Đưa đặc sản thôn quê chinh phục thị trường

Ngày 3-8, Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018 chính thức khai mạc tại Hà Nội, nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô những nông sản chủ lực trên quê hương Sơn La, nhất là sản phẩm nhãn sông Mã.

Mặc dù mới bén rễ trên đất Sơn La từ 10 năm nay, nhưng nhãn sông Mã đã được cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu và tạo được thế mạnh, vị trí riêng trong bản đồ nông sản sạch Việt Nam. Trước đó, vào đầu tháng 7-2018, một hoạt động tương tự cũng đã diễn ra tại Hà Nội khi ngành công thương phối hợp tỉnh Hòa Bình triển khai Tuần lễ cá sông Ðà năm 2018.

Hai tuần lễ nêu trên được tổ chức liên tiếp tại Hà Nội, đánh dấu sự mở đầu của một chuỗi sự kiện, hoạt động kết nối cung cầu do ngành công thương phát động tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mục tiêu của các chương trình hướng tới là giới thiệu tới người tiêu dùng và thị trường cả nước những nông sản thực phẩm an toàn, rõ xuất xứ nguồn gốc, qua các kênh phân phối bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm như siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn..., góp phần xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm.

Tuy nhiên, việc "trình làng" những tinh hoa ẩm thực mang tính lễ hội là một chuyện, gây dựng thương hiệu, uy tín thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của các vùng miền lại là chuyện khác, khó hơn nhiều. Lâu nay, việc phát triển thương hiệu, mở mang thị trường thương mại cho các đặc sản vùng miền của chúng ta gặp nhiều khó khăn, thậm chí bế tắc do thiếu thông tin và sự kết nối thị trường. Vì vậy, muốn vươn ra thị trường, các địa phương có đặc sản vùng miền và các ban ngành hữu quan phải có chiến lược lâu dài cả trong khâu tổ chức sản xuất, quảng bá thương hiệu và phân phối hàng hóa. Thí dụ chuyện trồng nhãn sông Mã, nuôi cá sông Ðà, hay thành công trong những vụ tiêu thụ vải thiều gần đây. Ðể có được những sản phẩm an toàn, cho năng suất cao, rất nhiều gia đình ở Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang... phải tổ chức sản xuất lại, triển khai nuôi, trồng theo quy trình VietGAP. Ðáng chú ý, việc sản xuất theo những quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP không mang lại giá trị trước mắt, mà phải kiên trì theo đuổi một chặng đường dài.

Khi đã có những đặc sản chất lượng cao, sản lượng lớn, cần triển khai bài bản, kiên trì công tác làm thương hiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng, tới thị trường. Không chỉ người sản xuất lo đầu ra, mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương đồng hành cùng nhà nông, tới khi đạt hiệu quả thật sự. Có như vậy những tinh hoa thôn quê thông qua các tuần lễ cá sông Ðà, nhãn sông Mã, và tới đây là Ngày hội na Chi Lăng, thảo quả Lào Cai sắp trình làng để chinh phục thị trường cả nước, sẽ không phải là những sự kiện mang tính hình thức, phong trào.

TÂM THỜI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37227802-dua-dac-san-thon-que-chinh-phuc-thi-truong.html