Nên hay không nên đưa Triết lý giáo dục vào Luật Giáo dục (sửa đổi)?

Chiều 18/1, tại Trường ĐH Luật Hà Nội diễn ra Tọa đàm Góp ý các nội dung liên quan đến giáo dục ĐH trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo các đơn vị Trường ĐH Luật Hà Nội.

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh – chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH 2012, Đề án Khoa học – KHGD 16-20.ĐA.02 (Trường ĐH Luật Hà Nội là cơ quan chủ trì đề tài) chủ trì buổi tọa đàm.

TS Bùi Minh Hồng phát biểu tại buổi tọa đàm

TS Bùi Minh Hồng phát biểu tại buổi tọa đàm

Tại tọa đàm, TS Bùi Minh Hồng – Phó Viện trưởng Viện Luật so sánh – cho biết trong Bộ luật GD của Pháp không có nội dung Triết lý GD. Nội dung Triết lý GD nên bàn bạc trong lĩnh vực nghiên cứu, khoa học, không nên thể hiện trong Luật. Đặc biệt khi nội dung triết lý GD đã thể hiện trong các nội dung của Luật GD (sửa đổi) rồi, vì vậy không cần có điều luật riêng về Triết lý GD.

TS Nguyễn Bá Bình góp ý cho dự thảo Luật GD (sửa đổi)

Đồng tình với ý kiến này, TS Nguyễn Bá Bình – Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Pháp luật Thương mại Quốc tế - đưa ra ví dụ ở Úc cũng không bàn điều này trong Luật GD của họ, đồng thời bày tỏ đồng tình với phương án 1 của Ban soạn thảo.

TS Ngọ Văn Nhân nêu ý kiến không nên có quy định riêng mang tên Triết lý GD Việt Nam trong Luật GD

TS Ngọ Văn Nhân – Phó trưởng khoa Lý luận chính trị - nêu quan điểm việc đặt ra Triết lý GD để nhận được sự đồng tình của nhiều người là câu chuyện không đơn giản và dễ dàng. Nếu ai đó khái quát được một cụm vài ba từ nào đó được coi là Triết lý GD chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối. Theo đó, không nên có quy định riêng mang tên Triết lý GD Việt Nam trong Luật GD.

TS Nguyễn Thị Dung phát biểu tại buổi tọa đàm

TS Nguyễn Thị Dung – Phó Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế - nêu một khía cạnh nếu đưa Triết lý GD vào luật thì sẽ trở thành khái niệm pháp lý. Bởi vậy không nên đưa nội dung vào Luật GD.

Tổng kết lại các ý kiến, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh thông tin thêm tại Nga, Trung Quốc đều có Luật GD nhưng trong luật không hề có câu chữ nào nói về Triết lý GD. Các đại biểu đều đồng tình với phương án vẫn thể hiện Triết lý GD tại 2 điều luật có tên gọi như hiện nay, nhưng có sửa đổi, bổ sung như Dự thảo (Điều 2: Mục tiêu giáo dục; Điều 3: Tính chất, nguyên lý giáo dục).

CÁC VẤN ĐỀ BÀN THẢO

Tại Tọa đàm, các vấn đề xin ý kiến để chỉnh lý dự thảo Luật GD (sửa đổi) gồm: Quy định triết lý GD, quy định về hướng nghiệp, phân luồng; chính sách cử tuyển; về đầu tư GD, trách nhiệm của Nhà nước; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, chính sách học bổng, phân công công tác cho SV sư phạm sau khi tốt nghiệp; vấn đề bình đẳng giới; chương trình GD phổ thông và SGK; liên thông; thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH; về quản lý nhà nước; vấn đề tự chủ của cơ sở GD; quy hoạch mạng lưới cơ sở GD và kiểm định chất lượng GD…

Các đại biểu đánh giá cao những tâm huyết của Ban soạn thảo về những sửa đổi, bổ sung trong các nội dung của Dự thảo Luật GD (sửa đổi); đồng thời nêu một số đề xuất như: Cần chỉnh sửa, đưa ra các nội dung quy định ngắn gọn về hướng nghiệp, phân luồng; Cần có những quy định cụ thể hơn về chế độ cử tuyển, đặc biệt là về đối tượng cử tuyển, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của địa phương trong việc sử dụng đối tượng này; nội dung về xã hội hóa cần cụ thể hơn…

Gia Hân

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/dua-triet-ly-giao-duc-vao-luat-giao-duc-sua-doi-goc-nhin-chuyen-gia-luat-3977128-v.html