Đưa logistics lên tầm cao mới - Kỳ I: 'Kim chỉ nam' cho tăng trưởng

Là 'mạch máu' lưu thông của cả nền kinh tế, đồng thời là cầu nối thương mại giữa thị trường trong nước với toàn cầu, hiện nay, ngành logistics Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như điều kiện phát triển để đưa Việt Nam trở thành một trung tâm logistics của ASEAN.

Nhiều lợi thế phát triển

Trực tiếp dẫn chúng tôi đi khảo sát các trung tâm logistics ở khu vực phía Bắc, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, nằm ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trên tuyến hàng hải quốc tế, Việt Nam là quốc gia có điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics. Đối với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng nằm ở vị trí trung tâm. Nếu lấy TP.Hồ Chí Minh làm tâm, vẽ một vòng tròn thì gần như toàn bộ khu vực nằm trọn trong vòng tròn ấy.

Ngành dịch vụ logistics Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh

Ngành dịch vụ logistics Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh

Bên cạnh đó, với bờ biển dài khoảng 3.260 km trải dài từ Bắc đến Nam, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa hàng hóa xuất nhập khẩu đến với thế giới. Không chỉ hàng hóa của chính mình sản xuất, Việt Nam cũng là điểm đến lý tưởng để tiến hành các hoạt động trung chuyển như quá cảnh, tạm nhập tái xuất… Cùng với tiến trình mở cửa và hội nhập, lượng hàng hóa sản xuất, lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu những năm qua tăng trưởng mạnh mẽ, là tiền đề thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics.

Logistics đang trở thành ngành dịch vụ quan trọng của hoạt động thương mại quốc tế và thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng kinh tế.“Trong thời gian qua, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có bước phát triển nhanh và mạnh với tốc độ phát triển lên đến 13 - 15%. Đây là một trong những ngành có tiềm năng rất lớn và có vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ các ngành kinh tế, các ngành sản xuất khác nhau và hoạt động thương mại xuất nhập khẩu” - ông Trần Thanh Hải khẳng định.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam cho hay, theo báo cáo điều tra về chỉ số hoạt động logistics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng thế giới (WB) công bố, Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước điều tra, tăng 25 bậc so với xếp hạng 64 năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi WB thực hiện việc xếp hạng LPI kể từ năm 2007 đến nay.

“Hiện Việt Nam đang phấn đấu tiếp tục tăng lên 5 - 10 bậc, tức là ở thứ hạng 30, ngang bằng với các nước phát triển” - ông Nguyễn Tương nói và nhận định, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với những ưu đãi thuế quan sẽ thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng và khi đó sản xuất sẽ tăng và tạo ra nguồn hàng lớn. Đây chính là cơ hội “vàng” cho ngành logistics Việt Nam tăng trưởng và ngược lại logistics phát triển sẽ là đòn bẩy cho xuất nhập khẩu.

Cú hích để bứt phá

Lý giải về yếu tố tạo nên sự thay đổi lớn của ngành logistics trong thời gian qua, ông Trần Thanh Hải cho rằng, nếu cách đây, 3, 4 năm chúng ta còn ít nghe tới câu chuyện logistics nhưng hiện nay, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm đến vấn đề này và đã thể hiện thành các văn bản pháp luật. Nổi bật, ngày 14/2/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 200/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, đã mang lại “luồng gió” mới cho sự phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Logistics phát triển sẽ là đòn bẩy cho xuất nhập khẩu

Quyết định 200/QĐ-TTg đã xác định mục tiêu rất rõ ràng, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Theo đó, tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước, đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics của khu vực…

Nhờ xây dựng Kế hoạch hành động đã giúp chỉ ra những công việc cấp bách cần triển khai để khắc phục các bất cập, điểm yếu, tạo định hướng phát triển đúng đắn, hỗ trợ các DN dịch vụ logistics phát triển trên cơ sở hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, tạo mối liên kết giữa DN dịch vụ logistics với DN sản xuất và thương mại. “Một kế hoạch hành động bám sát thực tế, có mục tiêu cụ thể và được triển khai nghiêm túc sẽ không chỉ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian tới mà còn giúp cho ngành logistics phát triển bền vững” - ông Trần Thanh Hải nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tương đánh giá, Quyết định số 200/QĐ-TTg là “kim chỉ nam” cho ngành dịch vụ logistics phát triển từ nay đến 2025. Sau khi có Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động từ các cơ quan của Chính phủ, tới các bộ, ngành, xuống đến các DN. Đây là động lực lớn nhất giúp ngành logistics có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian qua, bởi từ động lực này đã kéo theo các chính sách tạo điều kiện phát triển; đầu tư kết cấu hạ tầng; cải cách thủ tục hải quan theo hướng rút ngắn thời gian làm thủ tục và tăng khả năng số hóa; đào tạo nguồn nhân lực; áp dụng khoa học và công nghệ…

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ chia sẻ, Hải Phòng đã triển khai mạnh mẽ và quyết liệt việc thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cải cách triệt để công tác hành chính, các thủ tục thông quan hàng hóa. Bên cạnh đó, về mặt hạ tầng, Hải Phòng đã đầu tư rất mạnh mẽ hệ thống đường giao thông, cầu cảng và kết nối các cảng, các trung tâm logistics với nhau. Đây là một điều kiện rất tốt để Hải Phòng trở thành một trung tâm logistics hàng hải lớn của Việt Nam.

Quyết định số 200/QĐ-TTg đưa ra quan điểm: Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.

Kỳ II: "Đón sóng" đầu tư

Quỳnh Nga - Cấn Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dua-logistics-len-tam-cao-moi-ky-i-kim-chi-nam-cho-tang-truong-120421.html