Đưa thực phẩm bẩn vào trường học là tội ác

Đó là khẳng định của PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, trước những vụ việc thực phẩm bẩn được đưa vào trường học thời gian gần đây.

Nhiều vụ việc đáng lo ngại về ATTP trường học xảy ra trong thời gian gần đây, mới nhất là việc trường mầm non tại Bắc Ninh nghi cho trẻ em ăn thịt lợn nhiễm sán gây bức xúc dư luận. Ông có chia sẻ gì về điều này?

- ATTP luôn là một khâu được ưu tiên hàng đầu trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam. Đặc biệt, trong trường học thì việc này càng cần phải được quan tâm một cách triệt để. Cơ thể trẻ em rất nhạy cảm, “đầu độc” trẻ em bằng thực phẩm bẩn là một điều rất nguy hại và có ảnh hưởng lâu dài tới toàn xã hội. Trẻ em là mầm non của đất nước, nếu mầm non này không phát triển được thì nó sẽ ảnh hưởng tới toàn tương lai của xã hội.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: V.P

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: V.P

Vụ việc ở Bắc Ninh theo tôi nếu thực sự nhà trường biết rõ việc sử dụng thịt lợn nhiễm sán để nấu ăn cho học sinh thì quá nhẫn tâm, tàn ác. Thịt lợn nhiễm sán hay còn gọi là lợn gạo rất dễ nhận biết bằng mắt thường. Vì vậy nếu thực sự có chuyện này xảy ra thì cần phải làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan và có hình thức xử lý thích đáng bằng pháp luật.

Theo ông, những đơn vị nào phải chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường?

- Dĩ nhiên việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong học đường phải trải qua nhiều khâu, với nhiều đơn vị, cá nhân kiểm định chất lượng của thực phẩm trước khi đưa vào trường học. Tất cả các đơn vị này đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp thực phẩm cho học sinh. Thế nhưng, nếu quy vào trách nhiệm cụ thể, tôi cho rằng nhà trường phải là đơn vị chịu trực tiếp trách nhiệm nếu có vấn đề liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm xảy ra. Bởi đơn vị này là khâu cuối cùng, trước khi đưa thực phẩm đi chế biến cho học sinh, ngoài ra, đây cũng là đơn vị có cam kết với phụ huynh học sinh trước khi học cho con em tới trường.

Nói như vậy, không có nghĩa là xem nhẹ trách nhiệm của các cơ quan liên quan như cơ sở thú ý kiểm định dịch, đơn vị doanh nghiệp cung cấp thực phẩm. Mới đây, vụ việc ở Bắc Ninh diễn ra sau vài ngày nhưng phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh khi cho rằng tỷ lệ nhiễm bệnh của trẻ em huyện Thuận Thành là “không có gì bất thường” thì tôi cho là vô cảm. Cần thể hiện rõ hơn nữa vai trò và trách nhiệm của chính quyền trong việc để thực phẩm bẩn xâm nhập vào trường học, đặc biệt là cần trấn an tinh thần nhiều phụ huynh đang rất hoang mang, lo lắng con mình bị bệnh.

Giải pháp nào để siết chặt lại vệ sinh ATTP học đường?

- Đầu tiên, chúng ta cần phải làm rõ rằng việc “đầu độc” trẻ em là một hành vi phi nhân tính. Cần có những chế tài cụ thể để xử lý việc này, thậm chí có thể quy vào tội hình sự nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trên diện rộng đối với trẻ em trong trường học. Cần phải loại bỏ hoàn toàn những đối tượng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm học đường ra khỏi môi trường giáo dục nếu cần thiết.

Ngoài ra, theo tôi để tự bảo vệ con em mình trước, phụ huynh nên trực tiếp kiểm tra, giám sát các khâu trong việc chế biến thực phẩm cho học sinh tại trường học. Tôi tin rằng không có nhà trường nào làm tốt mà lại giấu giếm, không công khai, minh bạch trong việc này cả. Ngoài ra, một giải pháp tạm thời nữa đó là phụ huynh tự chuẩn bị cho con em mình thức ăn để ăn ở trường. Việc này ở nước ngoài được cho là rất bình thường và được nhà trường khuyến khích vì giảm áp lực cho nhà trường.

Việt Phương (thực hiện)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/dua-thuc-pham-ban-vao-truong-hoc-la-toi-ac-964969.html