Đua nhau tổ chức Hoa hậu nửa mùa

Công bằng mà nói, những người tổ chức các cuộc thi Hoa hậu nửa mùa không nhằm tìm kiếm cái đẹp. Họ chỉ nhân danh cái đẹp để thực hiện một thương vụ kinh tế.

Các cuộc thi Hoa hậu trong nước đang được ngành văn hóa kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Tiêu chí mỗi năm không có hai cuộc thi Hoa hậu cùng diễn ra, đã được tuân thủ thời gian qua. Tuy nhiên, danh hiệu nhan sắc là một thị trường béo bở, nên nhiều công ty giải trí đã tìm cách… ra nước ngoài tổ chức.

Chỉ cần thuê khách sạn, thuê hội trường rồi… cho thí sinh biểu diễn là có kết quả công bố ầm ĩ. Sự kiện “Đêm hội chân dài” tổ chức ở Singapore trao danh hiệu “Nữ hoàng” cho ca sĩ ĐHA là một câu chuyện dở khóc dở cười. Chỉ là dịp khoe quần khoe áo của người mẫu, mà cũng trao danh hiệu “Nữ hoàng”, chứng tỏ cơn khát tên tuổi đang trở thành một nỗi bấn loạn.

 Sự kiện “Đêm hội chân dài” tổ chức ở Singapore

Sự kiện “Đêm hội chân dài” tổ chức ở Singapore

Ca sĩ ĐHA không phải tài năng nổi trội, nhưng lại là phu nhân của một quan chức ngành tài chính. Danh hiệu “Nữ hoàng” thuộc về ca sĩ ĐHA có phải sự bình chọn vô tư không? Chắc chắn không! Khó hiểu hơn, ca sĩ ĐHA từng có danh hiệu ở hai sân chơi nhan sắc cấp… ao làng, mà vẫn nao núng có thêm một danh hiệu “Nữ hoàng” của “Đêm hội chân dài”.

Công bằng mà nói, những người tổ chức các cuộc thi Hoa hậu nửa mùa không nhằm tìm kiếm cái đẹp. Họ chỉ nhân danh cái đẹp để thực hiện một thương vụ kinh tế. Thí sinh tươi trẻ lẫn thí sinh nhăn nheo, đều phải nộp một khoản chi phí từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng, nếu muốn tham dự cuộc thi diễn ra ở khách sạn 5 sao và nhận được một giải thưởng gì đó. Rõ ràng là một cuộc mua bán danh hiệu, nhưng không ai thấy xấu hổ, không ai thấy ngượng ngùng.

Ở trong nước, không được phép tổ chức Hoa hậu thì tổ chức Hoa khôi hoặc tìm một cái nhãn mác cho hợp lệ. Không được Hoa hậu Áo dài thì thành Hoa khôi Áo dài, không được Hoa hậu Quý bà VN thì thành Người mẫu Quý bà VN. Tóm lại, tất cả đều chắp vá và tạm bợ. Sự nghiệp dư ở các cuộc thi nhan sắc thể hiện ngay ở những người đăng cai lẫn ban giám khảo. Vậy mà cái danh hiệu nào cũng thánh thót, cái danh hiệu nào cũng khoa trương.

Mới đây, cuộc thi “Nữ hoàng Tài năng và Sắc đẹp 2019” đã bị các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên yêu cầu dừng đêm chung kết, bởi không có giấy phép từ Cục Nghệ thuật biểu diễn. Tương tự, lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mấy tháng trước cũng từng ra quyết định dừng cuộc thi “Duyên dáng doanh nhân 2018” vì thi chui.

Vấn đề nan giải hiện nay là các công ty giải trí đưa thí sinh ra nước ngoài để… ban phát danh hiệu. Chính đơn vị bị cấm tổ chức “Duyên dáng Doanh nhân 2018” đã qua Pháp để tổ chức “Hoa hậu Phụ nữ toàn cầu” với trống kèn hoành tráng, còn đơn vị bị cấm “Nữ hoàng Tài năng và Sắc đẹp 2019” lại tiếp tục chiêu nạp thí sinh để tổ chức “Hoa hậu và Nam vương châu Á 2019” tại Hồng Kong.

Vì vậy, không ai dám đoán, sự lạm phát danh hiệu nhan sắc sẽ còn gây nhiễu nhương cho đời sống văn hóa đến bao giờ. Sự gặp gỡ giữa kẻ hám lợi và kẻ hám danh, thật đáng ái ngại!

TUY HÒA

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dua-nhau-to-chuc-hoa-hau-nua-mua-post238516.html