Đứa trẻ reo rắc cái chết trắng tự nhúng mình trong bùn đen từ tuổi lên 10

Sinh ra trong nhung lụa, lại là đích tôn được bao bọc bởi núi tiền của gia đình, với Hoàng Lâm thì cần là có, thích gì là được nấy. Bởi vậy, nó lớn lên vô lo, vô nghĩ. Tới khi Lâm nhận thức được nguồn gốc của sự giàu sang, gốc tích của những đồng tiền ấy thì đã quá muộn. Bởi chẳng nhớ từ khi nào một chân nó đã bước xuống 'đống bùn lầy' do chính cha mẹ nó tạo ra...

Hình minh họa

Hình minh họa

Lúc này đây, khi phải ngồi sau cánh cửa trại giam, Lâm mới cảm thán rằng: “Với em đã từng cái gì cũng có, nhưng có một thứ mãi mãi chẳng thể được nhận, đó chính là tình thương của cha, tình yêu của mẹ và hai tiếng gia đình thiêng liêng theo đúng nghĩa của nó”.

Có lẽ đó sẽ mãi mãi là điều xa xỉ chỉ có trong mơ vì thực tại với nó là những tháng ngày cô độc, lầm lỗi. Nó đang phải trải qua đêm đông của cuộc đời trong lẻ loi, hiu quạnh.

Tuổi thơ trong nhung lụa

Hoàng Lâm được sinh ra tại căn biệt thự xa hoa cạnh khu vực Gò Đống Đa (Hà Nội). Bố của Lâm là con trưởng của dòng họ lắm tiền nhiều của, nghiễm nhiên nó là đích tôn nên cũng là người nắm quyền kế tục của cả họ.

Như một lẽ thường, tất cả những gì ngon nhất, quý nhất, bổ nhất, tốt nhất đều được cả đại gia đình dành cho nó. Ngay từ khi sinh ra, Lâm đã được bao bọc bởi nhung lụa. Với nó cái gì nó cần là có, thích là được, không bao giờ có sự từ chối. Trong kí ức của nó, những hình ảnh tuổi thơ bên cha mẹ không nhiều, nó được chăm sóc bởi bà vú nuôi và 2 người giúp việc.

Bố mẹ nó có tận 4 ngôi nhà trong nội thành, cái nào cũng to, cũng đẹp và cũng vì thế mà nó chẳng ở nơi nào cố định. Cứ ở nhà này một thời gian lại sang nhà khác, bố mẹ bận bịu chẳng mấy khi có thời gian dành cho nó.

Ngày bé nó không đi học mẫu giáo, cũng chẳng có bạn chơi cùng, họa hoằn lắm mới có những anh em trong họ đến chơi chốc lát rồi lại đi mất. Căn nhà nào cũng đầy ắp đồ chơi đắt tiền nhưng nó chỉ chơi một mình, xa xỉ trong im lặng. Người bạn duy nhất mà nó có chính là bà vú nuôi.

Ngày nó lên 5 tuổi, bố vắng nhà. Trong kí ức của Lâm, đêm đó mẹ nó lái xe về, chạy vào phòng rồi ôm nó khóc cả đêm. Hành động của mẹ làm nó sợ, chỉ biết giương đôi mắt ngơ ngác nhìn mẹ. Ngày đó nó chưa đủ nhận thức được việc bố nó bị bắt đi tù vì tội buôn bán ma túy là như thế nào, nhưng kí ức của ngày hôm sau đó đã khắc sâu vào trong tâm trí nó.

Ngày mà những người mặc cảnh phục mầu xanh vào nhà nó lục lọi, xới tung mọi thứ để tìm kiếm gì đó. Khi đó, mẹ ôm nó vào lòng, run rẩy bất lực đứng nhìn trong hai hàng nước mắt chảy ướt đẫm lên cả tóc, cả mặt nó.

Và cũng kể từ đó, mẹ nó cũng thường xuyên vắng nhà, những buổi gặp mẹ ngày càng thưa dần, nhưng Lâm cũng chẳng mấy để tâm bởi nó đã quá quen với việc ở cùng bà vú nuôi, chơi một mình, có sao đâu. Ngày vào lớp 1, nó được mẹ nó đưa về ở gần nhà bà ngoại trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân). Căn nhà cách trường nó học nó vài trăm mét để tiện đường bà ngoại đưa đón.

Ngày đầu tiên đến lớp, trong khi những đứa trẻ khác có cha mẹ đưa đi với tiếng nói cười vui vẻ, nó chỉ có vú nuôi đưa đi, trên vai mang ba lô cặp sách mà tối qua hai bà cháu cập rập đi mua. Với nó ngày đầu tiên tới trường cũng chẳng có gì đặc biệt, có hơn thì cũng chỉ là số người ở đây đông hơn khi đi siêu thị mua đồ mà thôi.

Với khuôn mặt xinh trai, ít nói, cách ăn mặc sành điệu không trùng lặp từ những bộ đồ mà mẹ nó chất đầy hàng tủ trong nhà, điện thoại thời thượng nhét túi, nó là thần tượng của đám trẻ con trong lớp, trong trường. Những hàng game với biển quảng cáo xanh đỏ san sát trước cổng trường, phát ra những âm thanh kích thích trí tò mò của nó.

Sau lần dạo chơi đầu tiên, nó biết nó thích game, bởi nó cảm nhận được ở trên game thì nó có thể làm quen được rất nhiều bạn, ở đó nó cũng chẳng cần nói gì, chỉ cần gõ bàn phím giao tiếp thế là xong. Nó có tiền, thậm chí ở cái tuổi nó như thế có thể gọi là rất nhiều tiền. Nó thích bao nhiêu nó lấy bấy nhiêu.

Lấy tiền, dùng tiền ở cái tuổi nó cũng chẳng ai hỏi nó lấy làm gì? Mẹ nó chẳng hỏi thì tất nhiên chẳng ai có thể hỏi được. Với tính tình phóng khoáng, chịu bao chịu chi nên nó có rất nhiều đứa trong trường bám đít ăn theo, chơi cùng. Lúc này nghiễm nhiên nó trở thành đại ca của khối tiểu học.

Với thói quen được nuông chiều từ bé, thích là có ngay nên bản tính nó đã ngấm vào máu để từ đó hình thành nên sự ngỗ ngược của nó. Với đám bạn cùng học, bất cứ ai cãi lại hay làm nó phật ý, nó sẵn sàng dùng tay chân, nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn. Nó tụ tập những đứa trẻ nghịch ngợm trong trường tham gia vào những cuộc đánh lộn.

Hết trong trường rồi lại kéo sang trường khác gây gổ để “lấy số”. Những điều đó nó học được từ những trò game, từ những bộ phim giang hồ của Hồng Kông. Rồi khi đó, nó du nhập những thói hư tật xấu của xã hội vào bản thân để chứng tỏ sự bất cần, sự liều lĩnh, lì lợm như tố chất của các đại ca trên phim ảnh.

Nó có tiền và phía trước những cạm bẫy của cuộc đời của đồng tiền đang chờ đón nó. Rồi qua những lần nghe bà ngoại nói chuyện với người lạ, qua những cuộc điện thoại của mẹ, nó hiểu được rằng nhà nó có nhiều tiền từ đâu.

Cạm bẫy giăng mắc

10 tuổi, Lâm chính thức bỏ học. Buổi chiều trên lớp sau khi cãi lại cô giáo chủ nhiệm, nó xé tập viết rồi bỏ về giữa giờ học. Hai hôm sau mẹ nó về nhà, nó cũng chỉ thông báo gọn lỏn là không thích đi học nữa. Mẹ nó cũng chẳng nói gì, không trách móc hay khuyên bảo nó như vú nuôi. Mẹ nhìn nó rồi lặng lẽ thở dài.

Ở cái tuổi như những đứa trẻ khác đang ngồi trên ghế nhà trường nằm trong vòng tay bao bọc của ông bà cha mẹ thì nó đã là thằng lỏi con lõi đời. Nó đã biết bỏ nhà đi đêm, biết cờ bạc lô đề, đánh nhau rồi cả tụ tập đua xe.

Biết nhà nó có tiền, biết anh em họ hàng nó cũng máu mặt, bản thân nó thoáng tính, chịu chơi…vì thế trong nhóm “tổ lái” khu vực, nó luôn được các anh lớn cưng chiều. Trong các cuộc nhậu nó là người chi, những buổi lên bar, vũ trường vẫn là nó thanh toán.

Vào thời điểm đó dân chơi là phải mặc đồ hiệu, chạy xe “cờ” (đi đầu đoàn), lên bar lên sàn phải biết chơi “kẹo”, hút cỏ. Nó cũng chẳng thoát khỏi vong xoáy đó bởi nó là một dân chơi thực thụ, một công tử. Qua những cuộc bay lắc thâu đêm từ quán bar đến khách sạn, nó dần dần nếm trải đủ mùi đời. Cuộc sống tụ tập bầy đàn với nhóm “huynh đệ” ăn theo dần dần kéo nó xa bước khỏi mái nhà, mặc kệ những lời khuyên can của vú nuôi.

Có những lúc cả tháng nó nằm ngoài khách sạn cùng đám “huynh đệ”, chỉ xuất hiện ở nhà lúc cần tiền chi trả, lúc nhẵn túi sau mỗi cuộc chơi. Với vỏ bọc hiệu quả từ những con bé cùng bầy tụ tập theo về lấy tiền, mẹ nó cũng chẳng thể phát hiện ra rằng nó đang nhúng mình vào tội lỗi mà chính gia đình nó đang reo rắc.

Tiền giúp nó đứng đầu các cuộc chơi. Cảm giác phê thuốc lắc làm nó hưng phấn, cho nó cảm giác là ông hoàng được săn sóc cung phụng. Và quan trọng là quên được những ám ảnh từ quá khứ lúc ẩn lúc hiện trong tâm trí nó.

Đi đêm lắm có ngày gặp ma. Trong một lần bay lắc trong khách sạn thuộc khu vực quận Đống Đa, nó cùng nhóm “huynh đệ” đã bị tóm gọn cùng số “kẹo” chưa được sử dụng hết. Cả bầy đàn đã bị trả giá, lĩnh án với tội tàng trữ, tổ chức sử dụng ma túy. Lúc này nó mới qua tuổi 12, cộng với số hồ sơ những lần đánh nhau, nghịch ngợm trong khu vực nó được đưa thẳng đến Trại giáo dưỡng số 2 (Ninh Bình).

Nó bước chân vào trường đời như thế. Với cuộc sống nửa ngày học, nửa ngày lao động trong môi trường giáo dục khép kín cũng chẳng thể làm nó thay đổi bản tính. Đã quen được cung phụng chiều chuộng, ở môi trường mới với bản tính lì lợm, bất cần và thừa sự liều lĩnh. Nó dùng sức mạnh và nắm đấm để ngoi lên có một chỗ đứng trong trường giáo dưỡng. Cái chỗ đứng mà mọi người gọi là “đại bàng”.

Ngày nó được gặp mẹ, trên khuôn mặt bà ta là hai hàng nước mắt kèm theo lời hỏi han, lo lắng nức nở muộn màng. Nó vẫn lạnh tanh, dửng dưng như chưa hề có việc gì xảy ra. Trong đầu nó chỉ có đơn giản là đến thì đón, luôn thích đương đầu với thử thách ở tương lai phía trước, không cần biết ngày mai ra sao.

Rồi thời gian sau, vận đen tiếp tục đổ xuống gia đình nó. Khi bố nó còn chưa được tha tù thì tới mẹ nó vướng vào vòng lao lý bởi buôn bán ma túy. Mẹ nó cùng người em gái bị bắt khi đang mang hàng đi giao dịch với khách.

Giờ người lên thăm nó hàng tháng là bà ngoại già yếu và vú nuôi. Lúc bà ngoại báo tin mẹ nó bị bắt, nó cũng chẳng có cảm giác mất mát gì, lạnh tanh và vô cảm. Nó đón nhận như đã biết trước, như việc phải đến rồi sẽ đến, như một điều hiển nhiên.

Ngày bước ra khỏi trường giáo dưỡng nó mang theo hình xăm “rồng Tam Hoàng” kín lưng thể hiện cho cái vị trí đại bàng mà nó đã đánh đổi từ những trận đánh nhau sinh tử, đổi bằng máu và những vết sẹo trên mình. Trở về căn nhà ngày bé ở gò Đống Đa. Ở nơi đó, vẫn chỉ có vú nuôi - người được mẹ nó nhờ cậy khi chuẩn bị đi qui án, người chăm bẵm nó từ ngày nó chào đời, bà vẫn chờ để chăm sóc nó.

Trong kí ức của nó, hình ảnh vú nuôi đôi lúc còn rõ nét hơn người mẹ đã sinh ra nó. Bà có một vị trí nhất định trong tim nó bởi sự quan tâm, chăm sóc và gắn bó mà bà đã dành cho nó. Giờ nhà nó không còn giầu như xưa, của cải trong nhà theo thời gian cũng phải bán đi để lo cho bố mẹ nó, họ hàng trong trại giam.

“Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, bước chân về xã hội chẳng bao lâu nó lại ngựa quen đường cũ. Qua những lời chào mời của đám “huynh đệ” nó lại lao vào vòng xoáy của các cuộc chơi. Và để phục vụ cho những cuộc chơi thác loạn, tất nhiên nó phải có tiền. Giờ không còn ai chu cấp cho nó nữa, nó phải “xuống đường” lao vào kiếm tiền bằng đủ mọi cách mà nó học được từ trường giáo dưỡng, từ trường đời mà nó đã trải qua.

Qua đủ cách từ móc túi, cướp giật, xin đểu…chẳng cái gì nó không dám làm nhưng tiền kiếm được cũng chẳng thấm vào đâu. Rồi từ những mối quan hệ làm ăn trước kia của bố mẹ nó, họ hàng nó để lại, nó tụ tập những “huynh đệ” cùng ở trong trại giáo dưỡng lại, bước vào con đường buôn ma túy, vết xe mà bố mẹ nó đã đi trước. Với cách thức buôn tận gốc, bán tận ngọn, nó lần mò đủ đường tiếp cận với các mối cũ của bố mẹ trước kia nhờ lấy trước hàng. Rồi mang về chỉ đạo đàn em chia nhỏ mang đi bán kiếm lời.

Nhưng “của thiên trả địa” tất cả số tiền kiếm được lại quay đầu phục vụ cho những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng của cả bọn. Rồi từ “ke, cỏ, kẹo” nó chuyển sang chơi ma túy, rơi vào cái chết trắng, cái cạm bẫy chính gia đình nó trước đó đã giăng mắc cho người đời.

Sự hối hận muộn màng

Cái ngày nó đưa đám “huynh đệ” trong trường giáo dưỡng về nhà tụ tập, lập bản doanh buôn bán ma túy cũng chính là ngày bà vú nuôi gói ghém đồ đạc về quê. Cái người gắn bó còn hơn cả ruột thịt, hơn cả mẹ nó, yêu thương, chăm bẵm cho nó cũng đành dứt áo ra đi bởi có lẽ bà hiểu rằng nó không thể thay đổi, con đường nó chọn bước vào chẳng thể quay lại.

Trong một cuộc đua xe đêm, con cơn phê ma túy, nó bị tai nạn gãy tay. Và cũng từ lần đó phát hiện ra mình bị nhiễm HIV. Biết được điều đó cũng chỉ làm tăng thêm sự liều lĩnh và manh động trong con người nó. Lúc này nó bất chấp tất cả lún sâu vào tội lỗi. Pháp luật nghiêm minh, những hành vi phạm tội của nó và đám huynh đệ không thể thoát khỏi tầm ngắm của những người bảo vệ luật pháp. Khoảng tháng 8/2017, nó cùng đồng bọn đã bị bắt khi đang giao dịch ma túy tại khu vực gò Đống Đa. Khi bị bắt nó mới bước qua tuổi 16.

Với những hành vi phạm tội mà nó gây ra, bản án 7 năm 6 tháng tù (đã hưởng sự khoan hồng) có lẽ là đủ để chính nó có thời gian nhìn lại, cải tạo lại con người nó. Khi ngồi trong bóng tối phía sau cánh cửa buồng giam lạnh lẽo, nó có thời gian để phần “con” dứt khỏi sự đê mê, điên dại, vật vã của ma túy. Sự trói buộc của ma túy đã khiến đầu óc nó u mê ngu muội. Nhưng vào lúc nó tỉnh táo lại liệu nó có dám đối diện với những điều bất hạnh mà chẳng ai khác, chính nó đã đem vứt vào chính cuộc đời của mình.

Với nó đã từng là cái gì cũng có nhưng một thứ nó chưa từng được nhận đó chính là tình thương của cha, sự yêu thương của mẹ theo đúng nghĩa của nó. Với nó đó mãi mãi là điều xa xỉ. Với căn bệnh thế kỷ mang trong mình, kèm theo bản án dài đằng đẵng trước mặt nó sẽ phải trải qua những ngày tháng đơn độc. Đêm đen của cuộc đời do chính nó tự lao vào. Nó tự hỏi: Liệu nó có thể vượt qua? Liệu nó còn cơ hội để thay đổi, để làm lại?

Nó còn nhớ, trước khi bi bắt, lần cuối cùng nó vào trại giam trong Thanh Hóa thăm mẹ. Khi gặp nó, mẹ nó đã nhận biết sự thay đổi trong con người của nó. Mẹ nó nói: “Cả đời mẹ đã nhúng bùn, những tưởng kiếm tiền cho cuộc sống của con sau này đổi đời. Nhưng mẹ biết mẹ đã sai rồi, ông trời quả báo mẹ đây mà...”. Lời nói kèm theo những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt già đi theo thời gian của người mẹ, nó nhớ lần đó cũng là lần đầu tiên thấy sống mũi cay xè...

Theo Bình An (Pháp luật Việt Nam)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/dua-tre-reo-rac-cai-chet-trang-tu-nhung-minh-trong-bun-den-tu-tuoi-len-10-976960.html