'Đưa hát Then vào du lịch để du khách có những cảm nhận mới về mảnh đất, con người Quảng Ninh...'

Quảng Ninh hiện đang đứng trong nhóm đầu những tỉnh có cơ cấu ngành du lịch phát triển đa dạng và mạnh mẽ trong cả nước. 'Đi trước, đón đầu' xu hướng mới, tỉnh đã có những định hướng trong việc sử dụng các chất liệu từ văn hóa dân gian để phát triển các sản phẩm du lịch.

Một trong những ý tưởng được đánh giá cao chính là phát huy loại hình hát Then vào phát triển sản phẩm du lịch của Thạc sĩ, giảng viên Trịnh Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Khoa Nghệ thuật (Trường Đại học Hạ Long) và các đồng nghiệp, đoạt giải 3 tại Cuộc thi Sáng tạo dịch vụ tỉnh năm 2018. Không dừng lại ở đó, chị và các đồng nghiệp đã vượt khó, nhân rộng và triển khai một số công việc thực tế, tiến dần tới việc hiện thực hóa ý tưởng này.

- Chào chị, tìm hiểu và đưa nghệ thuật hát Then vào phục vụ du lịch là một ý tưởng độc đáo và khá táo bạo. Chắc hẳn phải có một động lực thúc đẩy chị để thực hiện ý tưởng của mình?

+ Bản thân tôi là một giảng viên thanh nhạc nên tình yêu với âm nhạc đã ngấm vào máu. Sinh ra và lớn lên tại Quảng Ninh, cũng như đối với âm nhạc, tôi còn có tình yêu với mảnh đất và con người nơi đây. Quảng Ninh là địa phương có nền văn hóa dân gian đa dạng và mang đậm bản sắc riêng. Điển hình trong số đó phải kể đến hát Then của đồng bào dân tộc Tày tại Bình Liêu là loại hình nghệ thuật nổi bật, vẫn giữ sự nguyên vẹn, bản sắc riêng có mà tôi đã được tiếp cận trong một chuyến thực tế tại đây. Giai điệu của Then khiến người nghe dễ cảm thụ. Nó chứa đựng sự dung dị, mộc mạc nhưng lại gây ấn tượng khá mạnh với người nghe.

Thật tình cờ và may mắn khi tôi lại có duyên được biết đến hát Then qua những nghệ nhân nổi tiếng tại Bình Liêu như anh Chu Thép, chị Hà Thị Ngọc. Qua những làn điệu nhẹ nhàng ấy đã khơi gợi nên trong tôi một tình yêu rất tự nhiên với hát Then. Thực tế cho thấy, ngay tại Bình Liêu - quê hương của những làn điệu Then mới có một số hoạt động của CLB hát Then do nghệ nhân truyền dạy nhưng chưa phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp, đặc biệt là lớp trẻ và khách du lịch. Từ đó, mình có ý tưởng kết hợp với nghệ nhân để xây dựng hệ thống tài liệu hát Then đạt tiêu chuẩn để giảng dạy.

May mắn hơn cùng thời điểm đó, tỉnh nhà cũng có chủ trương phát triển những sản phẩm du lịch văn hóa. Nhận thấy đây là thời cơ thuận lợi nhất để mang Then giới thiệu đến bạn bè năm châu, tôi đã lên ý tưởng đưa hát Then lồng ghép vào tour du lịch để du khách có những cảm nhận mới về mảnh đất, con người Quảng Ninh, đồng thời là cách bảo tồn, phát huy tối ưu nhất các giá trị văn hóa dân gian của hát Then.

- Then là loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của dân tộc Tày nhưng đưa vào đời sống hôm nay chắc không hề đơn giản. Ban đầu thực hiện dự án, chị có gặp khó khăn gì không?

+ Khó khăn ban đầu kể từ khi lên ý tưởng đến thực hiện chính là về mặt ngôn ngữ. Tiếng Tày là loại hình ngôn ngữ khá khó để tiếp cận. Khởi đầu đầy khó khăn, lần lượt từng cộng sự rời dự án vì Then khá "kén" người hát, luyến âm, nhả chữ cũng phức tạp. Vượt qua rào cản ngôn ngữ, vấn đề tiếp theo mình gặp phải chính là phải làm sao chắt lọc những nét tinh túy, nét đặc sắc của Then mà vẫn khiến những đối tượng truyền thụ dễ nắm bắt nhất. Đây là loại hình văn hóa dân gian được lưu truyền từ đời này qua đời khác, không được ký âm qua bản nhạc, chủ yếu là học truyền khẩu nên việc nắm bắt phức tạp hơn khi học nhạc mới tại trường.

Giảng viên Trịnh Thị Kim Oanh giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho lớp trẻ về loại hình Then ở các lớp học tại Cung Văn hóa thiếu nhi tỉnh.

Giảng viên Trịnh Thị Kim Oanh giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho lớp trẻ về loại hình Then ở các lớp học tại Cung Văn hóa thiếu nhi tỉnh.

Ngoài chuyên môn, một vấn đề khiến mình và toàn nhóm đau đầu nhất có lẽ là... kinh phí (cười). Ban đầu, Ban giám hiệu nhà trường hỗ trợ chi phí mời nghệ nhân. Tuy nhiên, kinh phí hạn hẹp, khi dự án chạy tốt, người thực hiện đã trót say mê, lúc đó các khoản chi phí thu thanh, quay hình để hiện thực hóa ý tưởng đều từ... tiền túi của mình và đồng nghiệp. Nhưng chính tình yêu với Then đã khiến những người làm nghệ thuật quyết tâm đi đến đích, vì càng làm càng say mê và quên hết mọi khó khăn, vất vả.

- Được biết không chỉ dừng lại ở ý tưởng, chị và đồng nghiệp đã có những giải pháp cụ thể, những bước đi thực tế. Chị có thể chia sẻ về quá trình đó không?

+ Bước đầu, chúng tôi mời nghệ nhân, cán bộ tại Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Bình Liêu về tập huấn, bồi dưỡng những kiến thức lý luận và thực hành hát Then kết hợp với những kiến thức đã được học tại Học viện Âm nhạc quốc gia. Nhờ đó, chúng tôi đã nắm bắt được những đặc điểm cơ bản về nghệ thuật hát Then Bình Liêu, đồng thời có khả năng thực hành kỹ thuật hát luyến láy, nâng cao kỹ năng biểu diễn.

Chúng tôi cũng tổ chức các buổi điền dã, thực tế tại huyện Bình Liêu, xem các chương trình nghệ thuật tại các thôn bản, gặp gỡ, giao lưu với các nghệ nhân, cán bộ văn hóa tại huyện, ghi âm, quay hình lưu lại các buổi điền dã. Tiếp đến, xây dựng kịch bản quay phim: Lựa chọn con người, trang phục, đạo cụ, âm nhạc, cảnh quay phù hợp nội dung kịch bản, thu thanh để lưu lại những làn điệu Then được tập huấn. Một số kết quả thu thanh đã được Đài Tiếng nói Việt Nam phát trên kênh FM; cộng tác với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh (nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh), huyện Bình Liêu quay đĩa DVD tại Bình Liêu; phát rộng rãi trên kênh QTV3; gửi đi dự thi Liên hoan Phát thanh - Truyền hình toàn quốc...

- Đâu là kỷ niệm mà chị nhớ nhất trong quá trình thực hiện dự án?

+ Dự án được hoàn thành dựa trên sự cố gắng, mồ hôi, công sức của cả tập thể. Nhờ có sự phối hợp từ phía huyện Bình Liêu với Trung tâm Truyền thông tỉnh mà chúng tôi đã đi được những bước đi đầu tiên trên con đường đưa nghệ thuật hát Then của dân tộc Tày tại Bình Liêu thành những chất liệu để xây dựng sản phẩm du lịch. Thời gian tôi cùng cả đoàn thực hiện đĩa DVD về hát Then tại Bình Liêu để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng khó quên. Có những cảnh quay mà cả ngày không thực hiện xong vì thời tiết không ủng hộ. Còn nhớ, thời điểm ấy thời tiết Bình Liêu mưa nắng thất thường, cả ê-kip vừa chuẩn bị xong đạo cụ, máy quay, diễn viên vừa hoàn thành việc trang điểm để tiến hành ghi hình thì trời chuyển mưa. Nửa ngày trời chỉ chạy mưa mà không quay được thước phim nào (cười). Thật sự nhớ lại đến bây giờ vẫn không hiểu tại sao mình có nhiều động lực, sức mạnh để hoàn thành dự án đến vậy!

- Là giảng viên âm nhạc lại ấp ủ một dự án phát triển du lịch, hai lĩnh vực khác biệt này có tương hỗ nhau giúp chị và các đồng nghiệp hoàn thiện và hiện thực hóa dự án không?

+ Đúng vậy! Như bạn và bạn đọc thấy, không phải ngẫu nhiên mà văn hóa dân gian lại là những chất liệu hình thành hoặc là chính những sản phẩm du lịch riêng có, cực kỳ hút khách. Chúng tôi đã có cơ hội đi nhiều nơi, nhiều nước ở trên thế giới, như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc…, họ có những bước đi đúng đắn và thu được nhiều kết quả rất đáng học tập. Và ngay cả nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam thì các loại hình như quan họ, hát Xoan, ca Huế... đã thực sự “bước ra” từ công tác bảo tồn, trở thành những sản phẩm du lịch đặc sắc.

Vậy tại sao hát Then ở Quảng Ninh không thể? Âm nhạc và ở đây là hát Then chính là chất liệu văn hóa dân gian quý giá, tuyệt vời, cần được bảo tồn và phát huy. Đó là cách để chúng được gìn giữ, phát huy một cách sống động nhất.

Còn giảng viên âm nhạc thực hiện dự án du lịch ư? Cũng có quan hệ rất khăng khít đó chứ! Trên thực tế, kiến thức âm nhạc lại hỗ trợ tôi rất nhiều trong cả quá trình nghiên cứu, thực hiện dự án. Làm chuyên môn thanh nhạc, khả năng nắm bắt việc thẩm âm hay lắng nghe tiết tấu, hát luyến láy, nhả chữ với mình thuận lợi hơn. Các giảng viên và học viên chuyên ngành này có lợi thế là nắm bắt và chuyển tải một cách sáng tạo, sống động đúng với âm điệu tuyệt vời của Then để gây ấn tượng và dễ đi vào lòng du khách nhất. Thêm nữa, chính tình yêu với nghệ thuật đã giúp tôi có động lực để tiếp tục bảo tồn, lưu giữ và giới thiệu những làn điệu mộc mạc, dung dị ấy đến với khách du lịch. Đây là hình thức tối ưu nhất để những giá trị của Then tồn tại với thời gian và phổ biến rộng rãi trong công chúng.

- Vậy chị mong muốn đưa được điều gì đến cho du khách?

+ Quả thật đó là vấn đề rất đáng quan tâm. Nghệ thuật và đưa nghệ thuật đến du khách không hề đơn giản. Các bạn cứ hình dung như này nhé, Then có nhiều loại, Then cổ, Then mới... Với Then cổ, tính giai điệu không nhiều, phức tạp hơn trong cách luyến âm, còn Then mới có làn điệu khiến lớp trẻ tiếp cận một cách dễ dàng hơn. Với việc truyền thụ, giảng dạy, việc lựa chọn Then mới sẽ tạo ra sự hứng thú riêng cho học sinh, sinh viên.

Giảng viên Trịnh Thị Kim Oanh (trái) cùng các nghệ nhân biểu diễn hát Then để ghi hình tư liệu học tập tại Bình Liêu.

Đối với việc đưa giá trị văn hóa này thành sản phẩm du lịch, theo cá nhân tôi nên có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai hình thức trên của hát Then, để làm phong phú, tạo cho sản phẩm du lịch có giá trị riêng. Then là loại hình nghệ thuật có tính giai điệu, sự mượt mà, dễ nhớ, dễ thuộc, khơi gợi cho người nghe sự thoải mái. Hơn nữa, nhiều làn điệu Then vui tươi, có ý nghĩa cầu mong những điều tốt đẹp, chúc phúc, may mắn... Mong muốn của bản thân mình là khơi gợi cho du khách có những cảm giác mới, mang lại những điều tốt đẹp cho du khách.

- Trong bối cảnh sản phẩm du lịch tỉnh nhà còn đang thiếu yếu tố đặc trưng, đặc biệt là các sản phẩm văn hóa truyền thống, chị có những dự định gì tiếp theo để nét đặc sắc văn hóa này trở thành sản phẩm có thể phục vụ du khách?

+ Thực tế cho thấy, Quảng Ninh là một tỉnh có những thế mạnh rất riêng trong việc phát triển những giá trị văn hóa thành những sản phẩm du lịch độc đáo. Việc lồng ghép những sản phẩm du lịch mang tính văn hóa vào những tour tham quan sẽ tạo nên dấu ấn riêng cho du lịch tỉnh nhà. Thời gian tới, cá nhân tôi mong muốn dự án của mình sẽ được triển khai rộng rãi. Vì cơ bản, tôi và cả nhóm thực hiện đã xây dựng hoàn thiện bộ tài liệu để ứng dụng giảng dạy.

Tôi dự định lồng ghép những chương trình hát Then trên những chuyến tàu tham quan Vịnh Hạ Long. Du lịch không đơn thuần chỉ là thưởng ngoãn cảnh đẹp mà còn là cơ hội để du khách trải nghiệm những giá trị văn hóa truyền thống tại mỗi địa điểm mà mình đặt chân đến.

Nếu tiếp tục được đầu tư nguồn kinh phí, có sự quan tâm của cơ quan chức năng, hát Then sẽ được du khách trong và ngoài nước biết đến khi đi du lịch tại Quảng Ninh. Một chiến lược dài hơi hơn chính là đưa hát Then lồng ghép vào chương trình tham quan tại những địa điểm nổi tiếng của Quảng Ninh như Vịnh Hạ Long… Để làm được việc này cần thời gian và sự đầu tư, phối hợp của rất nhiều bên liên quan. Nhưng hy vọng vào một ngày không xa, hát Then sẽ được biểu diễn rộng rãi đến du khách

- Xin cám ơn chị và mong dự án của chị sẽ sớm thành hiện thực!

Tạ Quân (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201905/dua-hat-then-vao-du-lich-de-du-khach-co-nhung-cam-nhan-moi-ve-manh-dat-con-nguoi-quang-ninh-2439509/