Đưa công nghệ vào lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật

Thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư làm thay đổi nhiều hoạt động của con người, không loại trừ lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Hiện nay, ở nước ta, ứng dụng công nghệ trong hoạt động văn hóa chủ yếu ở mức ứng dụng và nghiên cứu ứng dụng; tiếp nhận, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, với hiện trạng nguồn tài chính, nhân lực và hạ tầng của ngành thì việc ứng dụng thành tựu công nghệ vào lĩnh vực văn hóa còn nhiều thách thức.

Theo các chuyên gia, phần lớn nhà quản lý chuyên ngành chưa thật sự hiểu rõ và cập nhật công nghệ mới; xu thế phát triển công nghệ đó tác động, mang lại cơ hội và thách thức gì đối với ngành nghề của mình. Hiện nay, chưa có chính sách đặc thù cho việc thích ứng với CMCN lần thứ tư; các chính sách thiếu sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành liên quan. Với lĩnh vực văn hóa, hầu hết các công nghệ là thành tựu của CMCN lần thứ tư khi được ứng dụng vẫn chỉ ở mức hỗ trợ để giải quyết một vấn đề nào đó trong công tác quản lý; hoặc là các ứng dụng cơ bản.

Một thực tế đáng lo ngại, là nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu. Do đặc điểm ngành nghề, hầu hết những người làm công tác văn hóa chưa được trang bị nhiều kiến thức khoa học, công nghệ; nhất là công nghệ cao, thành tựu mới. Vì vậy, bên cạnh sự phát triển về số lượng, chất lượng của đội ngũ hoạt động văn hóa - nghệ thuật thời “công nghệ số” rất cần được chú trọng; cần có một cuộc “cách mạng” trong công tác giáo dục, đào tạo. Hiện nay, các địa phương trên cả nước đã có hệ thống thiết chế văn hóa khá dày đặc. Một số hệ thống như rạp chiếu phim hiện đại, thư viện điện tử, bảo tàng “ảo”... của tư nhân đã và đang phát triển mạnh. Nhu cầu ứng dụng công nghệ ở các thiết chế đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư kinh phí rất lớn. Tháng 4-2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2021, định hướng đến năm 2030. Đây là dịp để tinh gọn bộ máy, đổi mới hoạt động, đồng thời có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng và ứng dụng công nghệ. Nguồn lực tài chính hạn hẹp cũng là một khó khăn, khi hiện nay, ứng dụng khoa học - công nghệ (chủ yếu dành mua sắm thiết bị) vẫn sử dụng nguồn chi thường xuyên với tỷ trọng khoảng dưới 4% kinh phí của các cơ quan, đơn vị; chưa có mục lục chi ngân sách riêng cho các hoạt động này.

Tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ tư; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện cho sự tăng tốc phát triển CMCN ở Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo và ban hành kế hoạch thực hiện chỉ thị này; trong đó chú trọng đẩy mạnh đổi mới công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn sàng ứng dụng công nghệ cao trong công tác quản lý và các lĩnh vực liên quan. Những định hướng, chỉ đạo và quyết tâm của Nhà nước và ngành văn hóa đã rõ, vấn đề còn lại là làm sao thực hiện được lộ trình này, để CMCN góp phần hiệu quả vào phát triển nền công nghiệp văn hóa.

NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/41305702-dua-cong-nghe-vao-linh-vuc-van-hoa-nghe-thuat.html