Đưa pháp luật đến gần dân hơn

Thời gian qua, công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người dân, nhất là đối tượng yếu thế trong xã hội (người già, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số...) của các luật sư, luật gia, trợ giúp viên pháp lý hoạt động trên địa bàn tỉnh được xã hội, chính quyền đánh giá cao, người dân tích cực đón nhận.

Các luật gia, luật sư của Hội Luật gia tỉnh tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người dân xã Phú Bình (huyện Tân Phú).

Cũng từ công việc thiện nguyện này, các luật sư, luật gia, trợ giúp viên pháp lý của Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp), Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) có điều kiện đưa pháp luật đến gần dân hơn.

* Tâm huyết với công việc

Nói đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân và các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, luật sư Nguyễn Đức (Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh) tỏ ra hào hứng vì ông rất tâm huyết với công tác này. Luật sư Nguyễn Đức cho hay, có tiếp cận kịp thời những mâu thuẫn, bức xúc từ thực tiễn đời sống của người dân ở cơ sở mới kịp thời tư vấn, định hướng cho họ tháo gỡ ngay. Điều này rất có ý nghĩa và thiết thực trong việc hóa giải kịp thời các mâu thuẫn, hàn gắn đoàn kết trong gia đình, cộng đồng, hạn chế khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh bộc bạch, việc ông về tận các xã vùng sâu, vùng xa của huyện: Tân Phú, Định Quán tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người dân cũng là cách để tri ân người dân ở đây từng che chở ông trong những năm tham gia kháng chiến.

Cũng chính vì vậy, luật sư Nguyễn Đức chủ động trong việc phối hợp với Hội Nông dân, Ban Dân tộc tỉnh, MTTQ, Sở GD-ĐT và các xã, phường triển khai các đợt về cơ sở tuyên truyền, tư vấn và thành lập 13 điểm tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí tại các sở, ngành, cơ quan báo chí, UBND phường để người dân tiện bề liên hệ. Các điểm tư vấn, trợ giúp pháp lý này định kỳ một số ngày trong tuần đều có luật sư, luật gia trực hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người dân khi có nhu cầu và được chính quyền, cơ quan đoàn thể đánh giá cao, quan tâm, hỗ trợ.

Gắn bó với điểm tư vấn pháp luật tại Báo Đồng Nai hơn 10 năm qua, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh tỏ bày, đa phần người dân tìm đến điểm tư vấn pháp luật của Hội Luật gia tỉnh đặt tại Báo Đồng Nai (vào sáng thứ bảy hằng tuần) đều có hoàn cảnh khó khăn, gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý trên các lĩnh vực. Không ít người dân đến từ các xã vùng sâu, vùng xa ở các huyện: Tân Phú, Định Quán nên dù bận rộn đến mấy, tới ngày trực tại các điểm tư vấn pháp luật ông hiếm khi nào vắng mặt. Mỗi khi tư vấn cho người dân hiểu về pháp luật, biết tìm đến đúng các cơ quan chức năng và vụ việc được giải quyết rốt ráo là ông rất vui vì làm được việc có ý nghĩa.

* Niềm vui nghề nghiệp

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết trung tâm không chỉ hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người lao động mà cho cả người sử dụng lao động khi có yêu cầu. Mục tiêu của công tác này giúp người lao động hiểu rõ các quyền lợi được hưởng và giúp cho người sử dụng lao động, doanh nghiệp thực thi pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm, hợp đồng lao động... đúng pháp luật.

“Niềm vui lớn nhất của tôi sau khi bào chữa thành công cho một vụ việc người lao động bị giới chủ sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật chính là đã củng cố thêm niềm tin của công nhân, lao động vào trách nhiệm, uy tín của các tổ chức Công đoàn, nơi được công nhân, người lao động xem là điểm tựa đáng tin cậy” - luật sư Lê Tấn Tý của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn chia sẻ.

Mặc dù rất bận rộn với công việc nhưng nhiều luật sư, luật gia, trợ giúp viên pháp lý... vẫn không ngại các ngày nghỉ cuối tuần phối hợp với đoàn thể, địa phương, tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, công nhân, học sinh, sinh viên.

Liên tục nhiều năm liền, trợ giúp viên Nguyễn Minh (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh chi nhánh huyện Vĩnh Cửu) đi tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người dân vùng sâu, vùng xa. “Người dân ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa kiến thức về pháp luật còn hạn chế. Do đó, có đi cơ sở, có nghe người dân nói, mình mới giải thích, hướng dẫn cho họ làm đúng theo quy định pháp luật; biết đòi hỏi quyền lợi chính đáng, tránh bị kẻ xấu dụ dỗ, mua chuộc làm những việc trái pháp luật” - trợ giúp viên Nguyễn Minh chia sẻ.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201810/nhan-ky-niem-73-nam-ngay-truyen-thong-luat-su-viet-nam-10-10-1945-10-10-2018-dua-phap-luat-den-gan-dan-hon-2914280/