Đưa kịch lên phim: Thành ít, bại nhiều!

Nhiều vở kịch danh tiếng, có đời sống riêng trên sân khấu nhưng khi được chuyển thể thành phim thì không như kỳ vọng

Sau phim "Thần tiên cũng nổi điên" từng khiến khán giả "nổi điên" khi xem vì đậm chất sân khấu, màn ảnh Việt lại có thêm tác phẩm phim chuyển thể từ kịch gây thất vọng mang tên "Yêu nữ siêu quậy". Thời gian qua, nhiều tác phẩm kịch đã được chuyển thể lên màn ảnh rộng để giải quyết vấn đề thiếu kịch bản hay cho phim nhưng thành công không đáng kể.

Phim đậm chất kịch

"Yêu nữ siêu quậy" được chuyển thể từ vở kịch "Ma nữ si tình" rất ăn khách của Sân khấu Kịch Thế Giới Trẻ. Vở kịch này không ít lần "cháy vé", được khán giả yêu thích vì yếu tố hài hước xen lẫn những giá trị nhân văn. Nội dung "Yêu nữ siêu quậy" kể lại câu chuyện về một cô gái trẻ cứu người mà bị xe tông chết, cô ra đi đột ngột nên cầu xin 3 "thần chết tập sự" cho phép được gặp lại người cô thầm thương để thổ lộ. Khi được đạo diễn Ngọc Hùng cùng dàn diễn viên kịch đưa tác phẩm này lên màn ảnh rộng, phim lại lộn xộn, thiếu liên kết, mạch vụn, chẳng khiến khán giả cười nổi. Phim mang đến sự thất vọng lớn cho khán giả với cảm tưởng họ được xem một tác phẩm nửa kịch nửa truyền hình trong rạp. Ngoại trừ Diệu Nhi diễn tương đối tốt, còn lại dàn diễn viên phim đều quá nặng sân khấu.

Cảnh trong phim "Yêu nữ siêu quậy". (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Trước đó, vở "Thần tiên cũng nổi điên", cũng của Sân khấu Kịch Thế Giới Trẻ, có đến 1.000 suất diễn, kéo dài suốt 2 năm nhưng khi đưa lên màn ảnh, nó không khác gì kịch có ngoại cảnh, được thu hình. Tính đến nay, qua hàng loạt tác phẩm kịch chuyển thể thành phim được đưa ra trình chiếu tại các rạp, chỉ có "Quả tim máu" được đánh giá cao về mặt ngôn ngữ điện ảnh. Phim "Xóm trọ 3D" thành công nhất định ở mặt truyền tải cảm xúc nhưng chưa đột phá nhiều về ngôn ngữ điện ảnh. Những phim: "Khi đàn ông có bầu", "Hello cô Ba"... không được đánh giá cao về chất lượng chuyển thể. "Dạ cổ hoài lang" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng chưa chinh phục được giới chuyên môn và số đông khán giả bởi còn nhập nhằng giữa điện ảnh và kịch, chuyển thể nửa vời. Nhiều người trong giới nhận định việc chuyển thể kịch, cải lương, tác phẩm văn học nổi tiếng là giải pháp giúp nhà làm phim thoát khỏi tình trạng khan hiếm kịch bản hay mà vẫn giữ được yếu tố thuần Việt. Nó cũng không quá nhiều rủi ro như khi Việt hóa phim ăn khách của các nước. Tuy nhiên, việc chọn lựa chuyển thể kịch lên màn ảnh rộng đòi hỏi sự nỗ lực của cả ê-kíp, nhất là biên kịch và đạo diễn. "Việc chuyển thể từ tác phẩm kịch hoặc cải lương lên màn ảnh rộng rất khó khăn. Khi làm phim "Xóm trọ 3D", ê-kíp mất một năm để xây dựng lại toàn bộ kịch bản. Phim chỉ lấy ý từ kịch rồi phát triển câu chuyện thêm chứ không bê nguyên bản gốc. Sau khi có được kịch bản, đạo diễn còn ngồi lại với biên kịch nhiều lần để thảo luận, vất vả. Tôi thấy quan trọng nhất vẫn là kịch bản và tay nghề đạo diễn" - bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp Giải trí và Truyền thông Mega GS, nhận định.

Cần dấu ấn đạo diễn

Phần lớn các phim chuyển thể từ kịch đều chọn giải pháp sử dụng tác giả kịch bản của kịch để chuyển thể sang phim vì các nhà sản xuất cho rằng họ hiểu rõ nhất "đứa con tinh thần" của mình, biết điểm nào cần giữ lại, điểm nào cần lược bỏ, phát triển ở điểm nào. Thế nhưng, vì sự khác biệt giữa ngôn ngữ kịch và phim nên gặp một biên kịch sân khấu xa lạ với điện ảnh sẽ bối rối không biết nên giữ hoặc bỏ yếu tố nào. Biên kịch Đinh Mạnh Phúc, từng chuyển thể kịch "Xóm trọ 3D" sang phim, đồng tình với nhận định này. Theo anh, việc biên kịch hiểu rõ tác phẩm sẽ dễ dàng hơn trong công đoạn cập nhật thông tin mới, tạo ra phiên bản điện ảnh truyền tải được hơi thở cuộc sống vào nhân vật thông qua lời thoại, cách sinh hoạt. Nhưng ngôn ngữ điện ảnh là hình ảnh còn sân khấu mang tính ước lệ, tưởng tượng cao nên nếu không tiết chế, biết thêm thắt phù hợp dễ rơi vào tình trạng kịch hóa, thiếu sự chân thật.

"Tôi nghĩ để phim chuyển thể từ kịch thành công, ngoài một biên kịch kinh nghiệm, hiểu ngôn ngữ điện ảnh và sân khấu, nắm vững cốt truyện còn cần đạo diễn điện ảnh tay nghề cao và kiên quyết" - biên kịch Châu Thổ khẳng định.

Đạo diễn Luk Vân cho rằng đạo diễn nắm quyền kiểm soát chặt chẽ cả bộ phim, đường dây câu chuyện, diễn xuất diễn viên... Một tác phẩm chuyển thể kịch lên phim tốt đòi hỏi dấu ấn đạo diễn mạnh và ấn tượng với nhiệm vụ mang đến cho khán giả câu chuyện bằng hình ảnh hợp lý, ít nhất cũng tương tự những gì phim "Quả tim máu" làm được.

Minh Khuê

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/dua-kich-len-phim-thanh-it-bai-nhieu-2018052321280827.htm