Đưa sản phẩm OCOP vào du lịch

Trong kế hoạch phát triển du lịch năm 2019, huyện Tiên Yên đã đề ra yêu cầu phát triển du lịch phải gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là các giá trị văn hóa truyền thống; từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Cụ thể hóa mục tiêu này, huyện đã chú trọng đến việc phát triển, tạo sản phẩm du lịch cho địa phương từ OCOP.

Nhân viên điểm bán sản phẩm OCOP Cafe Nam Phong (xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ảnh: Lan Anh

Nhân viên điểm bán sản phẩm OCOP Cafe Nam Phong (xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ảnh: Lan Anh

Những năm gần đây, huyện Tiên Yên đã rất tích cực tổ chức tham gia xúc tiến thương mại nhằm quảng bá các sản phẩm OCOP đến khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2018, huyện đã tham gia rất nhiều hội chợ, triển lãm, như: Hội chợ OCOP xuân 2018; Hội chợ OCOP các tỉnh phía Bắc năm 2018; Hội chợ chào mừng Tuần Văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh năm 2018; Lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử 2018; Hội chợ quốc tế thương mại Việt - Trung năm 2018; Hội chợ thương mại Đông Triều 2018... Cùng với đó, huyện còn xúc tiến thương mại ở các địa phương thông qua hình thức gửi sản phẩm vào bán tại Hải Phòng, Hải Dương; đồng thời, tiếp cận với một số nhà hàng, khách sạn để quảng bá sản phẩm OCOP như: Khách sạn Novotel, khách sạn Royal Lotus, Công ty Hoàng Hà...

Du khách tham quan Lễ hội ẩm thực gà Tiên Yên. Ảnh: Minh Đức

Mặt khác, Tiên Yên còn hỗ trợ hình thành điểm bán sản phẩm ngay trên địa bàn huyện như: Điểm bán sản phẩm OCOP Cafe Nam Phong, nhà hàng 558, nhà hàng 109, nhà hàng Minh Anh, chợ Tiên Yên (với 3 ki-ốt). Chị Đỗ Thu Thảo, 26 tuổi, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Mới đây, có dịp đi Móng Cái cùng gia đình, tôi đã dừng chân nghỉ tại Điểm bán sản phẩm OCOP Cafe Nam Phong. Tôi rất thích các sản phẩm OCOP bày bán tại đây bởi được đóng gói cẩn thận, sạch sẽ, bắt mắt. Tôi đã mua thịt khau nhục và trứng vịt biển Đồng Rui về làm quà”.

Theo ông Lý Văn Thắng, Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tiên Yên, đến nay huyện có 14 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, là: Gà Tiên Yên, mật ong Tiên Yên, trứng vịt biển Đồng Rui, khau nhục. Toàn huyện có 22 cơ sở, tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP (gồm: 1 doanh nghiệp, 5 tổ hợp tác, 5 hợp tác xã, 11 cá nhân).

Cơ sở sản xuất khau nhục của bà Lã Thị Bình, phố Lý Thường Kiệt, huyện Tiên Yên. Ảnh: Lan Anh

Để việc quảng bá các sản phẩm OCOP đến với du khách được hiệu quả, huyện Tiên Yên đã rất chú trọng đến vấn đề tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Năm 2018, 80% sản phẩm tham gia chương trình OCOP của huyện đã áp dụng thí điểm dán tem điện tử để truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, huyện còn chỉ đạo các cơ sở sản xuất hoàn thiện nhà xưởng, mua sắm công cụ phục vụ sản xuất. Năm 2018, toàn huyện đã có 3 cơ sở áp dụng công nghệ mới vào sản xuất như: Sản phẩm bánh gật gù chuyển hết từ đun củi truyền thống sang bếp điện; sản phẩm khau nhục của cơ sở Lã Thị Bình chuyển đổi từ hấp bằng củi sang nồi điện; sản phẩm kẹo lạc hồng chuyển sang dây chuyền gói kẹo tự động thay đèn dầu trước đây.

Không chỉ vậy, huyện Tiên Yên còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể, huyện đã phối hợp với các nhà khoa học tại các đơn vị như: Công ty Dược khoa, Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, Viện Chăn nuôi, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên... để đưa các công nghệ mới vào nhằm nâng cao giá trị, chất lượng các sản phẩm OCOP.

Năm 2019 này, huyện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, đồng thời tăng cường giới thiệu, quảng bá sâu rộng đến đông đảo du khách, góp phần phát triển, tạo sản phẩm du lịch riêng có cho huyện.

Lan Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201903/dua-san-pham-ocop-vao-du-lich-2432058/