Đua nước rút với Vành đai 3

Bình Dương đang chạy nước rút với quyết tâm đến ngày 30-4-2023 khởi công xây dựng đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn tỉnh

Dự án đường Vành đai 3 TP HCM qua địa bàn tỉnh Bình Dương có tổng mức đầu tư 19.280 tỉ đồng và được chia thành 2 dự án thành phần 5 và 6. Trong đó, dự án thành phần 5 là xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương, bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi (cầu vượt sông Sài Gòn nối Bình Dương - TP HCM), trị giá 5.752 tỉ đồng; dự án thành phần 6 là bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) Vành đai 3 qua Bình Dương với tổng vốn 13.528 tỉ đồng.

Minh bạch để tạo đồng thuận

Theo Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương, thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. "Xác định đây là việc cấp thiết nên khi vừa có "hiệu lệnh", Bình Dương đã lập tức tổ chức họp dân để công bố chủ trương đầu tư dự án. Dù hiện tại vẫn còn nhiều chủ đất do ở xa nên chưa thể liên hệ được nhưng Bình Dương đã có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ bồi thường" - lãnh đạo BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thành Dũng, nhân viên Tổ Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thủ Dầu Một, cho biết qua thống kê sơ bộ, địa phương có khoảng 300 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường Vành đai 3, nhưng hiện nay, chỉ mời được 60 hộ dân lên để thông tin. "Hiện tại, chúng tôi thông qua các hộ dân liền kề, tổ trưởng dân phố liên hệ với chủ đất. Nếu hộ nào không đến, chúng tôi sẽ đăng tải lên phương tiện truyền thông để người có đất được biết và sớm liên hệ với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thủ Dầu Một cung cấp giấy tờ, hồ sơ. Từ đó, lập hồ sơ bồi thường đúng theo quy định" - ông Dũng nói. Ông cũng cho biết qua buổi họp dân, hầu hết các hộ dân đều đồng tình, ủng hộ việc thực hiện dự án đường Vành đai 3.

Nhân viên Tổ Bồi thường giải phóng mặt bằng, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thủ Dầu Một giải thích cho người dân về hướng tuyến của đường Vành đai 3

Nhân viên Tổ Bồi thường giải phóng mặt bằng, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thủ Dầu Một giải thích cho người dân về hướng tuyến của đường Vành đai 3

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Anh Vàng (ngụ tổ 3, khu phố 9, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một) cho biết khi nghe địa phương và các cơ quan chức năng thông báo đường Vành đai 3 đi qua sân nhà, vợ chồng ông vui vẻ đồng thuận. "Nếu nói không ảnh hưởng thì không đúng, vì trước đây đất đai rộng rãi, sinh hoạt thoải mái, giờ đường vào sát tới nhà, xe cộ đi lại ồn ào. Tuy nhiên, đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nên gia đình ủng hộ, chỉ đề nghị cơ quan chức năng khi phê duyệt giá đền bù, hỗ trợ cần hợp lý, đúng với giá thị trường" - ông Vàng nói. Mong muốn của ông Vàng cũng là mong muốn chung của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án khi tiếp xúc với phóng viên. Ngoài ra, những hộ bị giải tỏa trắng còn đề nghị được tái định cư sớm để ổn định cuộc sống.

Ông Võ Ngọc Sang, Phó Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương, cho hay đã lưu ý cơ quan và những đơn vị này sẽ có thông báo cụ thể với các hộ dân bị ảnh hưởng. "Chủ trương của trung ương là tới ngày 30-6-2023 phải hoàn thành GPMB ít nhất 70% và bàn giao mặt bằng còn lại trước ngày 31-12-2023. Tại Bình Dương, chủ trương của lãnh đạo tỉnh là tới ngày 30-4-2023 có thể khởi công dự án" - ông Võ Ngọc Sang nhấn mạnh.

Cắm xong ranh trong tháng 10-2022

Theo Phó Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương, ngoài việc thực hiện các đầu việc nêu trên, Bình Dương cũng đang tăng tốc cắm cọc xác định ranh GPMB, khoan thăm dò địa chất và hàng loạt đầu việc quan trọng khác.

Đối với dự án thành phần 5, hiện Bình Dương đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng các gói thầu như tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi; tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi; tư vấn giám sát công tác khảo sát; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Mới đây, ban chỉ đạo triển khai thực hiện dự án Vành đai 3 TP HCM (các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Bình Dương) đã họp thông qua phương án thiết kế các nút giao và cầu Bình Gởi thuộc dự án thành phần 5. UBND tỉnh Bình Dương cũng đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cọc (thiết kế ranh) GPMB trên địa bàn tỉnh. "Ở dự án thành phần 5, đơn vị tư vấn đang tổ chức định vị và cắm ranh, theo kế hoạch từ ngày 21 đến 31-10 sẽ bàn giao mốc GPMB ngoài thực địa cho các trung tâm phát triển quỹ đất để triển khai việc bồi thường" - ông Sang cho biết.

Đối với dự án thành phần 6, theo ông Sang, đã bàn giao ranh GPMB đợt 1 và 2 (đoạn tuyến thông thường) cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thuận An và TP Thủ Dầu Một chuẩn bị trước việc GPMB. Đơn vị tư vấn đang phối hợp BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương và các đơn vị liên quan thu thập hồ sơ, số liệu phục vụ công tác lập dự án theo quy định, dự kiến hoàn thành trong tháng 10-2022. "Đặc biệt, để đáp ứng tiến độ, BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương kiến nghị BQLDA các công trình giao thông TP HCM tiếp tục tham mưu văn bản gửi UBND TP HCM sớm chủ trì tổ chức điều tra, khảo sát, điều phối nguồn cung ứng vật liệu giữa các địa phương bảo đảm cung cấp vật liệu xây dựng theo tiến độ thực hiện cho các dự án thành phần" - ông Võ Ngọc Sang kiến nghị.

Bài và ảnh: THẢO NGUYÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/dua-nuoc-rut-voi-vanh-dai-3-20221024195121244.htm