Đưa tinh hoa của núi rừng vươn xa

Cây trà hoa vàng từ lâu nay được coi là 'vàng' của núi rừng. Vậy mà đã từng có lúc 'vàng' đó bị bỏ quên, mặc cho thương lái từ các nơi đến thu mua, ép giá. Còn nay, bằng cái tâm, cái tầm và cả sự đam mê, 'kho báu' ấy đang được nâng niu, chăm bón thành những sản phẩm quý giá để từng bước vươn xa...

Người “giữ” cây trà hoa vàng

Vườn trà hoa vàng Quy Hoa, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà áp dụng công nghệ tưới tự động chăm sóc cây giống.

Vườn trà hoa vàng Quy Hoa, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà áp dụng công nghệ tưới tự động chăm sóc cây giống.

Chúng tôi tới thăm vườn trà Quy Hoa của ông Lê Mạnh Quy ở thôn 5, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà vào những ngày đầu xuân. Đây là thời điểm hoa trà nở rộ. Khắp vườn trà Quy Hoa, những bông hoa trà nở tung cánh. Bên ấm trà hoa vàng ấm nóng, chúng tôi được nghe câu chuyện “khởi nghiệp” khi đã ở tuổi xế chiều của người đàn ông tâm huyết với cây trà này.

Ông Quy chia sẻ: Sinh sống ở Hải Hà quá nửa đời người, từ lâu, tôi đã thấy được giá trị từ cây trà hoa vàng bản địa. Đây là loại cây mọc tự nhiên ở vùng rừng núi huyện Hải Hà và một số địa phương khác. Mặc dù, giống trà hoa vàng Hải Hà có sức đề kháng tốt, bông to, sai hoa, tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn đã săn lùng, thu mua, bán sang Trung Quốc, nên giống cây bản địa của địa phương hiện nay còn rất ít. Vì thế, năm 2014, tôi đã thu mua toàn bộ giống cây trà hoa vàng của người dân trong huyện. Những ngày đầu thực hiện, tôi gặp phải rất nhiều sự phản đối từ gia đình. Nhưng sao làm khác được khi đã mình đam mê với loài cây này.

Ông Lê Mạnh Quy, chủ vườn trà Quy Hoa, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà kiểm tra tốc độ sinh trưởng của bông trà.

Từ khi khu vườn 3ha của ông Quy chỉ có vài chục cây trà hoa vàng đến nay đã có trên 10.000 gốc trà cho thu hoạch, thời gian thấm thoát đã hơn 6 năm. Sáu năm không phải là chặng đường dài, song những khó khăn đối với ông Quy trong quá trình bảo tồn, lưu giữ và phát triển cây trà hoa vàng cũng không ít. Ông Quy cho biết: Có được vườn trà như hôm nay là kết quả của bài học đã từng phải trả bằng công sức, nước mắt và tiền của. Trà hoa vàng là loài cây tưởng chừng như dễ trồng, dễ chăm sóc, bởi nó vốn là loài cây mọc tự nhiện, song việc đưa cây từ rừng về vườn trồng đòi hỏi phải có kỹ thuật, tỉ mỉ, chịu khó thì cây mới có thể phát triển và ra hoa được. Đã từng có thời gian nhiều cây trong vườn còi cọc, chỉ cho thu lá, không có hoa, khiến tôi đứng ngồi không yên.

Trà hoa vàng được sử dụng công nghệ sấy thăng hoa để đảm bảo giữ trọng các dưỡng chất.

Quyết tâm thực hiện, ông Quy đã bỏ ra 4 tỷ đồng đầu tư hệ thống lưới che đảm bảo độ che phủ cho cây, hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp nước hàng ngày, chuồng trại chăn nuôi để lấy phân bón chăm sóc cây... "Trồng mà không tiêu thụ được thì không thể phát triển" - Ông Quy tâm sự.

Đây cũng chính là lý do ông đã mạnh dạn đầu tư chế biến, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm. Thêm vào đó, hoa trà có nhiều giá trị dinh dưỡng, song làm thế nào để giữ nguyên giá trị để đưa sản phẩm chất lượng tới người tiêu dùng là điều khiến ông trăn trở. Sau nhiều năm nghiên cứu, năm 2019, ông Quy đầu tư máy lạnh thăng hoa nhập khẩu với kinh phí gần 2 tỷ đồng để chế biến sâu hoa trà, đảm bảo độ tươi, giữ nguyên màu sắc và chất lượng.

Anh Lê Đức Anh, cán bộ kỹ thuật vườn trà Quy Hoa, cho biết: Thay vì sấy khô, sấy lạnh theo phương pháp thông thường, hoa trà sẽ được làm khô sau khi đã cấp đông ở môi trường chân không trong máy. Nhờ đó, hoa trà hoa vàng sau khi tách hơi nước vẫn giữ nguyên được mùi vị, màu và chất dinh dưỡng.

Bằng cái tâm của mình, ông Quy luôn mong muốn mang đến người dân những sản phẩm giá trị. Vì thế, không giống các hộ trồng khác, vườn trà của ông Quy được trồng theo hướng hữu cơ, sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phế thực vật, phân chuồng được ủ mục để bón cho cây. Không chỉ dừng ở đây, khâu thu hái hoa cũng được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt. Việc phân loại hoa sau khi sấy cũng được giám sát chặt chẽ. Ông Quy cho biết: Giá trị nhất của cây trà hoa vàng chính là nhụy hoa. Do đó, hoa thường được thu hái vào sáng sớm để đảm bảo sau khi nở, các loài côn trùng chưa chạm vào nhụy. Sau khi được sấy 18 giờ trong máy, chúng tôi sẽ lựa chọn những bông hoa nở đủ to, màu vàng, nguyên cánh để bán. Những bông hoa chưa nở hết, màu sắc kém, gẫy cánh... sẽ được tán thành bột làm trà túi lọc.

Mong muốn bảo tồn, lưu giữ, phát triển cây trà hoa vàng bản địa, sau nhiều năm nghiên cứu, ông Quy còn ươm giống, không chỉ đảm bảo giống cho vườn trà của gia đình, mà còn cung cấp 40.000 cây giống mỗi loại cho nông dân khắp các tỉnh.

Đưa sản phẩm vươn ra thế giới

Các bông hoa trà được đóng gói tỉ mỉ.

Nhận thấy giá trị của cây trà hoa vàng, cũng như những bất cập về thị trường tiêu thụ còn nhỏ lẻ, chưa xứng tầm và thường xuyên bị ép giá, nhóm cổ đông Đinh Xuân Ngọc, Phan Nguyễn Việt Hưng, Bùi Thị Thu Hương đã quyết định thành lập Công ty CP Trà hoa vàng Quảng Ninh (TP Hạ Long) với mục tiêu đưa sản phẩm trà hoa vàng của Quảng Ninh vươn rộng đến thị trường khu vực và quốc tế.

Năm 2017, các thành viên của Công ty CP Trà hoa vàng Quảng Ninh đã sang Quảng Châu (Trung Quốc) để tìm hiểu thị trường kinh doanh sản phẩm này. Sản phẩm của họ đều sản xuất theo quy mô tập trung, vừa mang lại lợi nhuận lớn cho người bán, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, vì vậy muốn sản phẩm của mình đến được những thị trường lớn thì phải làm chủ được vùng nguyên liệu. Ý tưởng về một vùng trồng trà hoa vàng quy mô lớn, theo chuỗi, đáp ứng yêu cầu khắt khe về quy trình trồng, chăm sóc, chế biến được hình thành trong nhóm, song để hiện thực hóa là điều không đơn giản.

"Tôi đã sang Lào, sang Campuchia để tìm hiểu, học hỏi việc xây dựng các vùng trồng nguyên liệu. Rất nhiều bài học, rất nhiều kinh nghiệm từ họ đã cho mình những gợi ý để thực hiện mục tiêu. Muốn bán được hàng phải có sản phẩm tốt, muốn có sản phẩm tốt thì phải tuân thủ nghiêm ngặt từ những khâu đầu tiên. Quy trình chăm sóc là quan trọng, vùng trồng đủ lớn là yêu cầu cần thiết, khoa học kỹ thuật là lợi thế cần khai thác triệt để... Thế nhưng, khi đi khảo sát các vùng trà ở Quảng Ninh, tôi nhận thấy hầu hết việc trồng trà hiện nay đều quy mô nhỏ lẻ, chưa có quy trình chăm sóc, còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này làm cho sảm phẩm trà không thể tồn tại được trên thị trường. Thời gian đó khiến chúng tôi có chút nản chí"- Anh Đinh Xuân Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Trà hoa vàng Quảng Ninh, tâm sự.

Thành viên Công ty CP Trà hoa vàng Quảng Ninh và chủ vườn trà Quy Hoa trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây trà.

Sau những lần tìm kiếm, cơ duyên giữa Công ty CP Trà hoa vàng Quảng Ninh và vườn trà Quy Hoa đã đến một cách tình cờ. Anh Ngọc chia sẻ: Trong một lần tham quan hội chợ, tôi đã bị thu hút bởi sản phẩm trà của vườn trà Quy Hoa. Khi đó, sản phẩm trà của Quy Hoa mặc dù không bắt mắt, song mỗi bông hoa được xếp trong lọ đều đã nở, qua đó thể hiện giá trị của sản phẩm. Từ đó, chúng tôi đã tìm hiểu thực tế tại vườn trà Quy Hoa, đồng thời đề xuất ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Rất may, chúng tôi đã tìm được người có niềm đam mê với cây trà hoa vàng, nên hợp đồng nhanh chóng được ký kết. Công ty cam kết bao tiêu sản phẩm, còn vườn trà Quy Hoa cam kết thực hiện nghiêm các yêu cầu về quy trình chăm sóc, thu hái, chế biến.

Căn nguyên của vấn đề đã được giải quyết, những thành viên của Công ty Trà hoa vàng Quảng Ninh lại tiếp tục tìm đáp án cho bài toán về thị trường. Chị Bùi Thị Thu Hương, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Trà hoa vàng Quảng Ninh, cho biết: Mình phải cung cấp được sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản phẩm mình có. Trà hoa vàng có giá cao, dao động từ 20-30 triệu/kg, vì vậy chúng tôi đã nghiên cứu sản xuất 5 dòng sản phẩm, với nhiều giá thành khác nhau để đáp ứng nhu cầu của người dân. Như dạng trà túi lọc thích hợp cho dân công sở, dạng hộp 1 bông với giá thành vừa phải đáp ứng nhu cầu của người muốn thưởng hoa, dạng túi 1 bông và 3 lá thích hợp cho những người muốn thưởng thức vị thanh của hoa và vị đậm của lá trà...

Đặc biệt, sản phẩm trà hoa vàng của Công ty CP Trà hoa vàng Quảng Ninh còn được áp dụng những công nghệ mới nhất, để cho ra những thành phẩm bắt mắt, giữ được màu sắc, hương thơm và giá trị dinh dưỡng tự nhiên. Vì thế, sản phẩm trà hoa vàng Quảng Ninh hiện đã được phân phối tại các đại lý, siêu thị thuộc 8 tỉnh, thành phố trong nước.

Trà hoa vàng đóng lọ là một trong những dòng sản phẩm của Công ty CP Trà hoa vàng Quảng Ninh.

Anh Phan Nguyễn Việt Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Trà hoa vàng Quảng Ninh, cho biết: Ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi đã xác định quảng bá sản phẩm trà hoa vàng tới bạn bè thế giới. Vì thế, chúng tôi không lấy tên là trà hoa vàng Hải Hả, trà hoa vàng Ba Chẽ hay trà hoa vàng Quy Hoa... mà là trà hoa vàng Quảng Ninh, qua đó khẳng định thương hiệu của Quảng Ninh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu phát triển sản phẩm trà hoa vàng rộng rãi trong cả nước và từng bước xuất khẩu ra thị trường các nước Đông Nam Á. Để làm được điều này, vấn đề vùng nguyên liệu rất quan trọng, do đó chúng tôi đang tìm hiểu thổ nhưỡng, khí hậu... của các vùng lân cận như Tiên Yên, Đầm Hà... để mở rộng vùng trồng. Từ giống, phân bón, kỹ thuật... phải được tuân thủ theo các quy trình sản xuất hữu cơ. Trong đó, ông Quy sẽ là người cung ứng giống, kỹ thuật cho bà con.

"Cha ông ta đã từng nói: Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Quảng Ninh có nhiều lợi thế về cây trà hoa vàng. Dành nhiều tâm huyết cho cây trà, nên tôi luôn mong muốn đưa sản phẩm trà hoa vàng Quảng Ninh ra thế giới. Song để làm được điều đó, một mình tôi thì rất khó. Do đó, hợp tác với Công ty CP Trà hoa vàng Quảng Ninh, tôi mong muốn bằng sức trẻ của các bạn thanh niên và bằng kinh nghiệm của tôi sẽ xây dựng trà hoa vàng Quảng Ninh trở thành sản phẩm mạnh trong nước và cả thế giới" - Ông Lê Mạnh Quy, chủ vườn trà Quy Hoa, chia sẻ.

Cao Quỳnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202102/dua-tinh-hoa-cua-nui-rung-vuon-xa-2520565/