Đưa con đến trường: Bất an!

Dù biết trước con mình sẽ bị bạo hành, chất lượng bảo mẫu, bữa ăn tại cơ sở tư nhân không đảm bảo, nhưng phụ huynh là công nhân, lao động nghèo không có hộ khẩu thường trú ở TPHCM vẫn phải nhắm mắt gửi con. 'Nếu không gửi trường tư, tôi không biết gửi con ở đâu nữa…'- một phụ huynh cho biết.

Phụ huynh bày tỏ sự phẫn nộ trước trường Mầm xanh (ảnh lớn); Bảo mẫu bạo hành trẻ (ảnh nhỏ cắt từ clip). Ảnh: PV.

Nhắm mắt gửi con

Mấy tháng nay anh Hoàng Ngọc Long (quê tỉnh Bình Thuận) phải gửi con tại cơ sở mầm non tư nhân Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM), nơi xảy ra vụ bạo hành trẻ em vừa bị phanh phui. Hay tin các bảo mẫu nơi đây hành hạ trẻ, vợ chồng anh Long rầu rĩ, hốt hoảng. Anh Long cho biết, do điều kiện gia đình khó khăn nên vợ chồng anh không còn lựa chọn nào khác. Từ Bình Thuận vào quận 12 làm công nhân nhiều năm nay, hai vợ chồng anh thuê nhà trọ ở không có hộ khẩu TPHCM. Vì vậy, để gửi con được ở cơ sở công lập với anh là điều khó như mò kim đáy bể.

Theo anh Long, khi vợ hết thời gian nghỉ sinh, anh đã đến các cơ sở giữ trẻ công lập trên địa bàn mình cư trú để nộp đơn xin gửi con nhưng đều bị từ chối vì không có hộ khẩu thành phố. “ Vợ chồng tôi không còn cách nào khác là phải gửi con vào cơ sở tư nhân, ở đây không đòi hỏi giấy tờ gì. Dù biết rằng có những điều mình không an tâm ở cơ sở tư nhưng nếu không gửi ở đó thì biết gửi ở đâu? Chả lẽ hai vợ chồng phải một người nghỉ việc ở nhà giữ con sao?”, anh Long chia sẻ.

Cũng như anh Long, rất nhiều người từ các tỉnh đến TPHCM làm công nhân, hầu hết không có hộ khẩu thành phố, không có KT3 (tạm trú có thời hạn) nên chỉ có thể đưa con đến gửi tại các cơ sở tư nhân hoặc các điểm giữ trẻ tự phát trong khu trọ. “Giờ không thể gửi trong trường công được thì buộc phải gửi trường tư chứ biết sao. Chúng tôi mong cơ quan chức năng phải có chính sách tạo điều kiện cho công nhân, người không có hộ khẩu thành phố cũng được gửi con ở trường công lập”, chị Nguyễn Thị Kim Luyến (công nhân quận Bình Tân) nói.

Gần 10 năm làm công nhân tại khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, chị Lê Thị Phượng (quê Nghệ An) không có hộ khẩu hay KT3. Vợ chồng chị có 2 đứa con đều gửi ở một cơ sở tự phát tại khu phòng trọ. Việc gửi con ở cơ sở tự phát không chỉ vì không có hộ khẩu mà còn nhiều lý do khác như thời gian ở các trường công là giờ hành chính, còn cơ sở tư nhân có thể giữ ngoài giờ, chi phí thấp… “Cả hai vợ chồng làm công nhân lương ba cọc ba đồng, sáng phải thức từ 5h30 để đi làm đến 7h tối mới về, có hôm tăng ca đến 9-10h đêm. Các trường công đòi hỏi có sổ hộ khẩu và chỉ giữ trẻ vào giờ hành chính nên mình không gửi được. Còn cơ sở tư thì gửi cả ngày lẫn đêm, miễn mình thông báo cho các cô để cô trông giúp trong thời gian mình đi làm”, chị Phượng cho hay.

Theo chị Phượng, không phải cơ sở giữ trẻ tư nhân, tự phát nào cũng xấu, thậm chí những cơ sở này nếu hoạt động tốt sẽ giúp cho công nhân, người lao động không có hộ khẩu TPHCM rất nhiều. “Vấn đề quan trọng là đạo đức của các cô giáo ở trường và việc quản lý của cơ quan chức năng như thế nào để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc. Như chỗ tôi gửi con, một công nhân nghỉ sinh con và nhận giữ vài cháu để kiếm thêm thu nhập (trong thời gian không đi làm) nhưng cô rất có tâm, thương con mình như con đẻ, nên gửi con từ mờ sáng đến khuya tôi rất yên tâm. Nhiều hôm tôi cho con ăn nhưng bé không chịu mà cô bảo mẫu cho thì bé ăn ngon lành, ẵm về phòng mình bé lại đòi qua phòng cô giữ trẻ chơi”, chị Phượng kể.

Nhiều cơ sở mầm non tư nhân tuyển bảo mẫu không cần bằng cấp chuyên môn.

Không bằng cấp vẫn làm bảo mẫu

Theo ghi nhận của Tiền Phong, xung quanh các khu công nghiệp mọc lên khá nhiều trường mầm non ngoài công lập. Số lượng công nhân lớn, nhu cầu gửi trẻ cao, trong khi đó các cơ sở công không đáp ứng được nhu cầu; điều kiện gửi con trong các cơ sở này cũng khắt khe. Đa số phụ huynh ngoại tỉnh phải gửi con ở các nhà trẻ tư nhân, tự phát.

Thực tế ghi nhận, khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân, TPHCM) có nhiều trường mầm non tư thục nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Dọc tỉnh lộ 10 (từ đoạn QL1A đến ngã tư Bà Hom, quận Bình Tân, TPHCM) có hơn 3 trường mầm non tư thục, chưa kể nhiều trường mầm non nằm sâu trong các con hẻm. Nhìn từ bên ngoài phần lớn là những căn nhà cấp 4 được trang trí họa tiết sinh động với đủ màu sắc.

Các khu chế xuất Linh Trung (quốc lộ 1A, quận Thủ Đức), trên đường quốc lộ 1A (đoạn qua quận 12, TPHCM),… cũng có nhiều trường mầm non tư thục nhận giữ trẻ là con em công nhân. Nhiều trường dán những mẫu tin tuyển dụng bảo mẫu, tuyển sinh các bé có từ 6 tháng đến 5 tuổi trước cổng trường.

Liên hệ qua mẩu tin tuyển bảo mẫu dán trên tường một cơ sở mầm non tư nhân ở quận Bình Tân, người xưng tên Thanh (chủ cơ sở) cho biết trường đang có nhu cầu tuyển 2 bảo mẫu. Khi được hỏi về yêu cầu trình độ, người này cho biết: Chỉ cần trình độ trung cấp sư phạm mầm non là được. Khi chúng tôi nói không có trình độ chuyên môn như yêu cầu thì người này bảo không có trình độ sư phạm mầm non cũng không sao. Sẽ bồi dưỡng sau nếu vào làm. Mức lương cho vị trí bảo mẫu rơi vào khoảng 2,5-3 triệu đồng/tháng (bao ăn trưa).

Tại trường mầm non B.N (quận Bình Tân, TPHCM) cũng tuyển bảo mẫu, giáo viên mầm non nhưng trường này không đòi hỏi bằng cấp chuyên môn liên quan đến sư phạm mầm non. Bảo mẫu tuyển vào của phần lớn là sinh viên mới ra trường, có tuổi đời khá trẻ và chưa có kinh nghiệm gì về sư phạm mầm non.

Một bảo mẫu từng làm ở trường này cho biết, mức lương tại đây từ 3 triệu đồng trở xuống trong khi phải làm việc từ 6h30 sáng đến 18h mỗi ngày. Mặc dù trường chỉ được tuyển sinh các bé từ 24 tháng đến 5 tuổi, nhưng trường này tuyển luôn cả các bé dưới 24 tháng tuổi vì nhu cầu của nhiều phụ huynh. “Lương thấp, không bằng cấp chuyên môn trong khi phải giữ nhiều trẻ một lúc nên việc các bảo mẫu nổi nóng, đánh trẻ là chuyện thường ngày”, bảo mẫu này nói.

Ngô Bình - Văn Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/dua-con-den-truong-bat-an-1212499.tpo