Đua nhau phát triển xe tự lái để làm gì?

Thế giới đang 'sôi' lên với xe tự lái khi các hãng công nghệ, ô tô lớn nhất đua nhau phát triển và thử nghiệm loại xe này. Nhưng sao không là máy bay tự lái luôn đi?

Taxi bay của Uber.

Bell, nhà sản xuất trực thăng Mỹ, đang thực hiện một dự án lớn, kết hợp ba công nghệ trong một: máy bay, tự lái và ứng dụng gọi xe, để phát triển taxi tự lái trên không. Dự tính của Bell là taxi tự lái sẽ góp phần giảm tải giao thông cho các thành phố lớn như Bangalore (Ấn Độ) và Jakarta (Indonesia) vào năm 2025.

“Với các thành phố chật cứng như Bangalore thì một bước lên không luôn, chứ làm gì còn không gian để phát triển hệ thống đường xá”, ông Scott Drennan giám đốc sáng tạo của Bell phát biểu trên tờ Nikkei. Theo Drennan và nhiều chuyên gia, vận hành dịch vụ taxi tự lái trên không dễ hơn dưới đất vì ít gặp chướng ngại vật hơn, và không có người bộ hành.

Tháng 3 năm nay, một xe tự lái của Uber đâm chết một người đi bộ ở bang Arizona (Mỹ) khi đang thử nghiệm. Cùng tháng, một xe bán tự lái của Tesla đâm vào rào chắn đường cao tốc ở bang California, làm tài xế ngồi trên xe bị thương.

Các động cơ chạy điện sẽ khiến taxi tự lái trên không bay với mức ồn thấp nhất trong khu dân cư đông đúc trong khi công nghệ tự lái giảm thiểu rủi ro tai nạn gây ra bởi tài xế. Bell, hãng sản xuất máy bay quân sự danh tiếng, chưa tiết lộ mẫu taxi trên không chính thức của họ, nhưng các chuyên gia dự đoán nó sẽ chạy bằng pin, lên xuống thẳng đứng như trực thăng và chở đến 4-5 hành khách.

Taxi trên không sẽ thích hợp với các ứng dụng gọi xe như Uber, Didi Chuxing. Khách hàng hiện thời của họ sẽ đặt xe qua smartphone, vào bến đợi xe là các bãi đỗ trên sân thượng các tòa nhà có sẵn. Với các siêu đô thị như Jakarta, Bangalore, sẽ đỡ tốn chi phí xây dựng cầu đường, đường sắt, đường ngầm...

Các công ty bán lẻ cũng đang hứng thú với các dự án chuyển hàng bằng taxi trên không. JD.com, công ty thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc đang có dự án phát triển hình thức này thay cho hệ thống xe tải.

“Chúng tôi có cơ hội làm ăn rất lớn với các công ty thương mại điện tử ở châu Á”, ông Drennan nói.

Châu Á - Thái Bình Dương đang là thị trường phát triển mạnh nhất của Bell, với đà tăng trưởng nhu cầu về các chuyến bay thương mại ở Trung Quốc tăng hàng năm 15%. Trong 8.200 chiếc trực thăng của Bell hoạt động trên toàn cầu, châu Á chiếm 1.260 chiếc.

Để thực hiện tham vọng taxi trên không, áp lực sản xuất hàng loạt là rất lớn. Bell đang tìm kiếm sự hợp tác từ các đối tác Honda, Subaru, những hãng sản xuất cả xe hơi và máy bay. Taxi trên không là quyết tâm hàng đầu của Mitch Snyder, tổng giám đốc Bell. Hãng này chưa tiết lộ số vốn đầu tư vào dự án, nhưng Drennan cho biết đội ngũ thực hiện dự án của ông sẽ tăng từ 65 người lên gấp đôi vào cuối năm nay.

Chính Phong

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/274274/dua-nhau-phat-trien-xe-tu-lai-de-lam-gi.html