Đưa 'Siêu ủy ban' 2,3 triệu tỷ đồng thành 'gà đẻ trứng vàng' nhờ tài sản trong dân

Theo ĐBQH Lê Công Nhường, cần thiết kế một số điều luật để huy động tài sản của nhân dân, rồi chuyển đổi thành trái phiếu, cổ phiếu và góp vốn vào công ty đầu tư nhà nước Việt Nam trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Biến nguồn vốn này thành 'gà đẻ trứng vàng' cho NSNN, lợi tức cho người dân.

ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định).

ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định).

Trong chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về Luật Chứng khoán (sửa đổi), ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định), hiện nay, đất nước đang cần một nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển đất nước như đường cao tốc Bắc – Nam, các sân bay, đường sắt cao tốc, các chương trình xóa đói, giảm nghèo, các chương trình chống biến đổi khí hậu…

“Qua dự thảo luật lần này, tôi đề nghị nên thiết kế một số điều để huy động nguồn lực, tài sản của nhân dân thông qua thị trường chứng khoán, nhất là nguồn lực như đất đai, nhà xưởng và tài sản của người dân, nhất là tại nơi triển khai dự án; có cơ chế để chuyển đổi thành trái phiếu, cổ phiếu, góp vốn vào công ty đầu tư nhà nước Việt Nam trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước được đảm bảo an toàn và sinh lời”, ĐBQH Lê Công Nhường đề xuất.

Theo đại biểu Nhường, mô hình này giống như công ty đầu tư nhà nước của Singapore là Temasek Holdings. Công ty này có tổng lợi tức cổ đông kể từ lúc thành lập từ năm 1974 đến nay là 15%/năm.

ĐBQH Lê Công Nhường tiếp tục phân tích: “Đây thực sự là con gà đẻ trứng vàng cho nhà nước Singapore. Vì vậy, tôi đề nghị trong chương này bổ sung thêm một số điều, cho phép Ủy ban Quản lý vốn nhà nước thành lập một công ty đầu tư nhà nước, dạng như công ty Temasek Holdings của Singapore. Nhiệm vụ công ty đầu tư nhà nước này là sử dụng vốn, đồng tiền của nhà nước và người dân một cách thông thái và phải biến nguồn vốn này thành nồi cơm Thạch Sanh cho ngân sách nhà nước, cũng như lợi tức cho người dân”.

Ngoài ra, ông Nhường cũng dẫn chứng lịch sử, vào năm 1945, Chính phủ mới thành lập rất khó khăn và tài chính nên đã đề ra chương trình tuần lễ vàng.

Từ ngày 17 đến 24/9/1945, nhân dân cả nước đã hưởng ứng và quyên góp giúp Chính phủ vượt qua khó khăn và bảo tồn nền độc lập. Ngày nay, đất nước đã có thế và lực mới, đã có vị thế và uy tín. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức đó là thiếu hụt vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng để phát triển đất nước.

ĐBQH Lê Công Nhường nói: “Để huy động được nguồn lực của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đòi hỏi Chính phủ phải minh bạch, liêm chính và hành động vì phát triển đất nước. Để được người dân chọn mặt gửi vàng trong thời đại công nghệ 4.0, đòi hỏi công ty đầu tư vốn nhà nước phải đảm bảo tài sản của người dân tham gia vào công ty quy đổi ra trái phiếu, cổ phiếu được an toàn và sinh lời. Chính phủ ngày nay không đòi hỏi người dân phải đóng góp vào mà không có lợi ích gì do quản lý yếu kém”.

Song trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/10/2018, ông Lê Quang Mạnh, khi đó là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cho biết, mục tiêu của Chính phủ khi thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm cơ xóa bỏ tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, hay tình trạng Bộ chuyên ngành vừa ban hành chính sách cho một lĩnh vực nào đó, vừa trực tiếp quản lý các doanh nghiệp. Ông cũng cho biết, khuôn khổ pháp lý được xây dựng phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Lê Quang Mạnh, “Siêu ủy ban” quản lý 2,3 triệu tỷ đồng sẽ thay nhà nước giám sát khối tài sản, khối vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp, chứ không phải cơ quan chỉ đạo việc sử dụng vốn.

Do đó, “Siêu ủy ban” chỉ tập trung vào việc giám sát vốn đó đang được sử dụng có hiệu quả hay không, có khả năng, nguy cơ thất thoát không để triển khai các biện pháp can thiệp.

Hoàng Nhật

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/dua-sieu-uy-ban-23-trieu-ty-dong-thanh-ga-de-trung-vang-nho-tai-san-trong-dan-988351.html