Đưa kịch phương Tây lên sân khấu Việt Nam

Sau những 'phép thử' táo bạo mang về nhiều thành công cho hai vở kịch Quẫn (tác giả Lộng Chương) và Cơn ghen của Lọ Lem (tác giả Mô-li-e); những ngày cận Tết, đạo diễn, NSƯT Trần Lực cùng đoàn kịch Lucteam tiếp tục mang đến bất ngờ cho công chúng, khi lần đầu công diễn một tác phẩm kịch phi lý mang tên Nữ ca sĩ hói đầu trên sân khấu Việt Nam.

Một cảnh trong vở diễn Nữ ca sĩ hói đầu.

Một cảnh trong vở diễn Nữ ca sĩ hói đầu.

Sau những “phép thử” táo bạo mang về nhiều thành công cho hai vở kịch Quẫn (tác giả Lộng Chương) và Cơn ghen của Lọ Lem (tác giả Mô-li-e); những ngày cận Tết, đạo diễn, NSƯT Trần Lực cùng đoàn kịch Lucteam tiếp tục mang đến bất ngờ cho công chúng, khi lần đầu công diễn một tác phẩm kịch phi lý mang tên Nữ ca sĩ hói đầu trên sân khấu Việt Nam.

Nữ ca sĩ hói đầu là kiệt tác đầu tay của nhà viết kịch đại tài người Pháp gốc Ru-ma-ni E.I-ô-nét-xcô. Ðược công diễn lần đầu tại Pa-ri vào tháng 5-1950, vở diễn nhanh chóng gây tiếng vang và trở thành tác phẩm mở đầu trào lưu kịch phi lý - một hình thức kịch phi truyền thống được trình bày theo lối hài kịch - nghịch dị của phương Tây hiện đại. 90 phút của vở diễn kéo dài bởi những câu chuyện mà dường như không phải là chuyện, chẳng đầu chẳng cuối, rời rạc, không ăn nhập, diễn ra trong một gia đình trưởng giả ở nước Anh - nơi những thành viên trong gia đình say sưa tranh luận tưởng là về cùng một vấn đề nhưng lại "ông nói gà, bà nói vịt"; nơi cặp đôi già tâm sự về những chi tiết nhỏ nhặt nhất trên hành trình gặp nhau nhưng rốt cuộc chẳng nhận ra nhau; nơi người ta nói những câu chuyện siêu ngớ ngẩn mở đầu bằng con bò nhưng kết thúc là con chó... Nhưng đằng sau những đoạn đối thoại nhạt nhẽo, lúc mâu thuẫn, lúc vô nghĩa, người ta nhận ra hàm ý giễu cợt của tác giả đối với khả năng sử dụng ngôn ngữ trong thể hiện tư duy và xa hơn là ý muốn phản ánh sự nhỏ bé đến vô nghĩa của thân phận con người. Ðan xen vào đó là những yếu tố hài hước khiến người xem phải bật cười để rồi sau đó ngẫm ngợi, day dứt…

Có nhiều tác phẩm văn học kịch phi lý phương Tây đã được dịch sang tiếng Việt, song lâu nay loại hình này vốn mới chỉ quen thuộc về mặt lý thuyết đối với giới kịch nghệ. Còn với công chúng Việt Nam, đây vẫn là món ăn lạ bởi tính phi cốt truyện, phi xung đột và phi tính cách của thể loại trái ngược hẳn với kịch truyền thống và khác xa với thói quen thưởng thức sân khấu của khán giả Việt Nam. Vì thế, không ít người cho rằng, Lucteam đã mạo hiểm khi đưa kịch phi lý phương Tây lên sân khấu Việt Nam để dàn dựng. Song đạo diễn, NSƯT Trần Lực khẳng định, anh và các nghệ sĩ trẻ của Lucteam rất tự tin. Bởi anh cho rằng, kịch phi lý tưởng chừng xa lạ nhưng cũng không khác những dòng kịch khác, có chăng chỉ khác về hình thức thể hiện, còn cốt lõi vẫn là chuyển tải những vấn đề nhân văn trong cuộc sống… Cũng bởi sự tự tin ấy mà một vở kịch phương Tây ra đời cách đây gần 70 năm đã bước lên sân khấu Việt khá tự nhiên. Nhà biên kịch Ðỗ Trí Hùng, người biên tập kịch bản cho vở diễn chia sẻ: Khi tiếp cận kịch bản gốc, gần như không phải chỉnh sửa nhiều những lời thoại bởi vốn dĩ đã dễ hiểu, dù chẳng ăn nhập với nhau. Mặc dù vậy, ê-kíp thực hiện vẫn khéo léo gắn vào đó những yếu tố quen thuộc để tăng tính gần gũi với công chúng Việt Nam và dễ thu hút sự chú ý của đối tượng khán giả trẻ như tên gameshow "Vì yêu mà đến", lời bài hát "Khi hai ta về một nhà"; hoặc điệu dân ca khẽ cất lên cuối vở kịch; hay từ khóa về những câu chuyện thời sự được chú ý ở nước ta thời gian qua…

Tuy nhiên, nỗ lực Việt hóa lớn nhất phải kể đến việc đạo diễn Trần Lực đã thể hiện tác phẩm kịch nói phương Tây bằng ngôn ngữ ước lệ biểu hiện của phương Ðông - thứ ngôn ngữ xuất phát từ những bộ môn nghệ thuật dân tộc vốn rất gần gũi với khán giả Việt Nam. Ước lệ biểu hiện nghiêng về tả ý hơn tả thực nên tất cả đều được tối giản hết mức có thể. Vở diễn chỉ gồm tám diễn viên nhưng được tiết giảm tối đa các động tác. Ðạo cụ diễn xuất gần như không được huy động. Thiết kế sân khấu đơn giản, chỉ là bức tường ba vách mầu xám, trên tường có duy nhất chiếc đồng hồ mầu trắng và bên dưới là cánh cửa. Cách hóa trang, phục trang của nhân vật cũng mang tính đồng phục với mầu xám nhạt nêu bật tinh thần phi lý của tác phẩm. Sử dụng những yếu tố tối giản chính là cách để vở kịch thu hút sự chú ý của người xem vào diễn xuất của nhân vật, thông qua ánh mắt, nét mặt, cách nhả chữ, khả năng giải phóng cơ thể, cách lôi cuốn khán giả vào câu chuyện của diễn viên. Ðây là thách thức đối với những nghệ sĩ trẻ của Lucteam, nhưng cũng là cách để họ nhanh chóng trưởng thành, nâng cao năng lực diễn xuất.

Được biết, toàn bộ diễn viên tham gia vở diễn đều là học trò của NSƯT Trần Lực, trong đó có những người đã tốt nghiệp, có những người vẫn đang là sinh viên năm thứ ba, thứ tư tại Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội. Vì thế, cách diễn của họ có thể chưa chuyển tải được hết phong thái trưởng giả của nhân vật. Hơn nữa, việc tiếp cận một loại hình quá mới là kịch phi lý cũng có thể khiến nhiều khán giả Việt Nam chưa thể làm quen dễ dàng. Song không thể phủ nhận Nữ ca sĩ hói đầu của Lucteam đã khiến tư duy tiếp cận sân khấu kịch nói của khán giả được vận động theo một cách mới mà ở đó, có thể cảm nhận rõ sức trẻ, sự tươi mới và nhiệt huyết, nỗ lực để mang tới luồng sinh khí mới cho sân khấu Việt Nam vốn đang trầm lắng. Ðây cũng là tác phẩm dự kiến được Lucteam mang đi tham dự Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ tư, sẽ diễn ra tại Hà Nội trong năm 2019.

HỒNG TRANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/39166102-dua-kich-phuong-tay-len-san-khau-viet-nam.html