Đua ôtô ở Việt Nam

Đối với một số người, ôtô không chỉ là phương tiện di chuyển. Nó là niềm vui thú của chủ nhân, là thứ để giải tỏa căng thẳng hay thể hiện khả năng tiêu tiền.

Tôi không phải là đại gia, nhưng tôi yêu ôtô và đam mê tốc độ. Tôi cũng sở hữu cho mình những chiếc xe đủ sức làm tôi thỏa mãn với thú vui của mình.

Nhu cầu lái xe ở tốc độ cao

Không chỉ tôi, mà đối với một số người, ôtô không chỉ đơn giản là một phương tiện di chuyển. Ôtô là niềm vui thú cá nhân, là nơi người chơi khoe khả năng tiêu tiền với những chiếc xe đắt tiền, thể hiện các ý tưởng cá nhân hóa với những chiếc xe độ. Nhu cầu lái xe ở tốc độ cao có thể nói là một nhu cầu chính đáng của chủ xe.

 Nhiều người chi tiền mua những chiếc xe rất mạnh, và có nhu cầu lái xe ở tốc độ cao.

Nhiều người chi tiền mua những chiếc xe rất mạnh, và có nhu cầu lái xe ở tốc độ cao.

Ôtô liên quan mật thiết đến tốc độ. Và tốc độ luôn tiềm ẩn rủi ro tai nạn. Nhưng điều đó không ngăn được những nhà sản xuất ôtô trên thế giới làm ra những chiếc xe ngày càng nhanh hơn. Điều đó cũng không ngăn cản người Việt ngày càng mua nhiều hơn các mẫu siêu xe, xe hiệu năng cao, với giá từ vài tỷ tới vài chục tỷ đồng.

Không chỉ người giàu có, những người sở hữu xe phổ thông, cũng không ít lần muốn thử cảm giác chạy hết tốc độ trên chiếc xe của mình.

Với hệ thống giao thông hiện tại, có thể nói việc chạy nhanh trên đường phố là bất khả thi. Vậy những tín đồ của tốc độ nên làm thế nào?

Đường đua!

Tại các nước khác, đường đua không chỉ là nơi các cuộc đua diễn ra. Phần lớn thời gian các đường đua được sử dụng cho việc nhận khách trải nghiệm, tổ chức các khóa đào tạo lái xe, bao gồm từ kỹ năng lái xe an toàn đến các khóa đào tạo đua xe.

Với những đất nước có thể thao đua xe phát triển, các đường đua luôn mở cửa đón khách trải nghiệm bằng xe của chính họ, hoặc thậm chí cho thuê luôn xe để trải nghiệm.

Đường đua Đại Nam vốn được thiết kế để đua môtô.

Tại một đường đua rất nổi tiếng là Nurburgring tại Đức, bạn có thể trả khoản phí 30 EUR cho mỗi vòng chạy bằng xe của bạn, hoặc 2000 EUR cho việc thuê một chiếc xe tại đây và trải nghiệm.

Nổi tiếng với biệt danh “địa ngục xanh”, Nurburgring là nơi xảy ra rất nhiều tai nạn. Tuy nhiên so sánh với con số TNGT xảy ra trên toàn châu Âu do những xe hiệu suất cao hoặc xe thể thao gây ra, con số này hoàn toàn không đáng kể.

Tại Nhật Bản, nơi có hệ thống đường giao thông nhỏ và khó phù hợp cho những chiếc xe thể thao, đường đua được tận dụng triệt để. Các đường đua là nơi người giàu có gửi lại những chiếc siêu xe hay xe hiệu suất cao của mình. Mỗi khi rảnh rỗi, đường đua sẽ là nơi chủ xe được thỏa mãn với những pha tăng tốc dính ghế hay những màn vào cua ở tốc độ cao.

Đường đua là nơi những tay lái yêu tốc độ có thể thỏa mãn nhu cầu của họ, thông qua đó mà giảm đi tính hiếu chiến khi tham gia giao thông, cũng như có cơ hội học được phản ứng của chiếc xe khi vượt quá giới hạn.

Chạy nhanh vì vậy không chỉ là thỏa mãn thú vui tốc độ, mà còn đem đến cho người tham gia những kỹ năng cũng như kinh nghiệm cần có trong việc lái xe an toàn (kỹ năng phanh khẩn cấp, tránh chướng ngại vật khẩn cấp, hoặc làm chủ một chiếc xe mất lái).

Đường đua cho ôtô tại Việt Nam

Việt Nam không có nhiều đường đua. Ở phía nam chỉ có những đường đua được thiết kế dành cho xe máy: Happyland, 2K và Đại Nam.

Đường đua duy nhất được xây dựng phù hợp cho ôtô tại Việt Nam nằm tại Hà Nội, tới giờ vẫn chưa mở cửa.

Với các đường đua vốn dành cho xe máy với nhiều khúc cua gấp, nền đường nhỏ, vùng an toàn rất hẹp, rất khó để những chiếc ôtô có thể đảm bảo an toàn khi chạy ở tốc độ cao. Gần đây có khá nhiều tai nạn do ôtô mất kiểm soát đã xảy ra tại trường đua Đại Nam, gây ra những hư hỏng cho xe và đường đua. Toyota, Nissan hay cả Lamborghini đều trở thành nạn nhân bất đắc dĩ.

Lái ôtô trong đường đua không chỉ là tốc độ, mà còn là kỹ thuật để kiểm soát tốc độ của xe.

Tất nhiên, khó có thể đổ lỗi cho đường đua, khi nó không được xây dựng dành cho ôtô. Những người cầm lái đã chủ động mang xe vào thử tốc độ, và họ đã không làm chủ được thứ tốc độ ấy, khiến những chiếc xe trở nên mất kiểm soát và gặp nạn.

Để trải nghiệm lái xe trên đường đua, người lái cần nắm vững những kỹ năng lái xe theo kiểu đua xe thể thao. Điều này giảm thiểu nguy cơ tai nạn, cũng như duy trì được sự nhiệt huyết cho chủ xe. Và quan trọng nhất, bạn phải được trải qua những khóa đào tạo khả năng trải nghiệm xe ở tốc độ cao.

Sửa chữa những chiếc xe hiệu năng cao hay siêu xe rất tốn kém và mất nhiều thời gian, là rào cản cho việc duy trì sự có mặt thường xuyên trên đường đua.

Cần tập đi trước khi tập chạy

Trên thực tế, Việt Nam chưa có những khóa huấn luyện chính thống cho đua xe, người muốn tham gia chạy xe trên đường đua cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản.

Đua xe trên đường đua không phải đơn giản là đạp hết ga để đo tốc độ. Đua xe có thể coi là môn khoa học đòi hỏi sự tính toàn chính xác tốc độ và sự hiểu biết về khả năng của chiếc xe.

GoKart là khởi đầu của những tay đua ôtô.

Điều đầu tiên là bạn phải làm quen với địa hình của đường đua. Nên bắt đầu chạy với tốc độ chậm, sau đó tăng dần lên. Cần hết sức tránh việc ngay lập tức chạy với tốc độ nhanh dẫn đến vượt quá khả năng kiểm soát.

Các kỹ năng đua xe sẽ được trau dồi sau mỗi lần chạy, lần sau tốt hơn lần trước. Những kiến thức về khả năng phanh, qua cua, cách đạp ga… sẽ giúp người lái hiểu được những nguy cơ tiềm ẩn trên đường đua và qua đó xử lý chính xác nhất.

Với những người đam mê thật sự, việc tham gia các CLB về đua xe là cần thiết để có cơ hội trao đổi về kiến thức cũng như kinh nghiệm.

Nhu cầu lái xe ở tốc độ cao nên được thỏa mãn đúng chỗ, tốt nhất là trên đường đua, bằng những tính toán hợp lý, để có thể trải nghiệm cuộc vui lâu dài.

Vinh Nguyễn
Ảnh: Vĩnh Phúc, Dương Vũ Mạnh, Vinh Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dua-oto-o-viet-nam-post1135074.html