Đưa tàu sân bay rời châu Á, Mỹ đối phó Trung Quốc thế nào?

Giới phân tích cho rằng khi tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ rời châu Á để tới Trung Đông, Hải quân Mỹ đối mặt khả năng thiếu hụt lực lượng trong khu vực những tuần tới.

Hải quân Mỹ đang đối mặt khả năng thiếu hụt lực lượng ở châu Á trong những tuần tới, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc dâng cao.

CNN dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết tàu sân bay USS Ronald Reagan đang đồn trú tại Nhật Bản sẽ tới Trung Đông trong vài ngày tới nhằm hỗ trợ lực lượng Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Giới phân tích cho rằng động thái này có thể tạo ra khoảng trống sức mạnh ở Đông Á vào thời điểm Bắc Kinh gia tăng hiện diện tại Biển Đông và Đài Loan.

Khả năng Mỹ sẽ không có bất cứ tàu sân bay nào tại châu Á trong nhiều tháng

Chuyên gia Collin Koh tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nhận định Trung Quốc có thể lợi dụng việc Mỹ quyết định điều tàu sân bay USS Ronald Reagan làm bằng chứng cho tuyên bố của mình rằng Washington không thể duy trì cam kết quân sự của nước này tại châu Á.

Tiêm kích F/A-18E Super Hornet bay trên sàn tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Biển Đông năm ngoái. Ảnh: CNN

Tiêm kích F/A-18E Super Hornet bay trên sàn tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Biển Đông năm ngoái. Ảnh: CNN

“Đây chắc chắn sẽ là thông tin hữu ích cho hoạt động tuyên tuyền của Bắc Kinh” – ông Koh nhận định.

Ông Koh nói thêm khả năng Mỹ sẽ không có bất cứ tàu sân bay nào tại châu Á trong nhiều tháng.

“Chắc chắc nhiều nước trong khu vực sẽ có chung mối quan ngại về “lỗ hổng” trong thế trận quân sự của Mỹ tại khu vực trong thời gian vắng bóng tàu sân bay Mỹ” – ông Koh nói.

Trong khi đó, ông Thomas Shugart – cựu sĩ quan hải quân Mỹ và là thành viên cấp cao của Trung tâm An ninh Mỹ mới cho rằng việc tàu sân bay Mỹ vắng bóng tại châu Á dường như đi ngược lại những ưu tiên quốc phòng của Mỹ.

“Chiến lược Quốc phòng gần đây nhất của Mỹ nêu rõ ưu tiên hàng đầu là đối phó thách thức quân sự từ Trung Quốc, thay vì tiếp tục can dự vào Trung Á và Trung Đông. Do đó, chúng tôi có chút ngạc nhiên khi biết tàu sân bay duy nhất của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương sẽ bị rút khỏi khu vực ưu tiên này” – ông Shugart nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có thể ký quyết định điều động tàu sân bay USS Ronald Reagan ngay trong tuần này, các quan chức Mỹ cho biết. Dù vậy, hiện chưa rõ sẽ có bao nhiêu tuần dương hạm và khu trục hạm hộ tống tàu sân bay USS Roanald Reagan.

Tàu USS Ronald Reagan sẽ thay thế tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower đang thực hiện nhiệm vụ tại Trung Đông vì tàu này cần quay trở về quân cảng để được sửa chữa vào tháng 7.

Mỹ có kế hoạch duy trì một tàu sân bay tại Vịnh Ba Tư nhằm giúp bảo vệ binh sĩ Mỹ tại Afghanistan ít nhất là cho tới hạn chót rút quân 11-9.

Tầm quan trọng của tàu USS Ronald Reagan trong chiến lược quốc phòng của Mỹ

Tàu USS Ronald Reagan neo đậu tại TP Yokosuka của Nhật Bản. Đây là tàu sân bay tiền phương duy nhất của Mỹ, đồng thời là khí tài quân sự lớn nhất và uy lực nhất của quân đội Mỹ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Gần đây nhất là vào mùa hè năm ngoái, tàu USS Ronald Reagan và tàu sân bay USS Nimitz đều hoạt động trong khu vực, và đã tham gia tập trận ở Biển Đông. Tàu USS Nimitz trở về bang Washington (Mỹ) hồi tháng 3 năm nay sau gần một năm hoạt động trên biển.

Các tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiến hành tập trận chung ở Biển Đông tháng 7-2020. Ảnh: CNN

Đầu năm nay, Mỹ cũng điều tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tham gia tập trận ở Biển Đông và con tàu này đã trở về cảng nhà ở TP San Diego (bang Califoria, Mỹ) trong tuần này.

Các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ dài 335 m, nặng 97.000 tấn, và mỗi tàu có thể mang theo 75 máy bay, trong đó có tiêm kích F/A-18.

Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, đồn trú tại Nhật Bản cho biết việc triển khai tàu USS Ronald Reagan tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương giúp rút ngắn quãng thời gian di chuyển tới những căn cứ dự phòng là 17 ngày so với các tàu sân bay được điều từ lục địa Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc đã triển khai hai tàu sân bay Liêu Ninh tại Thanh Đảo và tàu sân bay Sơn Đông tại đảo Hải Nam ở rìa phía bắc Biển Đông.

Những tháng gần đây, Trung Quốc liên tiếp gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông. Đầu tuần này, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc dội hàng ngàn quả bom vào các mục tiêu hàng hải trên biển trong một cuộc tập trận thường niên, theo báo Global Times.

Mỹ có thể làm gì lấp khoảng trống tàu sâu bay USS Ronald Reagan để lại?

Ông Carl Schuster, cựu giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm Tình báo hỗn hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đánh giá mặc dù vắng bóng tàu sân bay USS Ronald Reagan, nhưng Mỹ vẫn có những khí tài khác để thay thế.

Ông Schuster cho biết tàu tấn công đổ bộ của Mỹ mang theo tiêm kích F-35 đang neo đậu tại Nhật có thể tạm thời lấp chỗ trống của tàu Ronald Reagan tại các vùng biển châu Á.

Cũng theo ông Schuster, vẫn còn nhiều phương án khác để tăng cường hiện diện quân sự.

“Tôi cho rằng Không quân Mỹ sẽ triển khai oanh tạc cơ hoạt động ở Biển Đông trong thời gian USS Ronald Reagan vắng mặt. Dù không có được sự hiện diện mạnh mẽ như tàu sân bay nhưng điều này sẽ gửi đi thông điệp chính trị tương tự” – ông Schuster nói.

Bên cạnh đó, thời gian USS Ronald Reagan rời khỏi các vùng biển Đông Á có thể trùng thời điểm nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Hoàng gia Anh do tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dẫn đầu tới khu vực.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth chở theo tiêm kích F-35 của Thủy quân lục chiến Mỹ cùng F-35 phiên bản của Anh đã rời khỏi Anh cuối tuần trước cùng một đội tàu hộ tống, trong đó có tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường. Đội tàu có khả năng đi qua Biển Đông vào cuối mùa hè này khi trên đường đi tới Nhật Bản.

“Do đội tàu sân bay của Anh cũng được gia cố thêm quân nhân và khí tài của Mỹ và Hà Lan nên đây sẽ là một công cụ hữu hiệu để thể hiện sự đoàn kết của Mỹ với các đồng minh trong khu vực trong thời gian vắng bóng tàu sân bay Mỹ” – chuyên gia Koh nói.

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/chuyen-gia/dua-tau-san-bay-roi-chau-a-my-doi-pho-trung-quoc-the-nao-988698.html