Đua phát triển vắc-xin Covid-19: Những câu hỏi hóc búa

Cuộc đua phát triển vắc-xin Covid-19 làm dấy lên nỗi lo về chủ nghĩa dân tộc vắc-xin, nơi các nước đối đầu nhau, đặt lợi ích riêng lên hàng đầu, thay vì hợp tác chống đại dịch

Cuộc đua phát triển vắc-xin ngừa đại dịch Covid-19 diễn ra trong bối cảnh các thể chế đa phương ngày càng bị chính trị hóa và căng thẳng leo thang giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới - Mỹ và Trung Quốc, vốn là những quốc gia có khả năng cao nhất sở hữu vắc-xin đầu tiên.

"Chủ nghĩa dân tộc vắc-xin"

Điều này làm dấy lên nỗi lo về "chủ nghĩa dân tộc vắc-xin", nơi các nước đặt lợi ích riêng lên hàng đầu, thay vì hợp tác chống đại dịch. Theo ông Mark Rosenberg, Chủ tịch danh dự của tổ chức phi lợi nhuận Lực lượng Đặc nhiệm vì Sức khỏe toàn cầu (TFGH), "chủ nghĩa dân tộc vắc-xin" cũng tương tự chính sách "Nước Mỹ trên hết", chỉ khác ở chỗ mọi quốc gia đều thực hiện hoặc chí ít là với những quốc gia có điều kiện và nguồn lực để bảo đảm họ là những nước đầu tiên sở hữu vắc-xin.

Theo tạp chí Fortune, ít nhất phải mất thêm một năm nữa, vắc-xin Covid-19 mới xuất hiện trên thị trường, nếu chúng ta may mắn. Thế giới hiện có hơn 200 vắc-xin Covid-19 đang được nghiên cứu nhưng thông thường, tỉ lệ thành công của một ứng viên vắc-xin trong giai đoạn phát triển tiền lâm sàng chỉ khoảng 7%. Phần lớn những ứng viên còn lại sẽ thất bại.

Khu vực sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 của Công ty Bio Farma ở Bandung, Tây Java - Indonesia. Ảnh: REUTERS

Khu vực sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 của Công ty Bio Farma ở Bandung, Tây Java - Indonesia. Ảnh: REUTERS

Thế giới cần vắc-xin để chấm dứt khủng hoảng và với việc hàng trăm vắc-xin đang được phát triển, chúng ta có thể lạc quan rằng ít nhất một ứng viên sẽ đáp ứng kỳ vọng. Bất kể vắc-xin của nước nào thành công, nếu cộng đồng quốc tế không thực hiện hướng tiếp cận đa phương hơn, không hợp tác với các cơ quan y tế toàn cầu để chia sẻ thắng lợi, mọi quốc gia cuối cùng rồi cũng sẽ thất bại. Bởi vì với bệnh truyền nhiễm, không quốc gia nào an toàn trừ khi mọi quốc gia an toàn.

Giới chuyên gia khẳng định việc loại bỏ hoàn toàn chủ nghĩa dân tộc khỏi cuộc đua vắc-xin Covid-19 là điều bất khả thi. Dù vậy, vấn đề này có thể được giải quyết phần nào thông qua hợp tác quốc tế. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 9-8 tiếp tục kêu gọi các nước gia nhập COVAX - liên minh quốc tế do tổ chức này thành lập hồi tháng 4 - để đẩy nhanh tiến độ phát triển, sản xuất và bảo đảm vắc-xin ngừa Covid-19 được phân phối với giá phải chăng cho các nước.

Nên ưu tiên vắc-xin cho ai?

Theo đài CNBC, những ứng viên vắc-xin Covid-19 tiềm năng nhất ở thời điểm hiện tại bao gồm 1 loại vắc-xin mRNA của Công ty Moderna (Mỹ), 1 vắc-xin của Công ty AstraZeneca và Trường ĐH Oxford (Anh), 1 vắc-xin của quân đội và công ty Trung Quốc CanSigo Biologisc, cùng với 1 vắc-xin của Công ty BioNTech và Pfizer (Đức). Các nhà sinh học và giới chuyên gia y tế đều đồng ý rằng việc sản xuất nhanh chóng vắc-xin cho khoảng 8 tỉ người trên toàn thế giới là một thách thức không nhỏ. Vì thế, cần phải có cơ quan ra quyết định đối tượng nào nên được ưu tiên tiêm chủng.

Tại Mỹ, các ủy ban đã bắt đầu được thành lập để thảo luận vấn đề hóc búa này. Một ủy ban gồm các chuyên gia y tế đến từ Học viện Y khoa quốc gia (NAM) đang tư vấn cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) về một cơ chế công bằng để hỗ trợ các nhà lập pháp Mỹ, cũng như các cộng đồng y tế trên toàn thế giới. Những câu hỏi thách thức nhất mà họ đang đối mặt bao gồm liệu phụ nữ mang thai (thường nằm cuối danh sách tiêm chủng) có nên được ưu tiên hơn và liệu người Mỹ da màu hoặc gốc Latin (nhóm có nhiều người nhiễm Covid-19 hơn) có nên được tiêm ngừa trước hay không?

Thông thường, theo AP, vắc-xin được ưu tiên cho nhân viên y tế và nhóm dễ bị nhiễm virus nhất. Dù vậy, Giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) Francis Collins cho rằng cần cân nhắc yếu tố địa lý và trao ưu tiên cho những người nằm trong vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cũng như những tình nguyện viên thử vắc-xin Covid-19 trong thời gian qua, vốn là những người mà vị này khẳng định là "chúng ta nợ họ… một ưu tiên đặc biệt nào đó".

Ngoài ra còn có những cân nhắc trên phạm vi quốc tế. Các nhóm đặc biệt đã được thành lập để đưa ra một cơ chế phù hợp và công bằng nhằm phân phát vắc-xin giữa các nước song họ cũng đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Theo chuyên gia Arthur Caplan của Trung tâm Y tế Langone - Trường ĐH New York (Mỹ), một số quốc gia sẽ dư dả lượng vắc-xin trong khi những nước khác không đủ dùng. Một số nước có thể sử dụng vắc-xin làm đòn bẩy để đạt được các lợi ích riêng hoặc để đàm phán thỏa thuận thương mại. Bên cạnh đó, chuyên gia này còn bày tỏ những lo ngại liên quan đến thị trường chợ đen, nơi có thể cho phép người giàu ở một số quốc gia nhất định "chen ngang" để mua vắc-xin cho bản thân và gia đình.

Nước giàu đặt trước hơn 1 tỉ liều

Những quốc gia giàu có đã đặt trước hơn 1 tỉ liều vắc-xin ngừa Covid-19, làm gia tăng lo ngại về việc những nước còn lại sẽ bị đẩy xuống cuối hàng chờ mua vắc-xin.

Nước đi của Mỹ và Anh để bảo đảm nguồn cung từ 2 công ty dược phẩm Sanofi (Pháp) và GlaxoSmithKline (Anh) cùng bản hợp đồng khác giữa Nhật Bản và Công ty Pfizer (Mỹ) là những động thái mới nhất trong nỗ lực tìm kiếm vắc-xin của các nước.

Khối Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian qua cũng hành động quyết liệt để bảo đảm họ là những nước đầu tiên sở hữu vắc-xin. Chính phủ Thụy Sĩ trong một tuyên bố hôm 7-8 cho biết họ cũng đã đặt mua 4,5 triệu liều vắc-xin của Moderna. Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản và Thụy Sĩ đến thời điểm hiện tại đã đặt trước tổng cộng khoảng 1,3 tỉ liều vắc-xin ngừa Covid-19.

Kỳ tới: Mập mờ cam kết "không vì lợi nhuận"

Cao Lực

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/dua-phat-trien-vac-xin-covid-19-nhung-cau-hoi-hoc-bua-20200810210425527.htm