Đưa thương mại biên giới về đúng bản chất

Chủ quan, làm ăn manh mún cùng tư duy kinh doanh theo phương thức ăn xổi không chính thống của doanh nghiệp đã tạo ra không ít rào cản trong thương mại biên giới.

Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng cái (Quảng Ninh). Ảnh: TTXVN

Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng cái (Quảng Ninh). Ảnh: TTXVN

Chủ quan, làm ăn manh mún cùng tư duy kinh doanh theo phương thức ăn xổi không chính thống của doanh nghiệp đã tạo ra không ít rào cản trong thương mại biên giới. Theo lộ trình, dự kiến đến 1/1/2028, các cửa khẩu, lối mở chỉ được làm thủ tục thông quan cho hàng đã được cấp phép, xuất chính ngạch sang Trung Quốc.

Do đó, để dòng chảy thương mại không gián đoạn, Bộ Công Thương đang xin ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới nhằm đẩy mạnh chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch và tạo sức ép cho doanh nghiệp thích ứng.

Theo các chuyên gia, năm 2023 là cột mốc đánh dấu sự phục hồi hoạt động thông quan hàng hóa sau thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hoạt động xuất khẩu thương mại biên giới; trong đó, có thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu sẽ có nhiều thuận lợi song cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Bùng nổ cũng là cách doanh nghiệp xuất khẩu trong nước dùng để nói về sự chờ đợi đơn hàng từ thị trường này. Nhiều nhóm ngành được hưởng lợi khi Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước và dự kiến hoạt động kinh tế thực sự diễn ra sôi động từ quý II/2023. Đứng đầu là doanh nghiệp ngành hàng không, thủy sản, xi măng, cao su, thép, gạo.

Trung Quốc mở cửa sẽ là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho tăng trưởng lượng xuất khẩu của doanh nghiệp hoạt động trong các ngành này vào năm 2023.

Ngoài việc giúp doanh nghiệp mua hàng dễ hơn, chiều ngược lại cũng đặt doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của Việt Nam vào thách thức cạnh tranh mạnh hơn trong thời gian tới.

Vì thế, việc khuyến khích chuyển sang xuất khẩu chính ngạch cũng là chủ trương chung, vừa giúp doanh nghiệp làm ăn chính quy, vừa đáp ứng được yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Đây là lý do chính mà Bộ Công Thương đưa ra để thu hẹp hình thức xuất khẩu tiểu ngạch trong việc sửa đổi Nghị định 14/2018-NĐ/CP.

Các chuyên gia cũng khẳng định, chính bởi ưu đãi của Trung Quốc với hình thức trao đổi cư dân kết hợp với chính sách có tính tương thích cao của Việt Nam là nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu tiểu ngạch.

Nhiều năm trở lại đây, phương thức này dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng lại vô cùng quan trọng với các mặt hàng chưa được phép xuất khẩu chính thức.

Chẳng hạn như chanh leo, na, roi hoặc chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của Trung Quốc (không có mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp...). Ngoài ra, mặt hàng sắn hay quả vải dù được xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc nhưng vẫn chủ động chuyển sang hình thức tiểu ngạch để hưởng ưu đãi thuế.

Bà Nguyễn Thị Trà, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông sản sạch Bình Nguyên (Bắc Giang) cho biết, trước đây, quả vải chỉ cần đóng vào hộp, dán mã số của hợp tác xã lên thùng là thương lái sẽ đến mua. Nhưng năm nay, Trung Quốc yêu cầu tất cả vải phải đóng vào thùng xốp, in dập nổi mã số của vùng trồng lên vỏ thùng.

Việc này tưởng chừng đơn giản nhưng chi phí để đầu tư hộp xốp cho mỗi cơ sở lên đến hàng tỷ đồng.Vì vậy, hợp tác xã nhỏ lẻ không có đủ tiềm lực để đầu tư. Hơn nữa, việc tiêu thụ cũng trở nên khó khăn hơn khi đường mòn lối mở bị thắt chặt, thị hiếu người tiêu dùng cũng thay đổi khiến khó lại chồng khó.

Chia sẻ về việc gần đây Trung Quốc dựng lên những rào cản mới cho nhập khẩu tiểu ngạch ngang bằng với chính ngạch, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinamit bày tỏ, việc siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch sẽ khiến doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, điều này tốt cho hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Tới đây, cơ quan chức năng cần đàm phán lại với Trung Quốc, tiến tới xóa bỏ quy định về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói thay vào đó là quy định và kiểm soát chất lượng bằng mã HS theo ngành hàng.

Khẳng định xuất khẩu chính ngạch là xu thế không thể thay đổi nhưng không dễ để giải quyết trong một sớm một chiều, ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Đề án thương mại biên giới Việt-Trung chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch vẫn đang trong quá trình soạn thảo.

Một trong những yếu tố mang tính quyết định giúp đề án có thể thành công là thay đổi nhận thức của các cấp, nhất là chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp hoạt động ở khu vực biên giới.

Cùng với việc giảm dần các hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các bộ, ngành trong việc giúp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thành công.

Theo đó, ngay từ khâu sản xuất, doanh nghiệp phải có được những hàng hóa đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Cụ thể như yêu cầu về chất lượng rất cao và hàng hóa nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm; mã số vùng trồng, mã số đóng gói hay yêu cầu về dán nhãn bao bì…

Mặt khác, các bộ ngành cùng với địa phương cần tiến hành mở rộng, nâng cấp hạ tầng về logistics, hạ tầng khu vực cửa khẩu để giúp hoạt động thông quan xuất khẩu chính ngạch được thuận lợi hơn.

Ngoài ra, doanh nghiệp thay vì tư duy nhỏ lẻ, bán hàng tại chợ biên giới phải chủ động làm ăn với thương nhân lớn và chuỗi phân phối của Trung Quốc qua việc tìm hiểu và đáp ứng được những yêu cầu của thị trường.

Như vậy, mốc thời gian từ nay đến năm 2028 sẽ vừa đủ để người dân, hợp tác xã và địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi toàn bộ quy mô từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất lớn. Đây là yếu tố bắt buộc để có sản phẩm chất lượng và đạt yêu cầu phía đối tác.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này, ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) khuyến cáo địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành và thương hiệu song song với vùng sản xuất, nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.

Với doanh nghiệp, cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc.

Cùng với đó, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển thị trường; xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ; thúc đẩy khai thác thị trường thông qua thương mại điện tử./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dua-thuong-mai-bien-gioi-ve-dung-ban-chat/291333.html