Dưa hấu Việt dán tem Trung Quốc: Chỉ là truy xuất nguồn gốc

Tem có chữ Trung Quốc được dán trên sản phẩm dưa hấu Quảng Ngãi xuất khẩu vào Trung Quốc là tem truy xuất nguồn gốc chứ không phải tem, nhãn hàng hóa.

 Trung Quốc siết chặt quản lý truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu trong đó có dưa hấu

Trung Quốc siết chặt quản lý truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu trong đó có dưa hấu

Khoảng một tuần qua, nông dân tại xã Tam Phước, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) bước vào mùa thu hoạch dưa hấu. Thương lái đến tận nơi để thu mua sản phẩm của bà con. Tuy nhiên, dưa xuất bán phải dán tem có chữ Trung Quốc. Câu hỏi được đặt ra là việc dán tem nhãn có chữ Trung Quốc là như thế nào và có phù hợp hay không đang được đặt ra.

Ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT) cho hay, quy định dán nhãn này là để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt đối với dưa hấu và sắp tới là mít và chuối. Các công ty được phép làm công tác kiểm nghiệm, kiểm dịch cũng như được phép xác định truy xuất nguồn gốc của Việt Nam, trong đó có công ty làm công tác kiểm nghiệm, kiểm dịch của Trung Quốc.

Tập đoàn Trung Kiểm (CCIC) đã được Chính phủ Việt Nam và Bộ NN-PTNT cho phép làm công tác kiểm nghiệm và kiểm dịch và cung cấp tem xuất xứ này. Tem này mặc dù là tiếng Trung Quốc nhưng mã QR Code khi scan lên sẽ biết được dưa hấu đó là của Việt Nam và đi từ huyện nào, tỉnh nào, doanh nghiệp xuất khẩu nào của Việt Nam.

Ông Hòa cho biết thêm, hiện tại, việc này bắt buộc phải áp dụng và chỉ có các công ty có các hợp đồng xác định rõ người mua, người bán mới làm được việc này. Đối với các lô hàng chưa có các đối tác mua, bắt buộc phải đưa lên biên giới thì việc dán tem nhãn sẽ gặp khó khăn.

Ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay: "Qua kiểm tra, chúng tôi khẳng định đó là tem truy xuất nguồn gốc chứ không phải là tem nhãn hàng hóa. Trên tem đó, khi chúng ta quét mã QR Code sẽ ra các thông tin xuất xứ hình ảnh vùng trồng, tên nhà xuất khẩu, đều là của Việt Nam. Việc dán tem này để khẳng định các sản phẩm nhập khẩu này là của Việt Nam, chứ không phải để xác định đây là các sản phẩm của Trung Quốc".

Theo đại diện Bộ Công Thương, kể từ tháng 5/2018, Trung Quốc đã tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung và dưa hấu nói riêng thông qua. Họ yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan Trung Quốc và dán tem nhãn này trên các sản phẩm/bao bì trái cây nhập khẩu. Tem nhãn bao gồm thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói…

Danh sách vườn trồng, doanh nghiệp đóng gói phải được cơ quan quản lý nước xuất khẩu thông báo chính thức cho phía Trung Quốc. Đây không phải là quy định mới mà đã có từ trước, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng trước đây thực hiện chưa nghiêm. Trước nhu cầu của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã lưu ý và thực hiện nghiêm túc hơn.

Các quy định tương tự như của Trung Quốc cũng đã và đang được nhiều nước, trong đó có Việt Nam áp dụng. Tuy nhiên, nhiều thương nhân xuất khẩu nông sản, trái cây Việt Nam (bao gồm cả bạn hàng của họ là các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc) chưa có sự quan tâm đầy đủ để thực hiện.

Trên cơ sở thông báo của Bộ NN-PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đăng tải "Danh sách các vườn trồng 8 loại trái cây" gồm chôm chôm, thanh long, vải, nhãn, xoài, dưa hấu, chuối, dứa cùng "Danh sách các cơ sở đóng gói của Việt Nam" được phép xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc trên hệ thống thông tin của cơ quan này.

Do đó, để giảm thiểu rủi ro và bảo đảm xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương khuyến nghị các thương nhân sản xuất, xuất khẩu nông sản, trái cây nói chung, dưa hấu nói riêng, chủ động phối hợp với các nhà nhập khẩu Trung Quốc nghiên cứu và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc.

Trong trường hợp vườn trồng trái cây và doanh nghiệp đóng gói chưa nằm trong danh sách đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đăng tải, doanh nghiệp cần chủ động liên hệ với Bộ NN-PTNT để được hướng dẫn cụ thể.

Ngoài việc thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc, từ tháng 5/2019, Trung Quốc cũng yêu cầu trong quá trình vận chuyển dưa hấu và các loại trái cây khác phải thay đổi vật liệu đệm, lót bằng các chất liệu không gây hại, không có sinh vật truyền nhiễm. Việt Nam thường sử dụng rơm làm đệm lót, vật liệu này cũng không được phép sử dụng.

Dưa hấu tươi là thực phẩm sử dụng hàng ngày của người dân Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu dưa hấu vào khoảng 200 ngàn tấn/năm, kim ngạch nhập khẩu khoảng 30 triệu USD.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/dua-hau-viet-dan-tem-trung-quoc-chi-la-truy-xuat-nguon-goc-162039.html