Đưa hàng Việt về miền núi, vùng cao Đắk Lắk

Trong những năm vừa qua, nhằm mang hàng hóa Việt đến với người tiêu dùng khu vực nông thôn, miền núi, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa… Các phiên chợ đã mang lại hiệu quả cao trong việc đưa hàng Việt về sâu với người dân vùng khó khăn.

Chuẩn bị chu đáo cho phiên chợ

Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức trong suốt những năm qua trên địa bàn tỉnh thu hút sự quan tâm, mua sắm của nhiều người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh và sự hưởng ứng tích cực của các DN tham gia.

Nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, thỏa mãn nhu cầu mua sắm của người dân địa phương, tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” đầu tiên trong năm 2020 do Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) chủ trì sẽ tổ chức tại huyện Lắk. Cụ thể, phiên chợ diễn ra từ ngày 15 đến hết 19/10 tại sân vận động huyện Lắk, thị trấn Liên Sơn. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2020.

Trong phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” lần này sẽ có các nội dung như: giới thiệu và bày bán hàng Việt Nam bảo đảm chất lượng, bao gồm các ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, may mặc, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp…

Đặc biệt, phiên chợ còn chú trọng tổ chức những hoạt động trao đổi, xúc tiến thương mại giữa các DN trong và ngoài tỉnh nhằm thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại vùng nông thôn của tỉnh. Ban tổ chức sẽ xem xét và hỗ trợ 100% kinh phí thuê gian hàng tham gia phiên chợ cho 30 gian hàng tiêu chuẩn.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho phiên chợ đang được tích cực triển khai. Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Lắk, để phiên chợ diễn ra chu đáo, mang lại hiệu quả cao, hiện nay Trung tâm đang tích cực phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp… tổ chức rà soát và tiến hành mời các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có đủ điều kiện tham gia phiên chợ.

Thông qua phiên chợ, các DN đã tìm hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng miền núi, vùng cao

Thông qua phiên chợ, các DN đã tìm hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng miền núi, vùng cao

Đơn vị chủ trì cũng lên kế hoạch ký kết hợp đồng tổ chức mặt bằng chu đáo cho phiên chợ; kiểm soát các hoạt động và hàng hóa tại phiên chợ; bảo đảm công tác trực cung cấp điện, nước, thu dọn vệ sinh, phòng cháy chữa cháy trong suốt thời gian phiên chợ diễn ra. Duy trì hoạt động tại phiên chợ như: phát loa tuyên truyền tại chỗ, xe cổ động, giới thiệu hàng hóa và thương hiệu các DN; bố trí lực lượng giữ xe, đảm bảo an ninh trật tự xung quanh khu vực diễn ra phiên chợ...

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Lắk, trước khi phiên chợ diễn ra, mỗi DN đăng ký tham gia phải ký cam kết bán hàng có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng. Lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiến hành kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại phiên chợ, nếu phát hiện vi phạm sẽ lập biên bản, xử lý theo quy định và kiên quyết không để DN vi phạm tiếp tục tham gia phiên chợ.

Nâng cao hiệu quả từ các phiên chợ

Các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn đã và đang dần trở nên quen thuộc và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng lớn của đông đảo bà con. Sở Công Thương Đắk Lắk đánh giá, nếu như trước đây, bà con chỉ quan tâm đến mẫu mã, tác dụng và giá của các mặt hàng hóa mà ít để ý đến xuất xứ thì nay, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự tuyên truyền, vận động của các cấp, ngành chức năng nên khi mua bất cứ loại hàng hóa nào, bên cạnh những yếu tố kể trên, bà con đã quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, có sự ưu tiên trong lựa chọn sản phẩm cùng loại do các DN trong nước sản xuất.

Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, thông qua phiên chợ, các DN đã tìm hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng miền núi, vùng cao về sử dụng những sản phẩm thiết yếu, từ đó tổ chức sản xuất và nâng cao chất lượng các mặt hàng thiết yếu như: Đồ gia dụng, bột giặt, quần áo, chăn ga gối, bếp tận dụng nhiệt, đồ dùng sinh hoạt có độ bền cao, các loại giống cây trồng trong nông nghiệp có năng suất, chất lượng có giá cả phù hợp với người tiêu dùng. DN tham gia phiên chợ cũng có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc kinh doanh, tiếp thị hàng hóa theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Chương trình khai mạc Phiên chợ hàng Việt về miền núi tổ chức tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk năm 2018

Tại các Phiên chợ có một số đại lý tiêu thụ tại địa phương mong muốn trong thời gian tới được hợp tác kinh doanh với các DN có sản phẩm Việt được người dân tin dùng. Là địa phương khu vực miền núi, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, tiếp tục trong thời gian tới, đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động trọng tâm trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Đưa hàng Việt về nông thôn là nội dung quan trọng của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vừa giúp người dân tiếp cận các sản phẩm hàng Việt có chất lượng, vừa tạo cơ hội cho DN, nhà sản xuất tiệm cận hơn với người tiêu dùng, góp phần quảng bá thương hiệu, khẳng định vị thế hàng Việt.

Hầu Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dua-hang-viet-ve-mien-nui-vung-cao-dak-lak-144685.html