Đưa giáo dục địa phương vào chương trình sao cho đúng?

Việc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam có vở luyện viết dành riêng cho học sinh tiểu học của tỉnh mình và cho rằng đó là một cách lồng ghép nội dung giáo dục địa phương khiến dư luận đặt câu hỏi: Việc đưa nội dung giáo dục địa phương vào dạy học sinh phổ thông đã và sẽ được Bộ GD-ĐT quy định thế nào?

Vở luyện viết dành cho học sinh Quảng Nam, áp dụng cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 - Ảnh: Mạnh Cường

Phải báo cáo Bộ GD-ĐT

Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đã quy định một số nội dung giáo dục địa phương ở một số môn học. Từ năm 2008, Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn dạy học nội dung giáo dục địa phương (áp dụng từ năm học 2008 - 2009 đến nay). Để thực hiện nội dung đó, các sở GD-ĐT phải chuẩn bị tài liệu, hướng dẫn tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá để xếp loại học sinh (HS) cuối học kỳ và cuối năm học.

Để tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương, Bộ GD-ĐT yêu cầu trước hết phải chuẩn bị tài liệu dạy học. Sở GD-ĐT trình UBND tỉnh, TP kế hoạch thực hiện giáo dục địa phương; chủ trì phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức biên soạn, thẩm định để ban hành tài liệu giáo dục địa phương. Cần tập hợp các chuyên gia, cán bộ khoa học, công nghệ, các nhà hoạt động văn hóa, nghệ sĩ và nghệ nhân tiêu biểu am hiểu về địa phương tham gia biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương thuộc các môn học.

Hiện nay, nội dung giáo dục địa phương được Bộ GD-ĐT quy định trong các môn: ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, công nghệ, thể dục (ở cấp THCS và THPT) và môn mỹ thuật, âm nhạc (ở cấp THCS). Ví dụ, môn thể dục được Bộ GD-ĐT quy định rất rõ: Sở GD-ĐT có thể biên soạn tài liệu về các môn thể thao phổ biến, có thế mạnh ở địa phương và hướng dẫn thực hiện chương trình này (có thể lồng ghép giới thiệu về các môn thể thao truyền thống ở địa phương như: võ, vật, đua thuyền, chơi đu, ném còn...).

Đáng chú ý, Bộ GD-ĐT yêu cầu việc thực hiện nội dung giáo dục địa phương cũng như việc biên soạn, bổ sung, cập nhật tài liệu... các sở GD-ĐT phải báo cáo về Bộ hằng năm để theo dõi, chỉ đạo. Nếu chưa chuẩn bị được các điều kiện để thực hiện nội dung giáo dục địa phương, thời lượng dành cho phần này được dùng để ôn tập, củng cố môn học đó. “Trong quá trình thực hiện, khi có nhu cầu tăng thêm nội dung giáo dục địa phương, các sở GD-ĐT cần báo cáo để Bộ GD-ĐT chuẩn y trước khi thực hiện”, Bộ GD-ĐT quy định.

Phải được thẩm định

Về việc Quảng Nam có vở luyện viết riêng dành cho HS của tỉnh mình, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời là Chủ biên sách giáo khoa tiếng Việt trong chương trình hiện hành, cho rằng: Việc Quảng Nam in riêng vở luyện viết cho HS, trong đó có lồng ghép giữa mục đích luyện viết chữ với việc giúp HS có hiểu biết về văn hóa, lịch sử... địa phương, như tên đất, tên người (những danh nhân) một cách sơ lược nhất thì cũng là việc làm tích cực. Vì vở luyện viết nằm trong danh mục tối thiểu của HS từ lớp 1 đến lớp 3 nên không dùng vở luyện viết này thì HS cũng phải dùng vở chung cho cả nước.

Tuy nhiên, GS Thuyết cũng nhấn mạnh, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam trước khi cho phép vở luyện viết trên lưu hành và sử dụng ở các nhà trường thì phải đảm bảo được các nguyên tắc tối thiểu. Thứ nhất, dù không là sách giáo khoa nhưng tài liệu nào đưa vào phục vụ cho HS cũng phải được thẩm định kỹ càng, trường hợp này thì Nhà xuất bản Giáo dục VN phải làm điều đó. Thứ hai, vở đó không bắt buộc HS và nhà trường phải lựa chọn. Thứ ba, phải khảo sát nhu cầu của HS để in ấn đầy đủ, tránh trường hợp phụ huynh lo lắng vì không mua được nếu thực sự có nhu cầu.

Trong văn bản báo cáo Bộ GD-ĐT ngày 7.9 về hiện tượng Báo Thanh Niên nêu, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam khẳng định: Bộ vở luyện chữ viết có tác dụng tốt trong việc giáo dục HS. Tuy nhiên, hiện nay bộ vở này có một số đơn vị sử dụng, một số không sử dụng. Và Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam hoàn toàn không bắt buộc HS phải sử dụng vở luyện viết này.

Sẽ "mở" hơn trong chương trình mới

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, việc đưa nội dung giáo dục địa phương vào giảng dạy ở chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ “mở” hơn so với chương trình hiện hành. Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì thẩm quyền xây dựng kế hoạch giáo dục địa phương là của UBND các tỉnh, thành.

Cụ thể, ở tiểu học, nội dung giáo dục địa phương tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Từ lớp 6 đến lớp 12 thì mỗi một lớp học, năm học là 35 tiết dành cho nội dung giáo dục của địa phương (tổng số là 245 tiết).

Sở dĩ phải dành nhiều thời lượng hơn cho nội dung giáo dục địa phương vì theo GS Thuyết, mỗi địa phương có nhu cầu khác nhau để đào tạo công dân của mình. Ví dụ, TP.HCM có chiến lược TP thông minh, vậy sẽ phải xây dựng chương trình giáo dục để đào tạo ra những công dân để sống và làm việc trong TP thông minh thì phải được tự quyết điều đó. Hoặc như ở Hà Nội, muốn dạy văn hóa Tràng An; ở Tây nguyên thì muốn dạy cho HS về văn hóa Tây nguyên, về cây công nghiệp, từ trồng trọt, chế biến, kinh doanh, tiếp thị như thế nào... Tất cả những nội dung đó cần để cho địa phương tự quyết kế hoạch giáo dục.

GS Thuyết cũng khẳng định: “Tư tưởng chung của chúng tôi là có một chương trình đảm bảo một mặt bằng đại trà, còn vẫn phải dành phần cho những địa phương có điều kiện hơn để họ có nội dung phát triển hơn, cho HS của mình”.

Tuệ Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/giao-duc/dua-giao-duc-dia-phuong-vao-chuong-trinh-sao-cho-dung-1000731.html