Đưa di sản đến với giới trẻ

Chương trình "Em làm nhà khảo cổ", do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức đã chính thức khởi động tại Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu (Hà Nội). Chương trình góp phần trang bị cho trẻ em kiến thức cơ bản về khảo cổ học, giúp các em mở rộng hiểu biết về lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Ảnh: hoangthanhthanglong.vn

"Em làm nhà khảo cổ" từng được thực hiện thí điểm vào năm 2013, song do chưa có sự chuẩn bị kỹ càng cho một hoạt động thường xuyên, lâu dài giữa lòng di sản nên phải tạm dừng hoạt động trong sự tiếc nuối của công chúng. Để có thể đáp ứng nhu cầu tìm hiểu ngày càng đa dạng của khách tham quan, ngày 2-10, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội chính thức khởi động chương trình "Em làm nhà khảo cổ" một cách bài bản, khoa học, tạo điều kiện cho học sinh khối lớp 4 và 5 của các trường tiểu học có cơ hội trải nghiệm công việc khảo cổ tại "Góc khám phá" nằm giữa di tích khảo cổ lớn bậc nhất Việt Nam.

Tham gia chương trình, lần lượt từng nhóm 10-15 em tham quan thực địa di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Vừa tham quan, các em vừa nghe cán bộ Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội giới thiệu sơ lược về di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long và kết quả khai quật khảo cổ học. Sau khi tham quan, các nhóm tiếp tục xem clip ngắn giới thiệu khái quát về khu di sản và công việc mà các em sắp trải nghiệm để có sự hình dung rõ nét hơn về di sản độc đáo này. Trong quá trình “làm nhà khảo cổ”, các em cùng nhau chơi trò "Đi tìm báu vật hoàng cung Thăng Long" dưới hình thức hỏi đáp vui nhộn. Hoàn thành các câu trả lời, các nhóm sẽ tìm thấy đáp án là hình ảnh những hiện vật tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long được các nhà khảo cổ tìm thấy tại di tích 18 Hoàng Diệu. Tiếp đó, các em sử dụng công cụ khảo cổ thực hiện việc khảo sát hố khảo cổ giả định. Kết thúc quy trình khảo cổ, học sinh tiến hành chỉnh lý hiện vật, trưng bày kết quả và thuyết trình về hiện vật mà mình tìm thấy.

Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) cho biết, tất cả các hoạt động mang tính chất chơi mà học, học mà chơi, giúp các em cảm nhận, tiếp thu những giá trị lịch sử, văn hóa của khu di sản một cách tự nhiên. Trước mắt, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với một số trường tiểu học trên địa bàn quận Ba Đình đưa các nhóm học sinh đến di tích để “làm nhà khảo cổ”. Các tổ chức, cá nhân ngoài địa bàn quận muốn tham gia có thể đăng ký để Trung tâm bố trí, sắp xếp. Trong tương lai, Trung tâm sẽ nghiên cứu mở rộng diện tích khảo cổ giả định, bổ sung hoạt động, trò chơi nhằm đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Ngoài chương trình “Em làm nhà khảo cổ” dành cho học sinh bậc tiểu học, bắt đầu từ tháng 10, học sinh THCS cũng có thể học ngoại khóa tại Hoàng thành Thăng Long vào bất kỳ ngày nào trong tuần qua chương trình “Tìm hiểu Khu di sản Hoàng thành Thăng Long”. Mỗi lớp học ngoại khóa có từ 50 đến 200 học sinh, được sự hỗ trợ của cán bộ khu di sản. Nội dung chương trình học khá phong phú, hứa hẹn mang đến cho các em những giờ học lịch sử thú vị. Từng hướng dẫn các cháu học sinh tập làm nhà khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long, ông Bùi Vinh (Viện Khảo cổ học Việt Nam) khẳng định: “Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai các chương trình giáo dục di sản một cách bài bản, lâu dài, tôi chắc giới trẻ sẽ thấy thích thú. Đó cũng là cách đưa di sản đến với giới trẻ, góp phần nâng cao trách nhiệm của thế hệ trẻ với vốn di sản văn hóa quý giá”.

Thu Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/850699/dua-di-san-den-voi-gioi-tre