Đưa hàng Việt thâm nhập thị trường Nhật

Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tiềm năng lớn đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam. Thế nhưng, thị trường Nhật cần gì? DN Nhật Bản yêu cầu gì?

Tiêu chí nhập khẩu vào quốc gia này ra sao? Đây chính là câu hỏi mà các DN Việt Nam cần trả lời nếu muốn chiếm lĩnh được thị trường “khó tính” này.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mỗi năm Nhật Bản nhập khẩu khoảng 2,5 tỷ USD tôm từ Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Argentina, Trung Quốc… Hiện Việt Nam vẫn là quốc gia cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm 25,7% tổng giá trị nhập khẩu tôm vào nước này. Không riêng thủy sản, rất nhiều mặt hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ... của Việt Nam cũng có "cửa" vào thị trường Nhật Bản nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của nước này.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Saigon Food Lê Thị Thanh Lâm cho hay, Nhật Bản rất coi trọng chất lượng sản phẩm, ngay cả khi gia công, các đối tác đều phải cung cấp quy trình quản lý, kiểm soát từ nguyên liệu, công nghệ. Ngoài ra, người Nhật cũng rất quan tâm dịch vụ hậu mãi sau khi mua sản phẩm. Đầu vào khắt khe nhưng hầu hết DN Việt đều cho rằng Nhật Bản là thị trường quan trọng và muốn sản phẩm của mình có mặt trong tương lai bởi nếu đáp ứng các tiêu chí của Nhật thì cơ hội xuất khẩu sang những thị trường khác như Mỹ, EU sẽ dễ dàng hơn.
Giám đốc khối triển lãm Hiệp hội siêu thị Nhật Bản Tetsuichiro Tomihari cho biết, DN Việt muốn đưa sản phẩm vào thị trường Nhật Bản nên thông qua các tham tán thương mại làm cầu nối. “Việc kết nối với một bên thứ 3 có kinh nghiệm kiểm định ngay từ bước đầu khiến người Nhật an tâm hơn và giúp cho việc đàm phán, đưa sản phẩm vào tiêu thụ nhanh chóng và hiệu quả hơn. DN Việt cần quan tâm đến thay đổi công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó, mới có thể mang thương hiệu của mình đến thị trường Nhật Bản” - ông Tetsuichiro Tomihari tư vấn.
Đồng tình với ý kiến này Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Đức Minh cho biết thêm, thị trường Nhật Bản có nhu cầu lớn về các loại quả có múi, các loại thịt gia cầm, trứng… Tuy nhiên, rào cản kỹ thuật của quốc gia này cũng khá cao, các DN trong nước phải thay đổi cách thức sản xuất, chế biến mới có thể xuất khẩu với số lượng lớn vào thị trường này. “Trước mắt phải giảm giá thành vận chuyển, đẩy mạnh quảng bá hàng nông sản tại thị trường này qua đó tăng cơ hội cạnh tranh với các nước khác” - ông Phạm Đức Minh nói.

Thu Hương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dua-hang-viet-tham-nhap-thi-truong-nhat-328798.html