Dưa hoàng kim ở Bình Minh

Hừng đông, trên cánh đồng Bình Minh rộng hàng trăm héc-ta rộn rả tiếng nói cười của nông dân. Vụ dưa năm nay, cũng như bao vụ dưa trước, mang lại cho bà con chục triệu trên mỗi công đất (công tầm lớn, gần 1.300m2). Một vùng quê nghèo, khó khăn, xưa độc canh cây lúa, nay vươn lên mạnh mẽ từ giống dưa hoàng kim.

Trâu cộ sản phẩm về nơi tập kết, một hình ảnh khá thân thuộc ở nông thôn.

Trâu cộ sản phẩm về nơi tập kết, một hình ảnh khá thân thuộc ở nông thôn.

Bình Minh là tên ấp của hai xã giáp ranh nhau là xã Vĩnh Bình Bắc và xã Bình Minh của huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Nơi đây, mười mấy năm qua nổi tiếng với giống dưa hoàng kim, còn gọi dưa lê - một loại cây trồng thuộc họ bầu bí, trái hình oval, vỏ trơn, thịt trắng, giòn thơm...

Giám đốc cánh đồng dưa

Thời gian gần đây, Bình Minh tấp nập khách đến thăm, hết khách ở tỉnh, có cả khách ở Trung ương. Hôm nay, ông Phạm Hùng Em không ra đồng. Ông nhận được tin từ cán bộ khuyến nông: “Có đoàn cán bộ trên tỉnh xuống thăm cánh đồng dưa của hợp tác xã”. Ông Em năm nay 56 tuổi, cũng như bao nông dân ở Bình Minh, ruộng ông canh tác một vụ lúa, một vụ dưa. Khác là, ông Em đang sở hữu đến 60 công ruộng, là chủ đất của nhiều xã viên và là Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Minh (HTX).

Do không đủ nhân công, ông Em chỉ trồng dưa trên bốn công ruộng, diện tích còn lại ông Em cho bà con trong và ngoài ấp thuê. Từ ngày nhận thêm chức danh Giám đốc HTX, ông Em bận bịu tối mặt mũi. Hết tổ chức hội thảo, tập huấn, lại phải đi vận động xã viên áp dụng quy trình sản xuất sạch, tìm nguồn vốn hỗ trợ những xã viên khó khăn, rồi tìm doanh nghiệp để ký kết đầu ra cho sản phẩm…

Ông Phạm Hùng Em, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Minh.

Trong căn nhà cấp bốn rộng rãi, khang trang, chung quanh trồng nhiều hoa kiểng, ông Em giới thiệu sơ lược về HTX và vài nét đặc trưng về giống dưa hoàng kim. Ông Em bảo, đã có thử nghiệm rồi, giống dưa này chỉ phát triển tốt và cho trái ngon khi đươc trồng trên đồng đất Bình Minh.

Ông Em không nhớ rõ gống dưa hoàng kim mà ông nói có xuất xứ từ Đài Loan (Trung Quốc) đã bén rễ ở Bình Minh từ khi nào, nhưng đã lâu lắm! “Tôi đã trồng loại dưa này 12 năm, nhưng trước tôi đã có nhiều người trồng. Người xác định mở đầu cho mô hình trồng dưa hoàng kim ở Bình Minh là Phạm Chí Công - nguyên thủ lĩnh thanh niên của ấp Bình Minh” - ông Em nói vậy.

Đưa dưa hoàng kim đến nơi tập kết.

Giống dưa này lúc đầu do một số người ở nơi khác đem đến Bình Minh trồng thử nghiệm nhưng không thành công. Với đặc tính quả đẹp, thịt giòn, thơm, ngọt, giải được cơn khát tức thời nên anh Công và một số thanh niên trong ấp lấy giống trồng lại theo tập tục canh tác ở địa phương. Sau khi thu hoạch xong vụ lúa, người dân đào rãnh thành hàng trên ruộng. Phần mô thì gieo hạt, dưới rãnh bơm nước vào (giếng khoan) để tưới cho dưa, các công đoạn khác cũng giống như trồng các loại dưa khác.

“Lúc đầu, nông dân chỉ trồng loại dưa vỏ vàng, nhưng loại này vỏ dễ nứt, thương lái chê, ép giá. Dần dần, anh em tìm ra được giống dưa vỏ màu xanh, loại này giá và sản lượng đạt gần gấp đối so với giống vỏ vàng, nên nông dân chuộng hơn. Tuy nhiên trên cả cánh đồng, bà con người trồng dưa vàng, người trồng dưa xanh, cũng có người trồng dưa gang. Đa dạng về sản phẩm vậy mà hay, tiêu thụ dễ dàng. Ở Bình Minh, hàng chục năm qua chưa bao giờ dưa hoàng kim gặp cảnh dội chợ, ế hàng” - ông Em khẳng định.

Rửa dưa trước khi cân cho thương lái.

Hiện tại, HTX do ông em làm Giám đốc đã tập hợp được 124 xã viên, với diện tích làm ăn tập thể là hơn 800 công ruộng (80ha). Theo nhẫm tính của nông dân, mỗi công ruộng trồng dưa chi phí sản xuất khoảng 7-8 triệu đồng, thu hoạch từ 4-5 tấn trái, bán từ 6-7 triệu đồng/tấn, người dân lãi ròng 20 triệu đồng. “Xã viên của tôi không có hộ nghèo. Nhưng nhiều hộ khó khăn về vốn đầu tư sản xuất, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức tín dụng” - ông Em nói.

Ước mơ trên ruộng dưa

Từ nhà ông Em ra đến cánh đồng dưa chỉ vài trăm mét. Mùa này ,xe gắn máy ra tận ruộng. Nhiều nông dân đi làm đồng cũng bằng xe gắn máy, chạy vào chạy ra cho nhanh, không phí sức. Mới hơn 9 giờ mà nắng như đổ lửa. Trên cánh đồng Bình Minh, từng khuôn đất rộng hàng trăm hec-ta không một bóng cây. Xa xa có căn chòi lá, bà con dựng tạm để tránh nắng, lúc nghỉ ngơi. Những người phụ nữ làm đồng trùm kín từ đầu đến chân. Cánh đàn ông đơn giản, trên đầu đội nón kết, áo dài tay, quần cộc, chân không dép.

Những người phụ nữ Khmer ở cánh đồng Bình Minh.

Thời gian cho một vụ dưa cũng không dài, chỉ khoảng 100 ngày, trong đó hơn một nửa dành cho cây dưa sinh trưởng, khoảng 40 ngày cho thời gian thu hoạch. Hôm tôi đến, ruộng dưa đã rơi vào những đợt thu hoạch cuối vụ. Dù vậy, trên đồng vẫn còn khá đông người. Xe công nông, trâu cộ chở sản phẩm vào ra nườm nượp.

Nông dân Sơn Tám Anh (45 tuổi) cùng vợ đang thu hoạch ruộng dưa. Vợ chồng Tám Anh là người dân tộc Khmer sống với nhau đã có bốn con, ba đứa đã có chồng có vợ. Đứa út đang học lớp 9 sống cùng vợ chồng Tám Anh, thỉnh thoảng vẫn ra đồng phụ cha mẹ. Tám Anh cho biết, nhờ trồng dưa hoàng kim, gia đình có tiền cất nhà, mua xe gắn máy, ti-vi, tủ lạnh và nhiều vật dụng sinh hoạt khác. “Bi giờ cuộc sống khá hơn trước nhiều. Cũng có dư chút tiền” - Tám Anh thổ lộ.

Vợ chồng Tám Anh lấy nhau, ra ở riêng chỉ có hai công ruộng. Con đông, anh chị làm lụng vất vả nhưng không đủ ăn. Tám Anh phải thuê của ông Em thêm năm công đất để trồng dưa hoàng kim. Nhờ vậy, mà từ môt hộ nghèo gia đình Tám Anh vươn lên thoát nghèo và giờ đây đã có của để dành. “Tôi ước có tiền sang luôn năm công ruộng này, để tương lai thằng út khá hơn” - Tám Anh ước.

Nông dân Sơn Tám Anh thoát nghèo từ trồng dưa hoàng kim.

Canh tác cạnh đất của Tám Anh là Nguyễn Văn Phụng, năm nay 34 tuổi, vẫn còn độc thân. Phụng cũng là người thuê đất của ông Em để trồng dưa. Với bốn công trồng dưa hoàng kim và dưa gang, vụ này sau khi trừ chi phí, Phụng còn lãi hơn 50 triệu bỏ túi. Ước mơ của Phụng là, lao động vài năm kiếm kha khá tiền cất căn nhà, mua vài công ruộng, cưới người vợ hiền biết làm ruộng rẫy, cùng nhau xây dựng tương lai ở Bình Minh.

Hôm đó, tại ruộng dưa tôi còn gặp Thị Phụng, ngụ ấp Hòa Thuận, xã Bình Minh. Vụ này gia đình chị canh tác đến 12 công dưa hoàng kim. Tôi hỏi về thu nhập, chị tính tới, trừ lui rồi nói: “Mỗi năm lãi khoảng 200 triệu đồng”. Còn ước mơ của Thị Phụng rất đơn giản: “Tôi chỉ mong mưa thuận, dưa trúng mùa, trúng giá”.

Đơn giản, nhưng ước mơ của Thị Phụng - một phụ nữ dân tộc Khmer rất thực tế. Không phải riêng chị, mà tất cả nông dân đều có cùng ước mơ như vậy, nhưng không phải ước là được. Còn với nông dân Bình Minh, hơn chục năm trồng dưa hoàng kim chưa một lần cần giải cứu.

BÀI VÀ ẢNH: VIỆT TIẾN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/40081602-dua-hoang-kim-o-binh-minh.html