bố rõ ràng về những tư tưởng triết lý giáo dục và nó phải được quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật Giáo dục.

Triết lý và Luật cần phân biệt rõ ràng

GS. TS. Phạm Tất Dong bày tỏ sự phản đối trước vấn đề GS. Trần Ngọc Thêm đề cập: “Luật là luật, triết lý là triết lý. Theo tôi, luật là những điều ghi rõ, quy định điều gì làm và không được làm. Trong khi đó, triết lý chỉ là một ý niệm, quan niệm chỉ dẫn hành vi. Không thể bắt ép một người phải theo triết lý nào đó, bởi mỗi người sẽ có một triết lý riêng”.

“Theo tôi, triết lý là điều người ta đã trải nghiệm qua cuộc sống, qua thực tế, rút ra được những kết luận mang tính chất định hướng, mang tầm giá trị lớn, qua thực tế kiểm nghiệm, trở thành quan điểm chỉ đạo.

Ví dụ, qua nhiều đời truyền đạt kinh nghiệm, người ta thấy rằng, không ai có thể đứng ngoài giáo dục, bởi, học để làm người. Trong thực tế, một người không thể nào trở thành con người có năng lực, đạo đức mà không trải qua giáo dục.

Nhắc đến việc học, phải có thầy, thời đại này, có khác nhưng triết lý vẫn đúng, thầy không chỉ là người thầy trên bục giảng hiện hữu… mà có những tri thức được truyền đạt trong đời sống, trên mạng internet,…”, ông phân tích thêm.

GS. TS. Phạm Tất Dong cho rằng triết lý là triết lý, luật là luật, không liên quan.

Ông khẳng định: “Theo tinh thần ấy, triết lý giáo dục tuy không xuất hiện như một chương trong Luật Giáo dục, nhưng có thể được lồng ghép qua việc đưa vào mục tiêu giáo dục, nguyên lý giáo dục, phương pháp giáo dục, chính sách thầy giáo, chính sách đầu tư…, biến triết lý dễ dàng ứng dụng nhuần nhuyễn vào thực tế”.

Triết lý giáo dục của GS. TS. Phạm Tất Dong là “Giáo dục là Quốc sách”, theo ông, ai không học sẽ không thể phát triển, một dân tộc không học thì không thể giàu mạnh, một đất nước không học thì không hiện đại.

Có thể lồng ghép triết lý thành ý tưởng

PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT đánh giá, triết lý giáo dục luôn biến hóa theo từng giai đoạn phát triển của đất nước: “Cần phải xác định một triết lý giáo dục là một mục tiêu đặt ra, phải phấn đấu thực hiện trong một khoảng thời gian nào đó, thay đổi theo từng thời kỳ.

Ví dụ ngày xưa: “Dân tộc, khoa học, đại chúng”. Đến thời điểm sau này tất nhiên vẫn như vậy nhưng thời đại ngày nay còn có hội nhập. Không phải chỉ có dân tộc mà phải hòa nhập thêm vào thế giới”.

“Trong thời đại 4.0, khoa học phát triển mạnh mẽ, cần cân nhắc đưa ra một triết lý như thế nào. Quan điểm của cá nhân tôi, sứ mệnh giáo dục sắp tới phải làm thế nào để đào tạo lại con người, con người đó phải được hòa nhập trong xã hội và trên trường quốc tế.

Cuối cùng, người đào tạo ra phải làm được việc, phải là một người công dân toàn cầu. Phấn đấu đào tạo thế hệ chất lượng, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước và quốc tế, ngoài lý thuyết phải biết thực hành, có kỹ năng để hòa nhập với thế giới…”, nguyên Thứ trưởng phân tích.

PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT khẳng định triết lý giáo dục luôn biến hóa trước mỗi giai đoạn.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ nhận định: “Trước hết, triết lý bao giờ cũng ngắn gọn. Trong lịch sử giáo dục, thế giới đã có quá nhiều triết lý, từ phương Tây đến phương Đông. Việc đưa ra triết lý giáo dục trong Luật Giáo dục là hoàn toàn không cần thiết”.

Ông khẳng định: “Thứ nhất, triết học Việt Nam yếu kém, triết lý nếu súc tích thì không ứng xử được cách làm cụ thể, có thể dựa vào bất kỳ triết lý nào cụ thể nào trước nay nhưng phải có những chương trình, kế hoạch, có các bước thực hiện cụ thể”.

Với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, không có triết lý nào hay hơn và cao hơn Triết lý từ Luận ngữ. Giáo dục là cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nếu chúng ta coi đó là triết lý thì rất đúng, cần gì nghĩ ra triết lý mới.

Nhiều khi trong việc cụ thể như giáo dục thì quá xa vời, được cái này lại không được cái khác. Theo tôi, trong Luật Giáo dục, hoàn toàn không cần có một chương dành cho triết lý giáo dục, mấu chốt quan trọng là, phát huy tích cực, tự mình làm tốt, đúc kết kinh nghiệm riêng để đưa ra triết lý cho bản thân”.

Cẩm Mịch

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dua-trie-t-ly-gia-o-du-c-vie-t-nam-va-o-lua-t-gia-o-du-c-hoa-n-toa-n-ba-t-kha-thi-a417562.html