Đua nhau 'chặt chân núi' thì núi sao đứng vững?

Thời gian vừa qua, cứ mưa là xảy ra sụt, trượt trên địa bàn các tỉnh miền núi. Nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, vùi lấp nhà cửa, tài sản, tính mạng của người dân.

Sạt lở gây nguy hiểm cho nhà dân tại xã Trung Sơn, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa ngày 29.8. Ảnh: M.C

Ngay hôm qua và hôm nay, nhiều nơi cũng xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng: Sáng 29.8, tại Quốc lộ 279, đoạn dốc Cao Pha thuộc xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã xảy ra một vụ sạt lở đất khiến tuyến đường bị ách tắc nghiêm trọng; cùng ngày tại Thanh Hóa xảy ra sạt lở ở xã Trung Sơn và Thanh Sơn của huyện miền núi Quan Hóa khiến ít nhất 2 nhà dân và nhiều phòng học của trường mầm non bị sập, nhiều nhà dân bị đất đá ngập hơn nửa nhà, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào…

Chỉ cần gõ từ khóa “sạt lở đất” trên công cụ tìm kiếm sẽ ra hàng loạt các vụ việc nghiêm trọng nối tiếp nhau.

Có nhiều cách lý giải khác nhau sau những tang thương, mất mát này. Hiển nhiên ban đầu là do trời mưa to. Tiếp theo là do rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ bị con người tàn sát quá nhanh khiến không thể giữ được lớp thực bì, rồi do bà con phát nương làm rẫy khiến đất tơi xốp, dễ rửa trôi…

Tuy nhiên, có nguyên nhân ít người nhắc đến là do chính con người đã “chặt chân” các quả đồi, trái núi để làm đường, làm nhà.

Thiên nhiên có thù oán gì với con người mà ít khi xảy ra sụt trượt ở các quả đồi, trái núi còn nguyên vẹn, không bị “chặt chân” mà cứ nhằm những nơi có dân cư sinh sống hoặc đường lớn đi qua để gây sạt lở?

Trước hết là ở những con đường. Rất nhiều nơi, chúng ta mở đường lớn giao thương, phát triển kinh tế miền núi và khi thi công, nhiều quả núi, ngọn đồi bị máy múc, máy ủi và cả mìn, khoan phá hẳn chân núi. Sau đó có làm các gờ hoặc ốp đá taluy dương. Vậy nhưng, hầu hết đều rất sơ sài, khó đảm bảo ngăn chặn được sạt lở.

Đường mở ra, nhiều người dân nhạy bén đã nhanh chóng bám mặt đường, thuê máy múc múc chân núi để làm nhà. Khi múc, trời nắng, đất đá hãy còn nguyên khối, nhưng qua một thời gian, sức nặng từ phần trên đè xuống, thêm phần nước ngầm chảy khiến chân lớp thực bì bị lỏng ra và tất nhiên sẽ trụt xuống theo lẽ tự nhiên.

Văn hóa nhà ở của đồng bào miền núi từ xưa là ở nhà sàn. Nhà sàn với những cây cột to, khỏe, cao vừa đảm bảo tránh thú dữ vừa tránh những vụ sạt lở. Vậy nhưng những năm gần đây, nhiều nơi có “phong trào” làm nhà theo kiểu của những người ở đồng bằng, đó là làm nhà bê tông, mái bằng hoặc nhà cao tầng,…

Với cách cố tình “chặt chân” các quả núi thì núi cũng phải quỵ xuống. Rõ ràng, vì cái tiện, cái lợi trước mắt, chúng ta đã tự gây hiểm họa cho chính mình. Con người chỉ là một thực thể của thiên nhiên, chúng ta sống hòa vào thiên nhiên và cần phải biết tôn trọng thiên nhiên. Chúng ta đua nhau chặt chân núi thì núi sao đứng vững?

Xuân Hùng

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/dua-nhau-chat-chan-nui-thi-nui-sao-dung-vung-628251.ldo