Đưa điện ra đồng

Nhiều nông dân trên địa bàn H.Định Quán cho biết, đến nay sản xuất nông nghiệp đã không còn quá vất vả, chi phí sản xuất giảm, năng suất cây trồng tăng. Một trong những nguyên nhân chính đóng góp vào thuận lợi trên chính là nhờ sự phát triển hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Phần lớn hộ trồng rau tại xã Suối Nho đều đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm nhờ có điện. Ảnh: M.Quân

Phần lớn hộ trồng rau tại xã Suối Nho đều đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm nhờ có điện. Ảnh: M.Quân

Gần 10 năm trước, Định Quán là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, đời sống người dân còn ở mức thấp. Do đó, để vận động người dân chung tay xây dựng hệ thống điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt không phải dễ. Tuy nhiên, nhờ cố gắng và kiên trì thực hiện, H.Định Quán đã hoàn thành nhiệm vụ đưa điện ra đồng, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân, nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng.

* Giảm chi phí đầu tư sản xuất

Vừa nhanh tay nhổ bỏ những cây đậu bắp chậm lớn đang mọc xen kẽ giữa luống đậu bắp tươi tốt mới trồng được hơn 3 tuần tuổi, bà Nguyễn Thị Dung (xã Suối Nho, H.Định Quán) vừa hào hứng khoe, hệ thống tưới nước tiết kiệm đã giúp bà tưới cho 1,4ha rau và các loại cây trồng khác trong vườn, do đó bà Dung có thêm thời gian chăm sóc vườn cây.

Theo bà Dung, khoảng 5 năm trước, khi gia đình bà chưa lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, thời gian chăm sóc vườn cây chủ yếu dành cho việc tưới nước và phun thuốc. Để tưới được 1 sào rau phải mất cả tiếng đồng hồ, mọi việc hoàn toàn sử dụng máy bơm bằng dầu nên chi phí rất tốn kém. Từ khi có điện lưới phục vụ sản xuất, gia đình bà lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, vừa bớt công chăm sóc, việc tưới nước được bảo đảm, vừa tiết kiệm nhân công, tăng năng suất cây trồng, tăng lợi nhuận. “Trước đây xài máy bơm bằng dầu nên chi phí cho việc tưới chiếm 1/3 tổng chi phí sản xuất nên lợi nhuận không cao. Từ khi có điện, sử dụng những tiện ích từ điện thì chi phí sản xuất giảm một nửa so với trước kia. Điện đã giải quyết được rất nhiều vấn đề trong sản xuất, nhất là công đoạn tưới nước, nên thu nhập của nông dân cao hơn, cùng với điện sinh hoạt được bảo đảm đã nâng chất lượng cuộc sống lên đáng kể” - bà Dung cho hay.

Xã Phú Tân có diện tích đất nông nghiệp chiếm 3,5 ngàn/4,5 ngàn ha so với tổng diện tích đất toàn xã, trong đó các loại cây có múi đang là những cây trồng chủ lực của xã như: bưởi, quýt, cam, mít... nên nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất nông nghiệp rất lớn.

Ông Lê Quang Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Phú Tân cho biết, trước đây chỉ có khoảng 30% diện tích cây trồng trong xã có điện sản xuất, còn lại những hộ dân phải dùng máy dầu để phục vụ sản xuất nên lợi nhuận không cao, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Từ năm 2012 trở lại đây, Phú Tân được đầu tư hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, do đó chi phí giảm, lợi nhuận tăng, đời sống bà con dần cải thiện. Theo ông Thắng, hiện nay tỷ lệ hộ có điện sử dụng trong sản xuất chiếm khoảng 70%, điện sinh hoạt đạt 100%.

Nhiều hộ dân khác tại các xã như La Ngà, Thanh Sơn, Túc Trưng... cũng cho biết, sau khi được cung cấp điện sản xuất, nông dân sản xuất ổn định, chất lượng sản phẩm nông nghiệp cũng như năng suất cây trồng được tăng lên.

* Hoàn thiện xã hội hóa điện nông thôn

Là xã có diện tích trồng rau màu lớn và nổi tiếng của tỉnh, những năm gần đây, nhờ có sự đầu tư hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất nông nghiệp một cách đồng bộ nên nhiều hộ dân ở xã Suối Nho đã chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây trồng phù hợp, cho thu nhập ổn định hơn. Ông Đinh Minh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Suối Nho cho biết, chỉ trong 8 năm, xã đã được đầu tư gần 20 công trình lưới điện trung và hạ thế, đặc biệt là các đường điện phục vụ sản xuất cho bà con rất kịp thời, tạo đà cho sự phát triển chung của Suối Nho.

Ông Hùng chia sẻ: “Sản xuất nông nghiệp ở xã Suối Nho chủ yếu là những cánh đồng rau, do đó khi có điện hầu hết các hộ dân đều sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Khoảng 5 năm nay, đời sống của bà con ở xã Suối Nho được nâng lên đáng kể khi cả điện và đường đều đang được đầu tư khá đồng bộ. Đến nay, 100% người dân trong xã đều có đủ điện sinh hoạt và sản xuất để sử dụng hằng ngày”.

Ông Phạm Hoài Phương, Phó trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng H.Định Quán cho hay, việc đầu tư hệ thống điện đồng bộ trên địa bàn huyện thời gian qua là cả sự cố gắng của huyện cùng các đơn vị chức năng khác. Trong đó, Phòng Kinh tế hạ tầng với vai trò khảo sát nhu cầu thực tế, tham mưu UBND huyện trong việc phát triển hệ thống lưới điện tại địa phương đã tìm hiểu khá kỹ, ghi nhận thực tế từng khu vực để có những kế hoạch cụ thể hơn trong quá trình đề xuất đầu tư.

Nhận định về những nỗ lực của huyện trong quá trình xây dựng các công trình điện trên địa bàn huyện từ năm 2013 đến nay, Chủ tịch UBND huyện Trần Quang Tú cho biết, người dân tại những khu vực có đầu tư lưới điện rất phấn khởi và đồng thuận đối với những chính sách, sự quan tâm của Nhà nước đối với người dân trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giúp người dân có thêm việc làm, đời sống kinh tế ngày càng được cải thiện, tình hình an ninh nông thôn được giữ vững trong những năm qua. Ông Tú cũng cho biết, đến nay tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn huyện, đặc biệt là tỷ lệ sử dụng điện lưới quốc gia đã tăng từ 88% vào cuối năm 2010 lên 99,3% đối với điện sản xuất và 100% đối với điện sinh hoạt vào cuối năm 2019.

Từ năm 2012 đến nay, H.Định Quán đã triển khai đầu tư xây dựng 88 công trình điện, thực hiện theo hình thức xã hội hóa với tổng dự toán gần 84 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 36 tỷ đồng, phần nhân dân đóng góp gần 25 tỷ đồng. Tổng chiều dài đường điện được lắp đặt gần 95km, trong đó đường trung thế dài trên 26km, hạ thế trên 68km. Toàn huyện lắp đặt 12 trạm biến áp với tổng dung lượng 1.612,5 KVA; đường dây điện hạ thế đạt khoảng 33,138km, với tổng mức đầu tư khoảng 30,5 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 6,4 tỷ đồng.

Minh Quân

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/trangdiaphuong/202003/dua-dien-ra-dong-2994656/