Đưa rừng trở lại chương trình nghị sự

Đó là chủ đề trong bài thuyết trình của Tiến sỹ Phạm Thu Thủy, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp (CIFOR) tại Hội thảo Chia sẻ kiến thức về tiến trình và định hướng thực thi REDD+ ở Việt Nam.

Hội thảo do Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp (CIFOR) cùng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) vừa phối hợp tổ chức. Tại Hội thảo, các chuyên gia của CIFOR và Bộ NN&PTNT đã chia sẽ nhiều thông tin mới nhất về tiến trình thực hiện REDD+ ở Việt Nam, những khó khăn và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.

Mục tiêu của REDD+ không chỉ nhằm giảm phát thải khí nhà kính mà còn cung cấp nhiều lợi ích khác như: Giảm nghèo, phát triển lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học... Vì vậy, theo Tiến sỹ Phạm Thu Thủy, việc ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng có thể giúp làm giảm gần 20% lượng phát thải CO2 toàn cầu; rừng được duy trì sẽ giúp chúng ta thích ứng thông qua việc cung cấp các dịch vụ sinh thái quý giá.

Hội thảo Chia sẻ kiến thức về tiến trình và định hướng thực thi REDD+ ở Việt Nam.

Các thông tin đưa ra tại Hội thảo cho thấy, rừng giúp kiểm soát xói lở đất, cung cấp nước sạch và tạo ra hành lang cho động - thực vật hoang dã di chuyển tới các vùng có khí hậu thuận lợi hơn. Việc các dịch vụ này bị mất đi sẽ tác động tới cuộc sống và sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào rừng. Rừng cũng có thể làm gia tăng biến đổi khí hậu nếu không được quản lý một cách bền vững. Khi gỗ bị khai thác, cây sẽ trở thành nguồn khí nhà kính bởi vì toàn bộ carbon mà nó tàng trữ sẽ phát thải dưới dạng CO2 và cây sẽ không còn là bể chứa carbon.

Tại việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của rừng đối với ứng phó biến đổi khí hậu, Chính phủ đã sớm có những giải pháp tích cực trong khôi phục, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 38,7% năm 2018 lên 41,45% năm 2017; cơ chế chính sách từng bước được bổ sung, hoàn thiện trong đó Luật Lâm nghiệp được Quốc hội ban hành năm 2017…; đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/dua-rung-tro-lai-chuong-trinh-nghi-su-1259163.html