Đưa tiền cho kẻ lừa, nhiều người nhận án tù

Đây là đường dây lừa, làm giả giấy phép kinh doanh, bằng lái xe... khiến nhiều người lao đao vòng tù tội.

Sau nhiều ngày xét xử, ngày 28-5, TAND TP.HCM đã tuyên án đường dây Trần Phi Long và các đồng phạm lừa, môi giới nhận hối lộ, làm giả hồ sơ tiền tỉ.

Đây là lần xét xử sơ thẩm lần 2 sau khi cấp phúc thẩm hủy án yêu cầu điều tra xét xử lại khi có tranh cãi. Nhiều người ban đầu được cho là nạn nhân của vụ lừa đảo sau đó lại trở thành bị cáo tội đưa hối lộ. Một số bị cáo chỉ trả tiền cho người làm giấy phép karaoke là hành vi phạm tội hay chỉ là dịch vụ tư vấn, giao dịch bình thường.

Tòa phúc thẩm nhận thấy vụ án chưa xác định được người bị hại, người nhận hối lộ nên chưa đủ căn cứ cấu thành tội của các bị cáo như án sơ thẩm đã tuyên...

HĐXX đã tuyên phạt Trần Phi Long (SN 1983; ngụ quận 7, TP.HCM) 15 năm tù về các tội môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Bị cáo Trần Văn Tuyền (SN 1971; ngụ tỉnh Bình Phước) 12 năm tù về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Bị cáo Lê Thanh Hùng (SN 1969; ngụ tỉnh Sóc Trăng) bốn năm tù về tội môi giới hối lộ và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. 12 bị cáo bị phạt từ một năm án treo đến năm năm tù về một trong các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, môi giới hối lộ, đưa hối lộ hoặc làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Tại tòa, luật sư không đồng ý với truy tố các bị cáo tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ. Vì hồ sơ không thể hiện việc có ai nhận thì không có căn cứ cũng như không cấu thành đối với hai tội danh này...

Tuy nhiên theo tòa, trong vụ án này mỗi người một yêu cầu dù không được phép nhưng đã đưa tiền để tác động đến người có thẩm quyền cấp giấy phép karaoke, giấy lái xe hay vào lớp sau đại học chuyên khoa I bệnh viện Chợ Rẫy ... thông qua trung gian.

VKS đã truy tố đúng dù tại phiên tòa các bị cáo không thừa nhận ý thức đưa tiền tác động đến người có thẩm quyền. Nhưng lời khai tại CQĐT rõ có thỏa thuận, có giá cả. Ngay khi đưa tiền cho người trung gian để thực hiện ý định thì tội phạm đã hoàn thành không cần việc có kết nối với được hay không? Bởi có thể người trung gian kết nối được, không có khả năng kết nối hay kết nối nhưng với người lừa đảo...

Đồng thời giai đoạn các bị cáo nhờ làm giấy phép kinh doanh karaoke theo xác minh là lúc cơ quan có thẩm quyền đang có chủ trương không cấp mới giấy phép này.... Như vậy không thể nói đây chỉ là giao dịch dịch vụ bình thường. Bởi nếu chỉ là dịch vụ thì phải có ủy quyền thực hiện còn đây là bằng con đường không chính thức...

Đáng chú ý một số bị cáo trong vụ án dự kiến sẽ bị xét xử bởi một tội danh khác với truy tố của VKS. Cụ thể viện truy tố môi giới hối lộ tòa dự kiến xử tội lừa đảo. Nhưng theo tòa, do giới hạn xét xử, tòa không xử tội nặng hơn theo tội bị truy tố nhưng phần hình phạt sẽ nặng hơn.

Theo cáo trạng, Trần Phi Long và đồng phạm có hành vi gian dối khi làm 4 giấy phép kinh doanh quán karaoke trái quy định và nhận hơn 1 tỉ đồng từ khách hàng.

Cụ thể, năm 2011, Long nhận của Trần Ngọc Đức (SN 1950; giám đốc Công ty TNHH Bình Minh) bộ hồ sơ xin giấy phép kinh doanh quán karaoke đã bị thu hồi của nhà hàng Vibox (quận 5, TP HCM). Đầu tháng 7-2011, từ Nguyễn Văn Vinh (SN 1956), Long chuyển hồ sơ cho Lê Thanh Hùng làm giả với giá thỏa thuận là 800 triệu đồng. Long đưa trước cho Hùng gần 300 triệu đồng.

Nhận tiền, Hùng đưa 100 triệu đồng cho Nguyễn Tuấn Anh (SN 1978) để lo việc này. Tuấn Anh tiếp tục chuyển hồ sơ cho người tên Thành (chưa rõ lai lịch). Do hồ sơ thiếu giấy phép PCCC nên Thành đề nghị làm giúp luôn, giá tăng thêm 5.000 - 7.000 USD.

Cuối tháng 9-2011, Hùng thông báo đã có giấy phép, Long chuẩn bị giao nốt số tiền còn lại để nhận giấy phép. Tuy nhiên, sau đó, Hùng không giao giấy phép nữa.

Không chỉ chạy giấy phép kinh doanh, nhóm này còn làm luôn các loại bằng giả cho những người có nhu cầu. Một trong những người phạm luật là Nguyễn Thị Mỹ Thu (SN 1982). Muốn thi vào lớp sau đại học chuyên khoa 1 của Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng không đủ điều kiện, khoảng tháng 7-2011, qua giới thiệu của Đặng Tiến Đức (SN 1967), Thu nhờ Long chạy xin giấy dự thi với giá 100 triệu đồng.

Thỏa thuận xong, Thu giao Long hồ sơ và tiền. Long cam kết sau 1 tuần sẽ hoàn tất thủ tục. Tuy nhiên, khi Bệnh viện Chợ Rẫy công bố danh sách dự thi vẫn không có tên Thu, Long giải thích là lo giúp Thu được tuyển thẳng. Song sau đó, Long biến mất.

Trong quá trình điều tra, Trần Phi Long khai nhận đã chuyển hồ sơ cùng 100 triệu đồng cho Hùng để "chạy" nhưng Hùng nói chỉ nhận hồ sơ chứ không nhận tiền từ Long...

Trốn truy nã, giả sĩ quan quân đội né cảnh sát giao thông

Sau khi công an bóc gỡ đường dây phạm tội do Long cầm đầu, Lê Thanh Hùng bỏ trốn khỏi địa phương. Đến tháng 11-2016, Hùng mới sa lưới pháp luật. Trong thời gian trốn truy nã, Hùng có nhặt hai bản photo màu giấy chứng minh sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam mang tên hai người khác nhau. Hùng dùng giấy chứng minh photo này đến một cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng mua quân phục sĩ quan cấp tá.

Sau đó, Hùng mặc quân phục rồi chụp hình, gắn hình của mình vào giấy chứng minh photo đã nhặt được. Hùng khai nhận làm giấy chứng minh sĩ quan giả với mục đích “né” phạt khi tham gia giao thông.

HOÀNG YẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/dua-tien-cho-ke-lua-nhieu-nguoi-nhan-an-tu-836479.html