Đưa sản phẩm truyền thống vươn xa

Không chỉ tạo được việc làm cho hơn 20 lao động, Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan Bản Diềm còn đang góp phần tích cực trong việc lưu giữ được nghề truyền thống của người dân tộc Thái ở xã Châu Khê (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An). Các sản phẩm độc đáo, tinh tế của các nghệ nhân ở bản Diềm nay đã được người tiêu dùng ở nước ngoài biết đến và yêu thích.

Từ trung tâm xã Châu Khê, đi thêm gần 10km đường đất đá là đến bản Diềm - bản vùng sâu biên giới Việt – Lào - nơi sinh sống của hơn 150 hộ đồng bào người Thái, người Đan Lai.

Với những đóng góp của mình, chị Lang Thị Hoa đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

Đến đầu bản, hỏi thăm HTX Mây tre đan Bản Diềm, hầu như ai cũng biết. Được thành lập từ tháng 6/2014, HTX Mây tre đan Bản Diềm nay đã trở thành ngôi nhà chung của 22 thành viên, chủ yếu là người cao tuổi, phụ nữ đơn thân, sức khỏe yếu, không thể tham gia việc đồng áng, nương rẫy. Trao đổi cùng chúng tôi, chị Lang Thị Hoa – Chủ nhiệm HTX Mây tre đan Bản Diềm cho biết: “Tôi lớn lên ở bản Diềm, từ nhỏ đã được xem các bà, các mẹ ở trong bản làm ra những sản phẩm mâm, ghế, rổ, rá… từ cây mây trên rừng. Các sản phẩm này không chỉ có giá trị sử dụng mà còn rất nhẹ và bền. Bản thân tôi cũng rất thích công việc đan lát các sản phẩm này”.

Khi nhóm mây tre đan bản Diềm được thành lập, chị Hoa và các nghệ nhân đan lát trong bản có một nơi để tập trung truyền nghề nhằm lưu giữ lại những giá trị độc đáo của dân tộc Thái. “Tuy nhiên, tôi cũng khá lo lắng vì vốn không có, nhà xưởng không có phải đi ngồi nhờ, sản phẩm cũng chưa biết có đắt hàng ngay không?” – chị Hoa chia sẻ.

Để nhóm có thể hoạt động, ngoài việc tìm kiếm nguyên vật liệu, tổ chức sản xuất, chị Hoa còn đi khắp nơi vận động hỗ trợ nguồn vốn, hướng dẫn kỹ thuật và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ sự vận động của chị, một ngôi nhà tạm nho nhỏ đã được dựng lên để nhóm tập trung đan lát. Sự nhiệt tình và năng động của chị Hoa cũng là động lực để các thành viên trong tổ yên tâm gắn bó công việc.

Từ những chiếc mâm mây, ghế mây, rổ, rá đơn giản ban đầu… sau một thời gian hoạt động, nhóm đã biết dựa trên những tấm thổ cẩm ngày xưa để tạo ra những hoa văn trên các sản phẩm. Thay vì chỉ có giá trị sử dụng, sản phẩm của HTX Mây tre đan còn có thể dùng làm đồ trang trí độc đáo. Từ đó, sản phẩm không chỉ làm đến đâu, hết đến đó mà còn có giá trị cao hơn nhiều.

“Hoa văn đầu tiên tui sưu tầm được là Đao tèm,có nghĩa là ngôi sao. Bây giờ sưu tầm được 12 hoa văn rồi. Ban đầu đan hoa văn bằng tre, mây cũng khá khó, giờ thì quen rồi” - bà Vi Thị Nội, 63 tuổi, thành viên của HTX phấn khởi cho biết. Giống như bà Nội, ông Lương Văn Long, 61 tuổi, cũng là người sưu tầm được tới 4 - 5 loại hoa văn bằng chữ. Có thể đan thành nhiều chữ như: Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm...

Đặc biệt, dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của Viện Nghiên cứu ngành nghề (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), HTX Mây tre đan Bản Diềm đã được tham gia dự án VIE 028, dự án Oxfam Hồng Kong, dự án VIRI… HTX được các dự án hỗ trợ nguồn vốn hoạt động, tập huấn, tìm thị trường tiêu thụ. Năm 2017, dưới sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu ngành nghề, lần đầu tiên, HTX May tre đan Bản Diềm đã xuất được 3 lô hàng sang Đức. Năm 2018, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cũng đang quan tâm tới các sản phẩm của HTX.

Hiện thu nhập của mỗi thành viên HTX đã được 3 - 3,5 triệu đồng mỗi tháng – con số tuy không lớn, nhưng vô cùng ý nghĩa đối với những người dân ở một bản nghèo như Bản Diềm. Chị Hoa cho hay: “Sau khi thành lập HTX, lại được sự hỗ trợ về tinh thần, tài chính của xã Châu Khê, của huyện Con Cuông… chúng tôi cảm thấy rất tự tin. Hiện tại, HTX đã có máy gọt mây, chẻ mây, huyện Con Cuông cũng hứa sẽ đầu tư nhà xưởng mới cho HTX”. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Lang Thị Hoa cũng không khỏi băn khoăn khi lao động của HTX chủ yếu là người già, không có khả năng sử dụng máy móc, trong khi các bạn trẻ lại khá thờ ơ với công việc này.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/dua-san-pham-truyen-thong-vuon-xa-107739.html