Đưa kiến thức phòng chống dịch COVID-19 đến cộng đồng

Để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, các ban, ngành địa phương đã đồng hành cùng các tổ chức quốc tế tích cực đẩy mạnh hoạt động truyền thông. Tại TP Cần Thơ, phi dự án 'Tăng cường truyền thông và gắn kết cộng đồng trong phòng ngừa rủi ro dịch bệnh COVID-19' do tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế tại Việt Nam (SCI) tài trợ, đã mang lại những hiệu quả tích cực.

Đại diện tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế tại Việt Nam (SCI) và lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ trao khoản viện trợ cho lãnh đạo 2 xã Thới Đông và Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ).

Đại diện tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế tại Việt Nam (SCI) và lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ trao khoản viện trợ cho lãnh đạo 2 xã Thới Đông và Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ).

Xã Thới Ðông, huyện Cờ Ðỏ là một trong những địa phương được chọn thực hiện phi dự án “Tăng cường truyền thông và gắn kết cộng đồng trong phòng ngừa rủi ro dịch bệnh COVID-19”. Là xã vùng ven của TP Cần Thơ, Thới Ðông hiện có 10 hộ nghèo và 80 hộ cận nghèo. Trên địa bàn xã có 2 điểm trường tiểu học, 2 điểm trường mầm non với trên 1.000 học sinh. Theo ông Võ Thuận Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Ðông, phi dự án tập trung vào các mục tiêu cụ thể: tập huấn nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ địa phương; truyền thông đến tận các hộ gia đình về biện pháp phòng ngừa COVID-19; cung cấp một số thiết bị truyền thanh cho cộng đồng (loa di động, loa cầm tay) để tăng cường hiệu quả các hoạt động truyền thông;…

Ông Võ Thuận Minh Tâm cho biết: “Qua thời gian thực hiện phi dự án, UBND xã Thới Ðông đã phối hợp tổ chức được 2 cuộc tập huấn những kiến thức cơ bản và kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi cho cán bộ địa phương; truyền thông 40 cuộc tại 8 ấp thu hút hơn 1.200 người tham dự; thăm 44 hộ gia đình; phát thanh thông tin cơ bản về phòng, chống dịch bệnh trên loa truyền thanh xã 3 cuộc với thời lượng 15 phút/cuộc. Bên cạnh đó, phi dự án cũng đã hỗ trợ nhiều trang thiết bị: 5 loa cầm tay, 3 loa di động, 8 máy đo thân nhiệt, 20 USB chứa dữ liệu, lắp đặt 7 cụm loa truyền thanh ở các ấp…”.

Hướng đến mục tiêu cung cấp, hướng dẫn, thông tin phòng ngừa dịch bệnh đến các nhóm dễ bị tổn thương nhất, trên địa bàn xã Thới Ðông, tất cả 4 điểm trường học đều được tổ chức các chương trình truyền thông xoay quanh nội dung khuyến cáo những việc học sinh cần làm tại nhà và việc cần làm tại trường hằng ngày. Cô Phan Kim Lẹ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thới Ðông 2, chia sẻ: “Trường chúng tôi có 7 phòng học với trên 200 trẻ. Trong quá trình thực hiện phi dự án, địa phương đã tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên tham gia các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng tuyên truyền; đồng thời, trang bị các cơ sở vật chất thiết yếu trong việc phòng bệnh. Ðể thực hiện tốt công tác truyền thông, vào giờ phụ huynh đưa đón trẻ, nhà trường đều tuyên truyền phòng dịch trên loa phát thanh nội bộ; hướng dẫn phụ huynh chỉ đưa trẻ đến cổng trường, không đưa vào tận phòng lớp và mỗi học sinh đến trường đều được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Ðáng mừng nhất chính là qua hơn 1 tháng triển khai, phụ huynh đều rất đồng tình, các trẻ từ 3 tuổi đều có được kỹ năng tự đeo khẩu trang và thường xuyên vệ sinh tay chân sạch sẽ…”.

Cùng với việc tuyên truyền đến đối tượng học sinh, phi dự án “Tăng cường truyền thông và gắn kết cộng đồng trong phòng ngừa rủi ro dịch bệnh COVID-19” còn đặc biệt dành sự quan tâm cho đồng bào dân tộc Khmer. Ông Ðỗ Xuân Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Xuân, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: “Xã có 1.716 hộ dân; trong đó, hộ dân tộc Khmer chiếm 31,4%. Khó khăn của xã chính là một bộ phận người dân không thông thạo tiếng Việt. Chúng tôi đã phối hợp với phi dự án tổ chức 3 lớp tập huấn cho cán bộ xã, ấp, giáo viên các trường và các tuyên truyền viên về kỹ năng thuyết trình. Ðồng thời, lựa chọn những tuyên truyền viên là người dân tộc để việc thông tin đạt hiệu quả cao hơn”. Cũng theo ông Phúc, hiện nay, hệ thống loa phát thanh trên địa bàn đã xuống cấp, hư hỏng. Ðể hỗ trợ công tác truyền thông, phi dự án đã lắp đặt 8 cụm loa phát thanh trên địa bàn các ấp.

Theo bà Lê Thụy Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế đã có nhiều hoạt động, dự án về các chương trình y tế và dinh dưỡng, bảo vệ trẻ em,… Phi dự án “Tăng cường truyền thông và gắn kết cộng đồng trong phòng ngừa rủi ro dịch bệnh COVID-19” được triển khai thực hiện từ tháng 5-2020 với tổng giá trị trên 1,4 tỉ đồng, do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ phối hợp Hội Chữ thập đỏ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố triển khai thực hiện tại 2 xã Thới Xuân và Thới Ðông. Hoạt động của phi dự án diễn ra sôi nổi, nhất là các hoạt động tuyên truyền đến cộng đồng. Cụ thể, phi dự án đã tổ chức được 87 cuộc truyền thông tập trung và thăm, tiếp cận 3.352 hộ gia đình; tổ chức 4 lớp tập huấn dành cho nhân viên y tế, cán bộ ấp và giáo viên; tổ chức chiến dịch truyền thông đến 2.358 học sinh của 8 điểm trường học trên địa bàn xã Thới Xuân và Thới Ðông. Phi dự án cũng đã tài trợ và lắp đặt 15 cụm loa phát thanh mới (mỗi cụm loa gồm 2 loa phát thanh) để phát bản tin tuyên truyền phòng chống dịch bệnh COVID-19 mỗi ngày 2 lần theo khung giờ phát sóng được quy định tại mỗi xã; thời lượng phát sóng từ 10-15 phút/lần. Ngoài ra, phi dự án cũng đã tài trợ 2.600 poster truyền thông, 7.000 khẩu trang y tế, 6.000 khẩu trang vải kháng khuẩn, 16 máy đo thân nhiệt và nhiều trang thiết bị khác...

“Chỉ trong thời gian ngắn (từ ngày 11/5-30/9/2020), phi dự án đã diễn ra theo đúng tiến độ, đạt 98% so với kế hoạch đề ra. Thông qua nhiều hoạt động mang lợi ích thiết thực đến cộng đồng, phi dự án đã góp phần tích cực cùng TP Cần Thơ đẩy lùi những rủi ro dịch bệnh, truyền tải thông điệp với cộng đồng về COVID-19” - bà Lê Thụy Ngọc Lan khẳng định.

Bài, ảnh: KIẾN QUỐC

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/dua-kien-thuc-phong-chong-dich-covid-19-den-cong-dong-a126504.html