Đưa nghệ thuật sơn mài thành thương hiệu cấp quốc gia

Có lịch sử phát triển lâu đời, nghệ thuật sơn mài Việt Nam gắn liền với sự hình thành của nhiều làng nghề nổi tiếng như Hạ Thái (Hà Nội), Cát Đằng (Nam Định), Tương Bình Hiệp (Bình Dương)… Đến nay, sản phẩm từ nhiều làng nghề truyền thống đã được xuất khẩu ra nước ngoài.

Thành tựu của sơn mài, đặc biệt là sơn ta đã nổi tiếng trên thế giới. Không ít ý kiến cho rằng, cần đưa nghệ thuật sơn mài thành thương hiệu của quốc gia. Điều này có cơ hội trở thành hiện thực khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa chính phê duyệt đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”.

Theo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, nghề Sơn là một nghề cổ truyền của Việt Nam có lịch sử phát triển lâu dài từ thời kỳ Văn hóa Đông Sơn đến nay và gắn liền với sự hình thành của nhiều làng nghề nổi tiếng. Từ thế kỷ XV-XVI, sơn mài đã đạt được những thành tựu nhất định trong kỹ thuật pha chế sơn, trong đó sơn ta là nguyên liệu chính để làm nên độ bền đẹp cho tác phẩm nghệ thuật, bên cạnh các loại nguyên vật liệu khác như cốt, phụ gia, màu sắc, nguyên liệu (vàng, bạc quỳ) và kỹ thuật thực hiện.

Sơn ta trồng ở các vùng trung du phía Bắc nước ta, tập trung ở Phú Thọ, nơi có kinh nghiệm nhiều năm ươm trồng và khai thác chất lượng nhựa tốt nhất. Sơn ta được người Việt sử dụng làm chất gắn kết các đồ vật bằng tre, gỗ, giấy, vải,… trang trí kiến trúc, trang trí bề mặt các đồ vật, vừa làm tăng độ bền vừa làm tăng giá trị thẩm mỹ cho sản phẩm.

Sản phẩm sơn mài ngày càng phổ dụng trong đời sống hiện nay.

Sản phẩm sơn mài ngày càng phổ dụng trong đời sống hiện nay.

Chất liệu sơn ta được sử dụng cho tất cả các sản phẩm mỹ nghệ, trong cuộc sống dân gian đến cung đình, trong quá trình giao thương và trao đổi hàng hóa thủ công mỹ nghệ với các quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á hoặc các quốc gia phương Tây khác thông qua các thương cảng ở Việt Nam vào thế kỷ XVI, XVII… Sự ra đời của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925, đã đánh dấu sự ra đời của tranh sơn mài Việt Nam thông qua những bài học trường quy về việc thể nghiệm bài học phương Tây trên nền chất liệu sơn ta truyền thống vào những năm 30 của thế kỷ XX.

Việc xây dựng đề án “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” là điều cần thiết dựa trên cơ sở nền tảng truyền thống lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Theo đề án, để xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”, từ năm 2020 đến năm 2030 sẽ khảo sát các làng nghề, hoạt động sáng tác, thị trường tiêu thụ sản phẩm để nhận diện thương hiệu.

Đề án cũng đồng thời xây dựng những tiêu chí, quy chuẩn về chất liệu, kỹ thuật, quy trình chế tác sản phẩm, tác phẩm sơn mài Việt Nam đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia; xây dựng, quản lý, phổ biến, sử dụng logo nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”.

Bên cạnh việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nghệ thuật sơn mài cho nghệ sĩ, nghệ nhân, thợ thủ công mỹ nghệ và hỗ trợ vùng trồng cây sơn và các làng nghề sản xuất nguyên vật liệu thì nguồn nhân lực cho lĩnh vực này sẽ được quan tâm đầu tư hơn… Đặc biệt, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Liên hoan Nghệ thuật Sơn mài quốc tế tại Việt Nam 2 năm/lần, với sự tham gia của các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam...

Mô hình phát triển vùng trồng cây sơn ở Phú Thọ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ ơn mài ở làng nghề Hạ Thái, (Hà Nội), Tương Bình Hiệp (Bình Dương), làng nghề sản xuất vàng quỳ, bạc quỳ ở Bắc Ninh… sẽ được giới thiệu, quảng bá rộng rãi ở trong và ngoài nước.

N.Hy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/dua-nghe-thuat-son-mai-thanh-thuong-hieu-cap-quoc-gia-626275/