Đưa nước sạch về Suối Lau

Đầu năm 2020, hệ thống cấp nước sinh hoạt Suối Lau (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) được đưa vào sử dụng đã giải quyết bức xúc về nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân địa phương.

Khu vực Suối Lau có 3 thôn gồm: Suối Lau 1, Suối Lau 2 và Suối Lau 3. Đây là nơi sinh sống của hơn 550 hộ, hơn 2.530 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Raglai. Cả 3 thôn đều nằm trong danh sách thôn miền núi đặc biệt khó khăn; đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy nên thu nhập rất thấp, trong số này có đến 71 hộ không có đất sản xuất, 251 hộ thiếu đất sản xuất. Không chỉ vậy, cuộc sống của người dân khu vực Suối Lau còn thêm phần khó khăn khi nhiều năm liền ở trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

 Kiểm tra hệ thống cấp nước sinh hoạt Suối Lau.

Kiểm tra hệ thống cấp nước sinh hoạt Suối Lau.

Ông Mang Văn Trường, người dân thôn Suối Lau 1 cho biết: “Nước sinh hoạt của chúng tôi phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước từ kênh thủy lợi dẫn ra từ hồ Suối Dầu, các con suối trong vùng; mùa nắng hạn thì nước cạn khô; mùa mưa thì đục ngầu, ô nhiễm. Việc sử dụng nước chưa qua xử lý khiến nhiều người mắc các bệnh về đường tiêu hóa, sốt…”.

Để giải quyết những khó khăn về nước sinh hoạt của người dân khu vực Suối Lau, đầu năm 2019, UBND huyện Cam Lâm đã đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt Suối Lau với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình 135, với các hạng mục chính như: trạm bơm, hệ thống cấp nước thô, hệ thống xử lý nước sạch, nhà điều hành, hệ thống ống tải, đồng hồ lắp đặt đến 550 hộ. Đến tháng 1-2020, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, nước sạch được đưa đến hàng trăm hộ dân địa phương; công trình này càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh hạn hán, thiếu nước đang diễn ra khá nghiêm trọng tại xã Suối Cát.

Tuy vui mừng vì đồng hồ nước đã được lắp đặt đến tận nhà nhưng anh Mang Lợi (thôn Suối Lau 2) vẫn lo lắng: “Nước sinh hoạt hợp vệ sinh ai cũng thích dùng nhưng so với thu nhập của gia đình tôi thì giá nước khá cao (5.500 - 6.000 đồng/m3). Như gia đình tôi không có giếng khoan, giếng đào, lại ở xa hệ thống thủy lợi nên sử dụng nước khá nhiều, mỗi tháng hết hơn 35m3, tính ra tốn hơn 200.000 đồng tiền nước, khá cao so với thu nhập của gia đình”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thành Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết, theo quy định, mức thu tiền sử dụng nước áp dụng ở 3 thôn Suối Lau là 5.500 đồng/m3 đối với bậc thang từ 1 đến 10m3, mức 6.000 đồng/m3 đối với bậc thang từ 10 đến 20m3. Vừa qua, địa phương đã tiến hành thu tiền sử dụng nước của các hộ dân trong 3 tháng đầu tiên ở mức 5.000 đồng/m3, thấp hơn quy định và không áp dụng bậc thang nhưng nhiều hộ vẫn phản ánh chi phí quá cao so với thu nhập của họ. Tính toán sơ bộ, kinh phí trong 3 tháng đầu tiên thu không đủ bù chi. Để vận hành hệ thống xử lý nước này trong 3 tháng mất 48 triệu đồng (mua nước thô, tiền điện, hóa chất xử lý nước, nhân công…), trong khi tổng thu từ các hộ sử dụng nước chỉ được 22 triệu đồng.

Hiện trong số hơn 550 hộ đã được lắp đặt đồng hồ nước về đến nhà, chỉ có 200 hộ đăng ký, đang sử dụng nước từ hệ thống cấp nước sinh hoạt Suối Lau, nguyên nhân theo các hộ là tiền nước khá cao. Để hạ giá thành nước sinh hoạt, UBND xã Suối Cát kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa cấp nước thô miễn phí cho hệ thống xử lý nước Suối Lau, để người dân 3 thôn đặc biệt khó khăn ở khu vực Suối Lau có cơ hội sử dụng nước sinh hoạt với giá thấp hơn.

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202005/dua-nuoc-sach-ve-suoi-lau-8165946/