Đưa công nghiệp chủ lực là thế mạnh

Để kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đến năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đóng góp 40-50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, Hà Nội đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm đưa công nghiệp chủ lực là thế mạnh của kinh tế Thủ đô.

Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp là một trong 59 doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội. Trong ảnh: Vận hành dây chuyền sản xuất tự động hóa tại Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp.

Vẫn còn những trăn trở

Theo Sở Công Thương Hà Nội, toàn thành phố hiện có 92 sản phẩm (gồm quần áo, nhựa, đá vicostone, khóa, dây cáp điện, tôn mạ...) của 59 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố (bằng 115% mục tiêu Đề án phát triển công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2025). Trong đó, riêng năm 2019, thành phố xét chọn và công nhận 30 sản phẩm của 22 doanh nghiệp. Đây là những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, phát huy được giá trị truyền thống, đồng thời định hướng sản xuất cho các sản phẩm cùng loại; góp phần khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường. Các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận đều đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao mức độ tự động hóa.

Đáng chú ý, doanh thu của 59 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2019 đạt gần 100.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1 tỷ USD, điển hình như Tổng công ty May 10, Tập đoàn Sơn Hà, Tập đoàn Tân Á, Công ty cổ phần Vicostone, Công ty Dây và cáp điện Thượng Đình, Công ty Tôn mạ Thăng Long, Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội, Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp... Trong năm 2020, mặc dù gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động và có tăng trưởng về doanh thu.

Các doanh nghiệp tham gia đề án được thành phố Hà Nội hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại; nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ ứng dụng công nghệ, phát triển nhân lực; hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm, sản xuất sạch… Tuy nhiên, theo đại diện một số doanh nghiệp, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố đang phải chịu sức ép cạnh tranh lớn ngay trên “sân nhà”. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vicostone Phạm Anh Tuấn cho biết, sức ép cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực đổi mới sáng tạo bên cạnh sự hỗ trợ của thành phố. Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cường (doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phụ kiện ngành nhựa) Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ, chi phí sản xuất như tiền thuê đất, lao động, các dịch vụ... tại Hà Nội cao hơn các tỉnh, thành phố lân cận, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chỉ ra những bất cập, PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) nhận định, việc chế tạo hầu hết sản phẩm vẫn ở dạng gia công, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Năng suất lao động thấp, trình độ nhân lực cũng như năng lực quản lý của doanh nghiệp chưa cao, dẫn tới tình trạng sản phẩm không đủ sức cạnh tranh ở những dự án có yêu cầu kỹ thuật cao. Chính những điểm yếu này khiến các doanh nghiệp trong nước khó “chen chân” vào chuỗi sản xuất của những thương hiệu, tập đoàn lớn từ nước ngoài.

Ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt công nghiệp Hà Nội Phạm Hòa Bình kiến nghị, nên xác định rõ sản phẩm thế mạnh ưu tiên tập trung đầu tư để tạo đà phát triển lâu dài. Không nên lựa chọn các sản phẩm cũ, dù chiếm tỷ trọng cao nhưng không phù hợp xu thế phát triển.

Nỗ lực đáp ứng, hỗ trợ doanh nghiệp

Sản xuất đồ gia dụng tại Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, để khắc phục những tồn tại, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố, cuối tháng 9-2020, Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí dự kiến là 200 tỷ đồng. Mục tiêu của kế hoạch nhằm thu hút sự tham gia của 100-120 doanh nghiệp, với khoảng 150-180 sản phẩm được thành phố công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố giai đoạn 2021-2025.

Để đạt được mục tiêu, thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức triển lãm giới thiệu sản phẩm, kết hợp mời các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối quốc tế lớn đến tham quan, kết nối và đưa sản phẩm công nghiệp chủ lực vào các chuỗi cung ứng toàn cầu...

Đặc biệt, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tiếp tục được ưu tiên bằng việc giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực xây dựng, hải quan, thuế, đầu tư... theo hướng tạo thuận tiện hơn cho các doanh nghiệp. Đồng thời, thành phố tập trung đôn đốc tiến độ thành lập, xây dựng và hoàn thiện các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn để tạo điều kiện phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo sự liên kết với các địa phương trong Vùng Thủ đô.

“Thành phố cũng tăng cường tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển, đóng góp vào phát triển chung của Thủ đô…”, ông Đàm Tiến Thắng khẳng định.

Hiền - Hải

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/980295/dua-cong-nghiep-chu-luc-la-the-manh