Đưa gốm Việt sang Nhật giữa mùa COVID-19

Tháng 8, giữa những ngày Hà Nội ồn ào của làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, chuyến hàng vài trăm sản phẩm gốm Việt rời cảng hàng không quốc tế Nội Bài đến nước Nhật.

Việc gốm Việt đến với đất gốm Nhật khiến nhiều người làm nghề ngạc nhiên, rằng có ai đó đang “chở củi về rừng”. Cho đến khi biết câu chuyện về chuyến hàng, mới thấy đằng sau sự ngược đời đó là bóng dáng của một người phụ nữ đang miệt mài một tình yêu dành cho gốm Việt.

Niềm đam mê bất tận với gốm

Giữa con phố Cát Linh đông đúc, cửa hàng Calla Decor khiêm tốn một góc nhỏ gần với đường Tôn Đức Thắng.

Góc nhỏ khiêm nhường nhưng đậm chất nghệ thuật của Calla Decor tại phố Cát Linh – Hà Nội

Nơi đây trưng bày rất nhiều đồ gốm vẽ tay do chính chị N.H.L – người vẫn được bạn bè thân thương gọi là Calla Linh – thiết kế. Đó là những chiếc bình khắc hạc tinh tế với họa tiết Trống Đồng, hay những bộ bình vẽ tay họa tiết là các loại hoa được cách điệu như hoa cúc hoa sen, hoa calla, hoa bông lau và những bức tranh gốm độc bản.

Chị cùng hai người bạn từ thủa hàn vi có chung chí hướng mở Calla Decor đã được tròn 1 năm, thời gian chưa dài nhưng cũng đã trải qua đủ thăng trầm của nghề gốm Việt.

Góc nhỏ khiêm nhường nhưng đậm chất nghệ thuật của Calla Decor tại phố Cát Linh – Hà Nội

Góc nhỏ khiêm nhường nhưng đậm chất nghệ thuật của Calla Decor tại phố Cát Linh – Hà Nội

Thạc sỹ gốm N.H.L tốt nghiệp chuyên ngành gốm của trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp vào năm 2003. Khi ra trường, chị hoạt động trong nhiều lĩnh vực thiết kế mỹ thuật ứng dụng, nhưng không đúng chuyên ngành từng học.

Suốt nhiều năm, chị đau đáu được làm việc với gốm, nhưng những gì chị học được còn quá ít. Chị quyết định học tiếp về gốm để nâng cao hơn nữa trình độ và hiểu sâu rộng hơn nữa về con đường mà chị quyết tâm theo đuổi.

Lọ hoa khắc hạc – một tác phẩm tiêu biểu từ kiểu dáng tới chất liệu của Calla Decor.

Tôi yêu gốm từ lâu lắm rồi, khi tôi còn chưa ý thức được một cách rõ ràng gốm là gì. Tôi luôn có một cảm tình đặc biệt với chất liệu này. Với tôi, gốm đẹp và ấm áp hơn so với những chất liệu khác như thủy tinh, nhựa hay kim loại… Khi ngắm nhìn một món đồ gốm nào đó, tôi luôn hình dung đến dấu ấn của người làm ra nó, cho dù nó là một vật cũ kĩ hay một đồ gốm mới, trải qua mưa gió, hay từ thời kì này qua thời kì khác thì những đồ vật bằng gốm vẫn giữ được nguyên vẹn cái hồn của nó, có lẽ bởi nó là một chất liệu trường tồn với thời gian”, chị Linh kể về cảm xúc của mình đối với gốm.

Phụ nữ theo ngành thiết kế gốm ở Việt Nam không nhiều, vì học gốm rất vất vả, không phù hợp với sự mảnh mai, yếu đuối của đa phần chị em. May mắn thay, bên cạnh thạc sĩ N.H.L có những người thầy luôn giúp đỡ và dõi theo, có những người bạn cùng tâm huyết và chí hướng. Họ luôn luôn sát cánh, động viên chị, cùng chị lăn xả vào nghề, cùng mổ xẻ cái được cái chưa được mỗi khi ra một sản phẩm mới.

Sản phẩm gốm Calla Decor được sử dụng tại quán cà phê ở Nhật Bản.

Không những thế, những người thợ gốm yêu nghề luôn sẵn sàng cùng chị thử nghiệm mọi chất liệu, màu men, kiểu dáng mới, coi đó như niềm vui. Và trên hết, những lời khen đầy trân trọng của khách hàng yêu gốm của Calla Linh chính là động lực cho chị tiếp tục sáng tạo và phát triển hơn nữa.

Chị Linh dành rất nhiều thời gian, trong nhiều năm liền đi điền dã và tìm hiểu các làng nghề ở Việt Nam, đặc biệt là các vùng ven Hà Nội. Không chỉ là gốm, chị muốn góp phần nhỏ bé của mình phát triển sản phẩm thủ công làng nghề Việt Nam.

Nhưng cuối cùng, chị nhận ra gốm là thế mạnh lớn nhất của mình, đồng thời cũng trăn trở với những điểm yếu của làng nghề gốm hiện tại. Dù mẫu mã, nhà xưởng, thợ thuyền đều sẵn có nhưng hầu như chỉ dừng lại ở các mẫu cổ truyền còn lưu lại đến ngày nay, mẫu dư của những đơn hàng làm theo đơn đặt của khách, hoặc bắt chước lẫn nhau, hầu như rất ít những thiết kế riêng và mới.

Chị Linh mong muốn góp thêm vào làng nghề gốm Việt một nét chấm phá, một chút khác biệt thông qua những sản phẩm mỹ nghệ ứng dụng tự tay chị thiết kế và sản xuất.

Sản phẩm gốm Calla Decor được sử dụng tại quán cà phê ở Nhật Bản.

Với tình yêu mãnh liệt đó, chị cùng bạn bè lập ra Calla Decor, với mong muốn một ngày không xa sẽ đưa được vẻ đẹp gốm Việt đến với những người yêu sự mộc mạc nhưng đầy tinh tế của gốm Việt.

Những bước đầu khó khăn

Sự hào hứng lúc mới bước vào thị trường nhanh chóng trở thành nỗi lo lắng của Calla Linh, những khó khăn đến sớm hơn chị nghĩ. Với chị, khó khăn về kỹ thuật, tay nghề thợ hay nhà xưởng không phải là vấn đề quá bất cập vì thợ gốm ở ta tương đối lành nghề. Kỹ thuật làm gốm ngày nay cũng hiện đại và ổn định, ít rủi ro hơn sản xuất gốm trước đây.

Tuy nhiên, chị Linh cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là cạnh tranh thị trường không lành mạnh, trong đó bao gồm cả hàng nhập, giá sản phẩm và việc bị làm nhái mẫu mã.

Bộ gốm men vàng vẽ hoa cúc của Calla Decor.

Chị nhớ lại, có lần phát hiện ra một sản phẩm tâm huyết bị nhái mẫu, chị đã rất buồn.

Đó là mẫu bình khắc hình hạc tôi tâm huyết thiết kế, lấy ý tưởng từ trống đồng Đông Sơn. Bình được tái sản xuất nhiều lần với nhiều nghiên cứu trên những màu men khác nhau. Một ngày đẹp trời khi lướt mạng thấy mẫu của mình nghiễm nhiên nằm trong bộ sản phẩm gốm của một trang bán hàng. Tìm hiểu mới biết họ cũng chỉ là nhà tiêu thụ. Sản xuất bán ra mẫu đó là một lò gốm bên Bát Tràng. Lúc đó chẳng biết nghĩ gì hơn, chỉ biết tự an ủi rằng mẫu của mình được ưu chuộng đến mức làng nghề cần phải nhái lại để bán, âu cũng đành…”, chị Linh tâm sự.

Bản thân chị không biết giải quyết sao về chuyện ăn cắp bản quyền, bởi đó là vấn nạn gần như không thể loại bỏ, không chỉ hàng gốm của chị, mà còn là của mỗi sản phẩm mỹ thuật hay tiêu dùng trên thị trường hiện nay.

Mẫu đèn gốm đầy tính ứng dụng.

Khi chưa qua được nỗi buồn bị nhái mẫu thiết kế, Calla Decor của chị Linh lại gặp khó khăn vì dịch COVID-19.

Trước dịch, chị Linh nhắm mục tiêu đưa gốm của mình tới với khách hàng nước ngoài và xuất khẩu. Thế nhưng, chưa đầy 1 năm thành lập, Calla Decor- giống nhiều doanh nghiệp trong nước khác-đều gặp khó. Chị buộc phải xoay qua thị trường nội địa, hướng tới khách hàng tiềm năng là những người tiêu dùng trong nước. Song mức quan tâm tới gốm nghệ thuật còn rất ít, bởi thị trường trong nước đã quá quen với gốm đại trà, vừa tiền và không để tâm nhiều đến bản quyền mẫu gốm sáng tạo.

Nhưng thạc sĩ N.H.L vẫn tin rằng, nếu có niềm tin và định hướng đúng cho gốm nghệ thuật Việt, chị sẽ tìm ra được hướng đi thành công cho Calla Decor.

Cơ duyên đưa gốm Việt sang Nhật

Đầu năm 2020, một Việt kiều trở về quê hương để tìm nhà cung cấp sản phẩm gốm cho chuỗi cà phê sắp mở của mình tại thị trường Nhật. Họ đến với làng gốm Bát Tràng nhưng không tìm được đối tác ưng ý. Trong một cơ duyên bất ngờ, họ nhìn thấy trang Facebook của Calla Decor, thấy những sản phẩm gốm tinh xảo, và họ tìm đến với chị Linh.

Cuối cùng, sau gần 3 tháng, bên mình đã hoàn thành đơn hàng xuất Nhật đầu tiên. Sau khi được sử dụng tại thị trường Nhật, gốm Calla đã nhận được phản hồi rất tốt từ khách. Đó là niềm vui rất lớn đối với nhà sản xuất như tôi”, chị Linh chia sẻ.

Gốm Nhật nổi tiếng thế giới. Ngay tại Việt Nam, gốm tiêu dùng và gốm nghệ thuật của Nhật chiếm một phần không nhỏ trong thị trường. Người Nhật cũng trọng độ tỉ mỉ, chính xác, và đưa nguyên tắc đó vào tác phong, vào từng nét văn hóa đặc trưng.

Khách hàng của chị Linh muốn có sản phẩm gốm có độ chính xác cao, thiết kế phải chuẩn đến từng chi tiết. Mỗi cốc đựng đồ uống phải đảm bảo tiêu chuẩn đo lường quy định. Đó là những thách thức không nhỏ dành cho Calla Decor.

Khách hàng của quán cà phê ở Nhật dùng đồ gốm Calla Decor.

Chúng tôi phải tính toán rất kỹ lưỡng độ co ngót của xương đất trước khi đổ khuôn và độ co ngót sau khi tráng men, trước khi nung sản phẩm mà vẫn phải đảm bảo được hình dáng đúng như thiết kế ban đầu. Riêng đối với yêu cầu về màu men phải mộc mạc, không được bóng nhưng vẫn phải không bám bẩn nhiều khi sử dụng cũng là một bài toán khó khiến chúng tôi cũng phải thử đi thử lại nhiều lần mới cho ra mẫu ưng ý”.

Nhật Bản được biết đến là “đất của Gốm”, việc khách hàng đến từ Nhật đã tin tưởng chọn Calla Decor và rất hài lòng với những gì chị Linh đã làm khiến chị cảm thấy tự hào. Chị chia sẻ đó là động lực để sáng tác, cũng như ngày càng tin tưởng gốm Việt của Calla Decor sẽ có cơ hội vươn xa hơn.

Hướng đi riêng để tồn tại

Với chị Linh, niềm tin không phải vô cớ. Trước hết, chị hiểu gốm Việt thực sự có vẻ đẹp riêng không giống với bất cứ gốm nước nào. Dù còn những hạn chế nhất định nhưng nhìn chung gốm Việt vẫn có một chỗ đứng nhất định trong thị trường gốm hiện nay.

Bởi nghề gốm Việt đã tồn tại từ rất lâu đời, những người thợ gốm rất lành nghề và thông minh, nhạy bén, nếu được đi đúng hướng, gốm Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa.

Chị Calla Linh sáng tác tại xưởng gốm.

Thêm vào đó, chị Linh vẫn luôn có niềm tin sẽ chọn được ngách thị trường hướng tới những người Việt yêu sự tinh tế của gốm Việt và sẽ lựa chọn gốm của chị. Để làm được điều đó, cần có định hướng lâu dài, tin tưởng vào thị trường và phải luôn nỗ lực sáng tạo trong từng sản phẩm để làm hài lòng những khách hàng khó tính nhất.

Chị Linh cũng không quên tiêu chí “ứng dụng” trong các sản phẩm của mình. “Tôi luôn đau đáu về bốn chữ “Mỹ thuật ứng dụng”. Dù có thiết kế gì đi chăng nữa, phục vụ ai hay mục đích gì đi chăng nữa, sản phẩm đó ngoài đẹp còn phải có công năng sử dụng. Sản phẩm phải có sự dung hòa giữa sáng tạo độc đáo trong thiết kế với mong muốn của khách hàng và giá trị thẩm mỹ mà mình muốn đạt tới. Theo tôi một sản phẩm chỉ cần có 3 yếu tố này hòa quyện thì đó là thành công của người thiết kế”, chị Linh cho biết.

Thúy Quỳnh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dua-gom-viet-sang-nhat-giua-mua-covid-19-ar568681.html