Đưa tiếng Anh liên kết vào chính khóa để ép học sinh tham gia?

Phụ huynh cho rằng trường cho học tiếng Anh liên kết trong giờ chính khóa nên phải đăng ký cho con. Nhiều người phản ánh họ được thầy cô vận động tham gia chương trình này.

“Con không nhớ cô dạy gì cả”, lời tâm sự của con đang học lớp 1 tại trường Tiểu học Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) khiến chị Quỳnh Anh (đã đổi tên) hốt hoảng.

Sau hơn một tháng, chị càng lo ngại về chất lượng tiếng Anh liên kết tại trường - chương trình chị phải đăng ký vì được sắp xếp vào giờ chính khóa. Nữ phụ huynh đặt câu hỏi việc sắp xếp chương trình tiếng Anh liên kết với bên ngoài có phải để ép học sinh tham gia?

Dạy tiếng liên kết trong giờ chính khóa

Chị Quỳnh Anh cho hay hồi tháng 9, trường Kim Giang liên kết với Trung tâm Ngoại ngữ Bình Minh, tổ chức tháng học thử tiếng Anh. Theo thông báo từ trường, học sinh lớp 1 sẽ học hai tiết mỗi tuần. Học phí 140.000 đồng/tháng.

Đây không phải số tiền lớn. Tuy nhiên, với chị, điều quan trọng nhất là chất lượng. Lớp học ngoại ngữ mà có đến 58-60 học sinh, chị không yên tâm. Dù vậy, kết thúc một tháng học thử, chị đành đăng ký cho con theo học khi trường xếp chương trình tiếng Anh liên kết vào giờ chính khóa.

Người mẹ này nhấn mạnh trường không thông tin trước nếu con không đăng ký học sẽ làm gì trong giờ chính khóa. Thêm vào đó, cô giáo chủ nhiệm cũng động viên chị cho con học vì cả lớp đăng ký. Do đó, dù nhiều nghi ngại, nữ phụ huynh vẫn đăng ký vì không muốn con “bơ vơ” trong tiết học.

“Nếu không đăng ký, con biết làm gì trong giờ đó. Đăng ký rồi, tôi lại cảm thấy con không học được gì cả”, chị chia sẻ.

Người mẹ cho hay sau hơn một tháng, con chị thậm chí không nhớ cô giáo đã dạy gì, dù học hai tuần mỗi buổi. Lớp học quá đông, giáo viên không thể quan tâm từng học sinh. Trong khi đó, thông thường, các lớp ngoại ngữ được tổ chức theo nhóm nhỏ để thầy cô theo sát từng em.

Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Giang khẳng định việc dạy tiếng Anh liên kết trong giờ chính khóa là không trái quy định. Ảnh: N.S.

Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Giang khẳng định việc dạy tiếng Anh liên kết trong giờ chính khóa là không trái quy định. Ảnh: N.S.

Ép buộc mang mác... tự nguyện?

Theo Tiền Phong, chị Nguyễn Thị Hải Miên, phụ huynh có con đang là học sinh lớp 3 của một trường ở quận Long Biên, Hà Nội, phản ánh bức xúc, lớp 3, con bắt đầu được học chương trình tiếng Anh của Bộ GD&ĐT. Trong khi đó, từ lớp 1, nhà trường đã triển khai chương trình tiếng Anh liên kết Language link và chương trình tiếng Anh song ngữ.

Như vậy, cùng lúc, con phải học cả 3 chương trình tiếng Anh. Mỗi chương trình một giáo trình, giáo viên khác nhau. Điều phụ huynh này không muốn cho con theo học chương trình liên kết nữa là bởi sau hơn 2 năm học, năng lực tiếng Anh của con không được cải thiện.

Một trường hợp khác cũng phản ánh phải học chương trình tiếng Anh liên kết ép buộc mang mác “tự nguyện”. Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Hà Linh, có con đang theo học một trường mầm non ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Sau gần 3 năm học chương trình liên kết, đầu tháng 10/2018, chị Linh trao đổi với giáo viên để xin phép cho con rút khỏi danh sách học tiếng Anh liên kết ở trường. Lý do chị Hà Linh đưa ra là, con chị đã được gia đình đăng ký học ở trung tâm ngoài với mức phí gần 40 triệu đồng/năm nên không muốn theo học chương trình liên kết ở trường nữa.

Điều khiến chị Linh bất ngờ là khi xin được nghỉ, cô giáo của lớp đã thuyết phục đủ mọi nhẽ để phụ huynh không hủy chương trình. Chị Linh nói chị cảm thấy ái ngại khi cô cho rằng: “Mẹ nên cho con học để đảm bảo 100% quân số nếu không trường sẽ phải hủy bỏ chương trình này. Mong mẹ hợp tác để lớp được hoàn thành chương trình như đã thống nhất trong cuộc họp phụ huynh”.

Nhà trường nói gì?

Trả lời Zing.vn chiều 16/10, bà Chu Thị Thu Hương - Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Giang - xác nhận một số thông tin phụ huynh phản ánh chính xác. Cụ thể, trường tổ chức học tiếng Anh liên kết với Trung tâm Ngoại ngữ Bình Minh sau một tháng học thử.

Chương trình được sắp xếp vào giờ chính khóa. Học sinh lớp 1, 2 học hai tiết mỗi tuần, một tiết với giáo viên Việt Nam, một tiết với giáo viên nước ngoài. Học phí 150.000 đồng/tháng. Học sinh các lớp 3, 4, 5 học một tiết mỗi tuần. Học phí 130.000 đồng/tháng.

Về việc sắp xếp tiếng Anh liên kết vào giờ chính khóa, bà Hương cho rằng không trái quy định. Theo kế hoạch từ Sở GD&ĐT Hà Nội, trường tự sắp xếp thời khóa biểu, chương trình học. Sau một tháng học thử, trường căn cứ số lượng đăng ký để xếp lớp.

Với những lớp không đăng ký học hết, trường xếp vào tiết thứ 8. Những em không học có thể về trước. Trường hợp lịch học vào tiết thứ 7, giáo viên chủ nhiệm quản lý và dẫn những em không học lên thư viện đọc sách.

Bà thông tin thêm mỗi lớp chỉ 1-2 học sinh không đăng ký học và phủ nhận việc trường sắp xếp tiếng Anh liên kết vào giờ chính khóa là biến tướng, ép phụ huynh đăng ký.

Về tình trạng lớp học đông, trường giải quyết bằng cách chia thành nhóm nhỏ hoặc hoạt động theo cặp để giáo viên nắm được trình độ học sinh. Ngoài ra, trường cử giáo viên giám sát việc dạy học cũng như các bài kiểm tra đánh giá để đảm bảo chất lượng của chương trình tiếng Anh liên kết.

Cũng liên quan chủ đề tiếng Anh liên kết, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Hiệu trưởng Trường tiểu học đô thị Việt Hưng, Hà Nội, trả lời Tiền Phong rằng thực hiện việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh nên ngay từ lớp 1, trường đã đưa chương trình vào dạy học.

Liên quan quản lý chất lượng, nhiều hiệu trưởng thừa nhận ở lứa tuổi mẫu giáo và lớp 1, 2, học sinh mới chỉ dừng lại ở mức độ làm quen ngoại ngữ, giúp học sinh được tiếp xúc với giáo viên nước ngoài. Hiệu quả thực sự sau mỗi năm học, khó có thể đánh giá, đặc biệt là độ tuổi mầm non.

Để có sự lựa chọn, trường đăng ký liên kết với hai trung tâm để phụ huynh có sự lựa chọn trên tinh thần tự nguyện. Nhiều phụ huynh đăng ký cùng lúc cả hai chương trình.

Theo bà Nga, cứ đầu mỗi năm học, nhà trường giới thiệu chương trình tiếng Anh liên kết với các trung tâm cho phụ huynh.

Cụ thể, trường triển khai hai chương trình liên kết cùng lúc là chương trình Langguage Link và chương trình Song ngữ học Toán và môn Khoa học bằng tiếng Anh.

Bà Nga tiết lộ năm học 2017-2018, trường có 1.468 học sinh thì có 960 em đăng ký học chương trình liên kết này. Trong quá trình triển khai, phụ huynh nào cảm thấy không có nhu cầu học nữa thì được nhà trường hướng dẫn làm đơn xin nghỉ, nhà trường đều duyệt cho học sinh đó nghỉ.

Tuy nhiên, bà Nga thừa nhận, trước khi triển khai chương trình tiếng Anh liên kết, nhà trường không khảo sát lấy ý kiến phụ huynh mà dựa vào kinh nghiệm của mình, thấy trung tâm nào hiệu quả thì lựa chọn.

Khi nhiều phụ huynh cùng lúc gửi đơn xin rút vì không hiệu quả, bà Nga cho biết năm tới sẽ lấy ý kiến phụ huynh về các chương trình liên kết để có sự đồng thuận.

Nhiều trung tâm ngoại ngữ lừa đảo, hoạt động bát nháo Nhiều sinh viên cho rằng chất lượng giảng dạy ở không ít trung tâm ngoại ngữ rất kém. Giáo viên thường không được đào tạo sư phạm, hành xử thiếu chuẩn mực.

Hà Linh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dua-tieng-anh-lien-ket-vao-chinh-khoa-de-ep-hoc-sinh-tham-gia-post885036.html